Giải mã cơn sốt mang tên U19 Việt Nam

Giải mã cơn sốt mang tên U19 Việt Nam

Thứ 7, 04/01/2014 11:16

"Bây giờ, chúng tôi cổ vũ U19 Việt Nam và ĐT nữ Việt Nam, bởi ở đó, người hâm mộ thực sự có cảm giác được hiến dâng".

Những ngày vừa qua, việc tìm kiếm một cặp vé vào sân xem các trận đấu của U19 Việt Nam thực sự là vấn đề với người hâm mộ. Sau 13 năm bóng đá Việt Nam tiến lên chuyên và cũng trong khoảng thời gian đó, các ĐTQG quả thật rất hiếm khi tạo được cơn sốt tình yêu trong lòng CĐV như đội bóng trẻ U19 Việt Nam, dù đây chỉ là một giải đấu giao hữu.

Bóng đá Quốc tế - Giải mã cơn sốt mang tên U19 Việt Nam

U19 tạo nên cơn sốt tình yêu trong lòng CĐV.

Sốt thật

“Chúng tôi đang bận tối mắt tối mũi để lo bằng được những tấm vé cho hội viên Hội CĐV vào sân đây, vì “đội hình” đã lên rồi”, anh Trần Hữu Nghĩa, một CĐV trung thành của bóng đá Việt Nam từ nhiều năm qua, cũng là lá cờ đầu cho phong trào cổ động trên khán đài trong các trận đấu, từ V-League đến các cuộc chơi của ĐTQG, cho biết.

Cũng theo anh Nghĩa, trong mấy mươi năm ăn ngủ với bóng đá của anh, cơn sốt mang tên U19 Việt Nam thực sự là một hiện tượng lạ.

“Tôi nghĩ cái gì cũng có nguyên nhân của nó. Sau rất nhiều những thất vọng mang tên bóng đá Việt Nam và cả cung cách điều hành của VFF, người hâm mộ có quyền chọn lựa đối tượng để yêu. Bây giờ, chúng tôi cổ vũ U19 Việt Nam và ĐT nữ Việt Nam, bởi ở đó, người hâm mộ thực sự có cảm giác được “hiến dâng”. Bóng đá cũng như cuộc đời vậy thôi, cứ cho đi rồi sẽ nhận lại rất nhiều”, CĐV Trần Hữu Nghĩa chia sẻ với Thể thao & Văn hóa.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngay sau khi giải U19 quốc tế được thành hình, những lá cờ đầu như anh Trần Hữu Nghĩa đã cất công đi “gom” rất nhiều các CĐV, những người trẻ mà nếu không được nhắc nhở, được khơi gợi, họ mãi chỉ yêu những: Manchester United, Liverpool hay Arsenal. “Đội hình” cổ động được chạy thử nghiệm ở giải futsal quốc tế tại nhà thi đấu Phú Thọ ở TP.HCM cách đây không lâu và tới đây, họ sẽ trình diễn tại Thống Nhất.

Hay giá trị ảo của nền bóng đá

Trên thực tế, cảnh người hâm mộ xếp hàng rồng rắn để mua được một cặp vé xem bóng đá không phải là chuyện lạ. Ở Mỹ Đình, khi ĐTQG đón tiếp CLB Arsenal (2013), Olympic Brazil (2008), các trận chung kết AFF Cup 2008 và SEA Games 2003 hay trước đó nữa, Tiger Cup 98 với Singapore ở Hàng Đẫy…, chúng ta đã từng được chứng kiến rất nhiều cơn sốt dạng này rồi. Nhưng đa phần, nó chỉ là hiện tượng chứ không phải bản chất của tình yêu. Vì đâu nên nỗi?

Một thời gian dài tính bằng hàng chục năm, khi các doanh nghiệp nhảy vào làm bóng đá, VFF gần như khoán trắng cho họ, từ công tác đào tạo, đến thi đấu, tài chính và cả việc tìm kiếm các CĐV. Tuy nhiên, trong tiềm thức, không nhiều các ông bầu ý thức được vai trò của khán giả, dù về lý thuyết, họ tài trợ bóng đá để thông qua đó quảng bá thương hiệu. Việc đầu tư vào bóng đá với một bộ phận nếu không phải là nghĩa vụ thì cũng như một cách làm… từ thiện.

Theo sơ đồ phác thảo đạt chuẩn của AFC, CĐV chính là một trong 2 tiền đạo ở trên sân, bên cạnh truyền thông. Thế nhưng, các trận đấu ở V-League vẫn vắng như chùa Bà Đanh. Sau rất nhiều những cuộc bể dâu khiến người hâm mộ thất vọng, những nhà điều hành nền bóng đá thực sự đã để khuyết một tiền đạo và gần như chấp nhận chơi… thiếu người. Vậy thử hỏi, sao bóng đá Việt Nam có thể chiến thắng đối phương?! Hỏi mà như đã trả lời.

Theo Thể thao & Văn hóa

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.