Hành trình giải mã bí ẩn
Theo các báo cáo, một người phụ nữ khẳng định đã trông thấy những đứa trẻ bị mất tích ngó ra từ một chiếc xe đi ngang qua cô vào thời điểm mà ngọn lửa vẫn đang phừng phừng cháy. Một người phụ nữ khác điều hành một điểm dừng chân du lịch cho biết cô có nhìn thấy những đứa trẻ này vào buổi sáng hôm sau. "Tôi còn phục vụ chúng bữa sáng. Theo như biển số xe thì chiếc xe này đến từ bang Florida", nhân chứng này nói.
Một người phụ nữ làm việc tại khách sạn Charleston khi xem hình ảnh của những đứa trẻ này trên báo chí đã báo cáo với cơ quan cảnh sát rằng cô đã nhìn thấy bốn trong số năm em nhỏ vào thời điểm một tuần sau đám cháy. Theo người phụ nữ này, các em đi cùng với hai người phụ nữ và hai người đàn ông, tất cả đều đến từ Italia: "Tôi không nhớ chính xác hôm đó là ngày nào. Tôi chỉ biết họ đã thuê một căn phòng lớn với nhiều giường tại khách sạn vào lúc nửa đêm. Tôi cố gắng bắt chuyện với các em nhỏ một cách thân thiện nhưng hai người đàn ông xuất hiện và không cho phép tôi nói chuyện với chúng". Họ rời đi ngay vào sáng sớm hôm sau.
Vào năm 1947, George và Jennie đã gửi một lá thư trình bày chi tiết vụ việc này tới Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và sau đó, nhận được hồi âm từ ngài J. Edgar Hoover: "Dù rất muốn thụ lí vụ việc này, cơ quan của chúng tôi lại không có thẩm quyền điều tra". Nhân viên của Hoover cho biết họ sẽ có sự hỗ trợ điều tra nếu nhận được lời cho phép từ chính quyền địa phương, nhưng sở cảnh sát và sở cứu hỏa Fayetteville đã từ chối lời đề nghị hiếm hoi này.
Kế đó, gia đình Sodders tìm gặp một thám tử tư có tên CC Tinsley. Vị thám tử này đã khám phá ra rằng nhân viên bán bảo hiểm đã từng đe dọa gia đình Sodders là một thành viên trong ban hội thẩm của các điều tra viên được cho là có liên quan tới vụ hỏa hoạn. Ông ta cũng từng nghe được một câu chuyện kì quái về F.J. Morris, đội trưởng đội cứu hỏa. Mặc dù Morris đã lên tiếng tuyên bố rằng không một chi tiết nào được tìm thấy trong đống tro tàn song vị này lại từng tâm sự với một người khác rằng ông đã phát hiện ra một quả tim trong đống đổ nát này. Ông đã giấu nó trong một hộp thuốc nổ và chôn vật này ngay tại hiện trường.
Năm đứa trẻ bị mất tích. Maurice, Martha, Louis, Jennie, Betty.
Tinsley đã thuyết phục Morris cho họ được xem vật thể này. Họ cùng nhau đào chiếc hộp lên và mang nó đến cho giám đốc nhà tang lễ địa phương, người sau đó đã lấy mẫu thử, xét nghiệm và công bố kết quả rằng đó là gan bò và chưa hề bị ảnh hưởng bởi lửa. Ngay sau đó, gia đình Sodders nghe được tin đồn, đội trưởng Morris đã nói với người khác rằng vật thể bên trong chiếc hộp không phải được tìm thấy trong đống đổ nát. Morris chôn gan bò ở đây với hy vọng rằng việc tìm thấy bất cứ dấu vết nào còn lại sẽ khiến gia đình Sodders nghĩ rằng những đứa con của họ đã bị thiêu cháy trong lửa và do đó, ngừng việc điều tra.
Trong vài năm tiếp đó, những manh mối mới tiếp tục xuất hiện. George nhìn thấy bức ảnh chụp một cô bé học sinh ở New York trên báo và tin rằng đó là con gái mình - Betty. Anh đã lái xe tới Manhattan để tìm kiếm và gặp đứa trẻ nhưng cha mẹ cô bé từ chối nói chuyện với anh. Vào tháng 8 năm 1949, gia đình Sodders quyết định "lật tung" hiện trường vụ cháy lên để điều tra lại. Trong lần khai quật cẩn thận này, gia đình đã phát hiện ra một số vật thể nhỏ như tiền xu đã bị hư hỏng, một cuốn từ điển bị đốt cháy một phần, một số đốt xương sống bị vỡ. Những mẫu xương được gửi tới viện nghiên cứu Smithsonian, sau đó cho kết quả kết luận, những mẫu xương này là xương đốt sống thắt lưng của một cá thể người. Nạn nhân khoảng 16-17 tuổi.
Cơ quan điều tra tuyên bố rằng việc tìm kiếm của họ "vô vọng" và tạm ngừng việc điều tra. Không nản lòng, George và Jennie đã dựng lên tấm bảng thông báo kể trên nằm bên tuyến đường 16 cùng với các tờ rơi, trong đó cho biết sẽ trao tặng số tiền lên tới 5.000 USD cho ai cung cấp thông tin giúp họ tìm lại được con cái mình. Mức thưởng này sau đó tăng lên đến 10.000 USD.
Ngay sau đó, gia đình nhận được một lá thư đến từ đường Louis nói rằng cô con gái lớn tuổi nhất, Martha đang sống tại một tu viện ở đó. Một lá thư khác đến từ Texas, nơi một khách hàng quen của một quán bar nghe trộm được cuộc trò chuyện buộc tội việc gây ra đám cháy trong đêm giáng sinh tại một vùng phía tây Virginia cách đó cũng khá lâu rồi.
Một người khác ở Florida thì tuyên bố rằng những đứa trẻ đang rất an toàn khi ở với một người bà con xa của Jennie. George đã rong ruổi trên khắp đất nước Mỹ để điều tra theo những manh mối được cung cấp nhưng cái mà anh nhận lại được vẫn chỉ là một con số 0.
Vào năm 1968, hơn 20 năm sau vụ hỏa hoạn kinh hoàng, Jennie nhận được một phong bì chứa thư được gửi riêng cho cô. Phong bì đóng dấu bưu điện ở Kentucky nhưng không có địa chỉ người gửi. Trong phong bì có duy nhất bức ảnh một chàng trai tầm 20 tuổi. Mặt sau tấm ảnh có dòng chữ viết tay nắn nót "Louis Sodder. Tôi yêu anh trai Frankie. Ilil Boys. A90132 hoặc 35". Cô và người chồng George không thể phủ nhận sự giống nhau giữa chàng trai trong bức ảnh nhận được với Louis, cậu con trai chỉ mới 9 tuổi vào thời điểm xảy ra vụ cháy. Tất cả đều tương đồng một cách hoàn hảo - cả hai đều có mái tóc xoăn, mắt màu nâu sẫm, mũi thẳng, đến đường cong của lông mày cũng không hề khác nhau một chút nào. Tràn trề hy vọng, họ lại thuê một thám tử tư tới Kentucky để điều tra nhưng không hề nhận lại được bất cứ tin tức nào từ phía người này.
Nhà Sodder lo sợ rằng nếu họ công khai các kí tự hay tên của thị trấn trên dấu bưu điện, họ có thể khiến con trai mình rơi vào nguy hiểm. Thay vào đó, họ cho sửa đổi bảng thông báo kể trên bằng hình ảnh cập nhật nhất của Louis. Trong một bài phỏng vấn, George cho hay. "Thời gian không còn cho chúng tôi. Chúng tôi chỉ muốn biết rõ hơn về vụ việc. Nếu thực sự lũ trẻ đã chết trong đám cháy, chúng tôi muốn mình bị thuyết phục bởi những bằng chứng xác đáng. Còn không, chúng tôi muốn biết chuyện gì đã xảy ra với chúng sau cái đêm định mệnh ấy".
Đáp án còn bỏ ngỏ
George qua đời vào năm 1968. Còn Jennie, bà cho dựng một hàng rào khá kiên cố xung quanh căn nhà mình đang ở và dần thu hẹp bản thân với thế giới bên ngoài. Kể từ khi xảy ra vụ cháy, Jennie chỉ mặc đồ đen, được coi như là dấu hiệu cho sự tưởng niệm tới những đứa con mất tích của bà, và tiếp tục giữ nguyên thói quen này cho đến khi bà qua đời vào năm 1989. Con cái và những người cháu của George và Jennie tiếp tục thực hiện việc điều tra, đi theo những giả định của riêng họ: Doanh nghiệp vận tải than của người cha George Sodders thời bấy giờ luôn phải chịu sức ép từ các thế lực mafia ở địa phương. Có thể băng nhóm này đã tống tiền George, hay cố chiêu mộ ông vào tổ chức nhưng ông từ chối.
Để trả thù, chúng đã bắt cóc những đứa trẻ trong gia đình. Những đứa trẻ có thể đã bị bắt giữ bởi một kẻ mà các em biết rất rõ, kẻ đã đột nhập vào căn nhà thông qua cánh cửa trước, thông báo cho chúng về đám cháy và ngỏ ý muốn đưa chúng tới một nơi an toàn.
Sau đêm đó, có thể chúng không còn sống sót. Hoặc ngược lại, nếu như trong suốt mấy thập kỉ đó, các em lưu lạc ở một nơi nào đó trên đất nước Mỹ, nếu như chàng trai trong bức ảnh bí ẩn kia đích xác là Louis, có thể chúng không thể liên lạc với gia đình chỉ bởi vì "kẻ bắt cóc bí ẩn" kia muốn giữ an toàn cho danh tính của mình.
Đến bây giờ, đứa con ít tuổi nhất còn sống sót nhà Sodders - Sylvia - đã 69 tuổi. Người phụ nữ này chưa bao giờ tin rằng năm người anh chị em của mình đã thiệt mạng trong đám cháy năm xưa. Khi có thời gian rảnh, bà vẫn thường ghé thăm các trang web điều tra tội phạm và tham gia thảo luận cùng với những thành viên còn quan tâm đến bí ẩn xung quanh gia đình bà.
Đêm xảy ra vụ việc, Sylvia chỉ mới 2 tuổi nhưng những kí ức của bà vẫn rõ mồn một tưởng chừng như vụ cháy chỉ mới xảy ra ngày hôm qua. Bà không khi nào quên được hình ảnh người cha quá cố George, với cánh tay chảy máu ròng ròng, lạc giữa không gian của khói, lửa cùng những tiếng la hét thất thanh trong vô vọng
Q.Khải - P.Hạnh