Giải mã Djibouti: Quốc gia nhỏ bé tập trung hàng loạt “thế lực quân sự toàn cầu”

Giải mã Djibouti: Quốc gia nhỏ bé tập trung hàng loạt “thế lực quân sự toàn cầu”

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 7, 19/08/2017 14:00

Là một quốc gia nhỏ bé ở châu Phi, Djibouti không được nhiều người biết tới cho đến khi Trung Quốc thông báo lập căn cứ quân sự đầu tiên tại đây.

Trung Quốc đang trong quá trình thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên ở Cộng hòa Djibouti - quốc gia ở Đông Bắc châu Phi. Căn cứ tại đây sẽ có sức chứa vài ngàn quân, sáu bến tàu và cung cấp hậu cần đầy đủ cho Trung Quốc. Sự phát triển này đặc biệt gây lo ngại đối với Ấn Độ, Mỹ và có thể sẽ thúc đẩy cuộc chạy đua hải quân trong khu vực.

Vị trí đắc địa

Trong việc xây dựng căn cứ ở Djibouti, Trung Quốc sẽ phải chào hỏi những người chủ nhà có mặt từ trước đó bao gồm Pháp, Ý, Nhật Bản và Mỹ, những quốc gia có căn cứ quân sự lâu năm ở đây. Djibouti là một cơ sở lớn hỗ trợ tàu chiến và máy bay tham gia sứ mệnh chống cướp biển khu vực của Liên minh châu Âu (EU), với tên gọi chiến dịch Atalanta.

Hồ sơ - Giải mã Djibouti: Quốc gia nhỏ bé tập trung hàng loạt “thế lực quân sự toàn cầu”

Cộng hòa Djibouti là cái tên không nhiều người biết đến.

Ngoài ra, lực lượng hải quân từ nhiều nước khác, bao gồm cả Iran, Malaysia, Nga và Ấn Độ, cũng tận dụng các cảng ở Djibouti phục vụ cho hoạt động của mình. Việc các quốc gia đổ xô đến Djibouti đã phản ánh vị trí quan trọng của khu vực này. Mặc dù nhỏ bé, nhưng Djibouti lại nằm ở vị trí chiến lược, nơi có các tuyến đường vận chuyển quan trọng và là “điểm nóng” cướp biển trong khu vực.

Những đặc điểm này giúp giải thích lý do vì sao Trung Quốc lựa chọn Djibouti cho vai trò căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên. Cường quốc châu Á tuyên bố, cơ sở này sẽ hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế và xã hội của Djibouti, đồng thời đóng góp vào xây dựng hòa bình, ổn định cả ở châu Phi và trên toàn thế giới.

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã tham gia tích cực vào nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, bao gồm cả hoạt động viện trợ nhân đạo ở châu Phi, Tây Á; tham gia tuần tra chống cướp biển ở vịnh Aden trong năm 2008; sơ tán công dân nước ngoài ra khỏi Libya và Yemen. Trong năm 2015, Trung Quốc tham gia tập trận hải quân chung lần đầu tiên với Nga ở Địa Trung Hải. Những hoạt động tương tự trong tương lai sẽ được tạo điều kiện bởi các cơ sở ở Djibouti.

Djibouti giành được độc lập từ Pháp vào năm 1977, tuy nhiên quốc gia châu Phi này vẫn chịu nhiều ảnh hưởng bởi người Pháp cho đến bây giờ. Pháp hiện có gần 2.000 quân đồn trú, tham gia hỗ trợ chống khủng bố và chống hoạt động nổi dậy ở nhiều nơi trên lục địa châu Phi. Từ căn cứ Djibouti, Pháp hợp tác hậu cần và tình báo sâu rộng với Mỹ, cũng như với các lực lượng đa phương khác hoạt động tại Djibouti.

Mỹ hiện có 4.000 nhân sự bao gồm binh lính, chuyên gia cùng lực lượng hoạt động đặc biệt tập trung tại trại Lemonnier ở Djibouti. Đây là cơ sở giám sát hoạt động bay không người lái của Mỹ, cũng như trung tâm dịch vụ hậu cần cho sứ mệnh chống cướp biển, hỗ trợ nhiều nhiệm vụ đa phương khác trong khu vực.

Không chỉ được các “ông lớn” để mắt, Djibouti ngày càng hấp dẫn hơn đối với các quốc gia láng giềng, những thế lực muốn thiết lập sự hiện diện chiến lược trong khu vực. Cộng hòa Djibouti được hưởng lợi về mặt kinh tế, chính trị khi trở thành một nút giao thông trọng điểm kể từ sau quá trình chuyển đổi kinh tế ở Ethiopia. Bên cạnh đó là sự thay đổi trong chiến lược của Mỹ ở châu Phi cũng như bán đảo Ả Rập sau vụ khủng bố 11/9. Đồng thời, sự bùng nổ của nạn hải tặc dọc theo vịnh Aden và bờ biển Somalia càng làm cho vị trí của Djibouti  càng trở nên quan trọng. Đây là cảng nước sâu duy nhất trong khu vực có thể mở cửa chào đón các tàu container quy mô lớn.

Nguy cơ thành sân khấu với những âm mưu

Hồ sơ - Giải mã Djibouti: Quốc gia nhỏ bé tập trung hàng loạt “thế lực quân sự toàn cầu” (Hình 2).

Không có nơi nào trên thế giới mà các lực lượng quân sự của Mỹ và Trung Quốc lại đặt gần nhau ở Djibouti.

Sự bùng nổ nạn cướp biển ngoài khơi Somalia năm 2008-2009 đã trở thành một cái cớ hợp lý cho các nước đặt dấu chân chiến lược trong khu vực cực kỳ quan trọng và ổn định này, thông qua việc tăng cường triển khai hải quân và thiết lập căn cứ quân sự. Tuy nhiên, điều đáng nói, bất chấp việc cướp biển không còn hoành hành từ lâu, các lực lượng hải quân tới đây vẫn không trở về nhà.

 Không nằm ngoại lệ, Trung Quốc vẫn mang đến một lý do tương tự để biện minh cho việc mở cửa cơ sở quân sự mới.

“Thực chất họ chỉ muốn đạt được mục đích địa chính trị tại đây”, Sam Bateman, cố vấn Chương trình An ninh hàng hải tại trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam (RSIS), đại học Công nghệ Nanyang, Singapore nêu quan điểm. “Trung Quốc tự thấy bản thân mình đang bị bao vây bởi các lực lượng thù địch - Ấn Độ ở phía Nam cùng với Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á về phía Đông, trong khi Mỹ đang thể hiện tầm vóc quá lớn ở châu Á-Thái Bình Dương”, chuyên gia này diễn giải.

Sẽ không ngạc nhiên khi Mỹ sẽ hết sức cảnh giác với người hàng xóm mới của mình ở Djibouti. Không có nơi nào trên thế giới mà các lực lượng quân sự của Mỹ và Trung Quốc lại đặt gần nhau đến như vậy. Lầu Năm Góc sẽ thấy cơ sở của Trung Quốc giống như một mối đe dọa an ninh đến các hoạt động giám sát và thu thập thông tin tình báo rất nhạy cảm, vốn được khởi động từ trại Lemonnier. Sự hiện diện của Trung Quốc ở Djibouti cũng dẫn đến viễn cảnh Mỹ và Ấn Độ xích lại gần nhau hơn, tăng cường nỗ lực chống lại sự hiện diện trong khu vực của Trung Quốc.

Các hoạt động quân sự đa quốc gia tập trung trong phạm vi địa lý tương đối hạn chế như Djibouti được cho là có thể cung cấp môi trường hợp tác mới mẻ về hàng hải và quân sự. Tuy nhiên, có nhiều khả năng Djibouti sẽ trở thành một sân khấu với những âm mưu, hoạt động gián điệp và phản gián điệp với việc các nước theo dõi chặt chẽ hoạt động của nhau.      

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.