Bi hài chuyện chồng nghén thay vợ
Trong một lần về Thái Nguyên công tác, tôi được nghe rất nhiều câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn với những tình huống hài hước tưởng chừng không có thực: Chồng nghén thay vợ. Như để khẳng định lời mình là đúng, người dân địa phương kể cho tôi nghe mấy trường hợp chồng nghén thay vợ ở (Quy Kỳ, Định Hóa, Thái Nguyên).
Bằng giọng đều đều, chị Tư, người ở xã Quy Kỳ kể về trường hợp nghén thay vợ của em trai mình. Cách đây 2 năm, khi về nhà mẹ đẻ chơi, chị thấy cậu em trai của mình xanh xao, có vẻ mệt mỏi. Đến bữa ăn, thay vì ăn món cá rán khoái khẩu mà từ nhỏ tới lớn đều thích ăn, em trai chị đẩy đĩa cá ra xa mình. Vừa đẩy ra xa, anh ta vừa nói: "Mùi kinh quá, ngửi thấy đã buồn nôn rồi. Ai ăn được chứ". Chưa dứt lời, em chị chạy một mạch ra góc sân... nôn ọe. Nói đến đây chị Tư cười bảo: "Lúc ấy tôi không biết gì, chỉ nghĩ là em trai mình thay đổi tính cách, bụng dạ khó chịu gì đấy thôi. Chỉ đến khi kết thúc bữa ăn, mẹ tôi mới nói cho tôi biết là vợ nó đang mang thai được gần 3 tháng, nó đang nghén thay vợ".
Không chỉ chị Tư, một chị tên Huệ cũng kể cho tôi nghe về trường hợp nghén thay vợ của chồng khi chị mang thai đứa thứ hai. Ngày ấy, khi đứa con lớn được 2 tuổi, chị mới biết mình mang thai đứa thứ hai. Khi phát hiện ra, cái thai đã được hơn 4 tháng. Sở dĩ chị không phát hiện mình mang thai bởi chị không có hiện tượng nghén. Trong khi đó, lúc chị mang thai đứa lớn, chị bị nghén vô cùng khổ sở: Ăn uống không ngon miệng, rất sợ mùi cơm... Chị còn phát hiện ra trong mấy tháng đầu khi chị mang thai đứa thứ 2, chồng chị có rất nhiều biểu hiện giống người ốm nghén: Sợ mùi cơm, ngủ ly bì, lúc nào cũng kêu chán ăn, mệt mỏi...
Theo tìm hiểu của PV, không chỉ ở Thái Nguyên mà hầu như ở đâu cũng có hiện tượng chồng nghén khi vợ mang thai. Chị Lê Thị Dung (Kim Động, Hưng Yên) chia sẻ: "Không riêng chồng tôi mà ở làng tôi, có mấy trường hợp nghén thay vợ. Đây là chuyện hết sức bình thường, vì cho họ ốm nghén thử một lần để họ hiểu cảm giác mang thai khổ như thế nào". Rồi chị kể cho chúng tôi nghe câu chuyện "cười ra nước mắt" của chồng chị. Lấy nhau được hơn một năm, chưa bao giờ chị thấy chồng mình ăn chuối tiêu non bao giờ. Vậy mà ngày chị bắt đầu bước vào thời kỳ thai nghén, chồng chị thường lén ra vườn vặt chuối tiêu non để ăn và ăn một cách ngon lành.
Chồng nghén thay vợ (Ảnh minh họa).
Thấy chồng ngày nào cũng ra vườn, chị tò mò đi theo mới hay gần chục buồng chuối tiêu non, xanh trong vườn bị anh ăn sạch. Ngoài nghén ăn chuối tiêu non, xanh, chồng còn sợ mùi nước canh. Một lần đi ăn cỗ giỗ họ, khi chủ nhà vừa bưng nước canh lên, anh đã đưa tay bịt miệng, quay ra sau nôn khan, sau đó ôm miệng chạy ra nhà vệ sinh khiến ai cũng ôm bụng cười. Suốt hai tháng liền, anh không dám ra đường vì sợ mọi người trêu vì ốm nghén thay vợ.
1.001 nguyên nhân chồng nghén thay vợ
Kể xong câu chuyện nghén thay vợ, chị Tư bảo: "Ở làng tôi, chuyện nghén thay vợ không phải là "tự nhiên" mà có mẹo hết. Mẹo này chỉ cánh phụ nữ biết với nhau thôi. Đó là khi biết mình mang thai, không được khoe ngay với chồng là mình đang mang thai, mà phải giấu kín, sau đó âm thầm tìm mọi cách để bước qua đầu chồng là được. Đây là cách mà các cụ truyền lại". Tôi hỏi "chị đã làm theo cách này bao giờ chưa", chị mỉm cười: "Tôi có được mẹ mách cho biết đâu mà làm. Giờ có hai đứa con rồi, đẻ thêm nữa thì chết đói mất. Với lại, nhìn em trai tôi vật vã vì nghén thay vợ, thấy cũng tội. Ở đây, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào đi rừng, đi làm thuê, chồng mà ốm thì lấy tiền đâu mua rau, mua thịt".
Cũng theo chị Tư, để được chồng ốm nghén thay, phải là vô tình bước qua đầu chồng khi mang thai mà chồng không biết thì mới hiệu nghiệm. Những ai chủ định và tìm mọi cách để chồng nghén thay mình cũng không được.
Là phụ nữ ai cũng có thiên chức làm mẹ, làm vợ. Khi được mang nặng đẻ đau hơn 9 tháng, được nếm trải cảm giác thai nghén, là một điều hạnh phúc. Thế nên, khi chồng thai nghén thay mình, chị Dung thấy thương anh vô cùng. Chị tâm sự: "Nhìn cảnh chồng nhăn mặt, nôn ọe mỗi khi ngửi phải mùi nước canh, tôi thấy thương vô cùng. Bụng chồng tôi vốn yếu, lại phải ăn chuối xanh như thế, nhìn tội lắm. Cũng may anh ấy chỉ nghén chuối tiêu xanh chứ nghén đất như trường hợp ông Định ở xóm ngoài thì tội lắm. Ông Định ấy nghén thay vợ, suốt ngày ra vườn đào đất ăn. Ăn đất vào thì hết buồn bực, khó chịu nhưng chỉ vài phút sau ông ấy ôm bụng nhăn nhó sau đó nôn hết ra".
Cho đến nay ở Việt Nam hiện tượng chồng nghén thay vợ chưa được nghiên cứu một cách sâu sắc, toàn diện. Trong khi đó, ở nước ngoài người ta thực hiện rất nhiều những nghiên cứu dạng này. Ngoài những biểu hiện nghén, một số trường hợp người chồng còn có hiện tượng mang thai, bụng lớn dần theo từng ngày như một người có thai.
Với những hiện tượng này, nhiều chuyên gia vẫn chưa rõ vì sao lại có hiện tượng một số anh chàng lại có những triệu chứng thai nghén giống như vợ. Năm 2008, các nhà nghiên cứu tại trường đại học St George, (London, Anh), đã thực hiện nghiên cứu trên 282 ông bố tương lai. Kết quả cho thấy 23% cảm xúc và thể chất của họ thay đổi phụ thuộc vào người bạn đời của mình. Và khi nghén thay, các ông chồng có rất nhiều biểu hiện khác nhau. 26% trong số họ sẽ thay đổi tâm trạng thất thường, 10% thèm ăn và 6% cảm thấy buồn nôn. Nhưng theo các khảo sát thì triệu chứng thường gặp của những người đàn ông này là thèm ăn, luôn cảm thấy nôn nao vào buổi sáng, thậm chí đôi lúc còn cảm thấy bụng có những cơn đau như đang mang thai vậy (nhưng số trường hợp này chỉ chiếm 3%). Hiện tượng này được gọi là "Hội chứng tục sản ông".
Một bác sỹ sản khoa (xin được giấu tên, bệnh viện Giao thông Vận tải) cho biết: Hiện tượng đàn ông nghén thay vợ với các biểu hiện: Ngủ nhiều, buồn nôn, ăn thức ăn lạ đến nay vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào giải thích chính xác được. Ngày còn đi học, tôi có nghe các thầy của mình nói rằng việc thai nghén của người chồng có yếu tố di truyền, không liên quan đến yếu tố tâm lý hay các mẹo dân gian. Những người có hiện tượng nghén mà vợ không mang thai là do rối loạn về đường tiêu hóa. Ngược lại, trường hợp chồng nghén thay vợ có thể do trong tinh trùng của người chồng có một số enzym kích thích người đàn ông có khả năng thai nghén trong khoảng 3 tháng đầu khi vợ họ mang thai.
Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp đặc biệt, người chồng có thể bị nghén tới hết thời kỳ mang thai của vợ (cho tới lúc sinh con). Cái này có tính chất di truyền bởi khi trứng và tinh trùng kết hợp với nhau tạo thành thai nhi, khi ấy nội tiết nhau thai truyền sang người mẹ, kích thích người mẹ thai nghén. Và khi đó các enzym có trong tinh trùng của người chồng kích thích người chồng nghén thay vợ. Tuy nhiên những trường hợp chồng nghén thay vợ như này ít gặp trong cuộc sống.
Nghén thay vợ vì quá yêu vợ? Giải thích theo hướng tâm lý học, nhiều người còn cho rằng việc đàn ông hiện đại thai nghén thay vợ là vì họ có xu hướng quá quan tâm đến người vợ và đứa con sắp chào đời của mình. Thế nên cơ thể họ mệt mỏi như nghén. Đó có thể là do hai vợ chồng quá hiểu nhau, yêu thương nhau, cùng nhau chia sẻ mọi buồn vui, khó khăn. Những người chồng nghén thay này là những người đàn ông vô cùng yêu vợ. Họ sẵn sàng làm mọi thứ để được san sẻ mệt mỏi với vợ, cho nên mới có hiện tượng nghén thay vợ. Do đó khi được trải qua một lần nghén thay vợ, được đồng cảm, thấu hiểu với những khó khăn, vất vả của vợ mình mỗi lần sinh nở sẽ càng thêm yêu và trân trọng những hy sinh của vợ hơn. Khi con ra đời, họ cũng quan tâm hơn đến việc giúp vợ chăm sóc con cái, gìn giữ hạnh phúc gia đình. |
Hồng Mây