Hiện tượng “cuồng phong” bất thường trên Hồ Tây đã nhấn chìm không ít người. Giải mã những hiện tượng này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Hải - phó giám đốc trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương.
Đã từng xảy ra những trận “cuồng phong”
- Thưa ông, với nhiều năm làm trong ngành khí tượng thuỷ văn, ông đã từng chứng kiến trận “cuồng phong” nào ở Hồ Tây?
- Khi tôi về cơ quan khí tượng thủy văn công tác cách đây 30 năm, tôi cũng đã từng được nghe những người đồng nghiệp của mình đi trước nói về hiện tượng giông mạnh ở Hồ Tây (theo khoa học gọi là giông mạnh chứ không phải cuồng phong-PV).
Thực tế ở Việt Nam đã có những trận giông mạnh, giông nguy hiểm xảy ra ở Hồ Tây. Sự kiện rõ nhất là năm 1955 có một đoàn văn công nước ngoài tham quan tại Hồ Tây đã bị cơn giông mạnh làm lật thuyền và có mấy người tử nạn.
Khi mây đen vần vũ kéo từ phía Tây Hà Nội thì Hồ Tây sẽ xảy ra giông lốc.
- Cơ chế hình thành những cơn giông mạnh do đâu, thưa ông?
- Vào đầu mùa hè và cuối mùa xuân bao giờ cũng xảy ra hiện tượng này. Giông mạnh do không khí bất ổn định kết hợp với nắng nhiều. Nắng hun đốt mặt đệm tạo ra lớp không khí nóng bốc lên cao. Sau đó lại kết hợp với hình thế thời tiết có hội tụ của không khí, gây ra giông, lốc và những trận giông rất mạnh kèm theo những đợt mưa lớn cục bộ đầu mùa có thể có mưa đá, sấm sét, giông lốc.
Kinh nghiệm cho thấy, ở Hồ Tây, những cơn gió mạnh thường kéo từ phía Sơn Tây, Ba Vì, Hoà Bình kéo lên tạo thành giông. Và, những cơn giông này khá mạnh, nguy hiểm. Trước khi giông mạnh xảy ra có rất nhiều yếu tố, nhưng cần đặc biệt lưu ý là gió giật mạnh.
- Được biết, những cơn giông diễn ra trong khoảng thời gian rất ngắn. Liệu, khi có “dự báo” thì các nhà thuyền hay cá nhân hoạt động trên Hồ Tây có kịp thoát nạn, thưa ông?
- Từ những năm 80 đến nay, các nhà thuyền ở Hồ Tây đã liên hệ với chúng tôi để có sự phối hợp cảnh báo về những hiện tượng tự nhiên bất thường. Chúng tôi đã quan sát, có những cơn giông từ phía Tây- khu vực Ba Vì kéo đến, Hoà Bình kéo lên. Theo dự báo của chúng tôi, việc gây những cơn giông mạnh, tố lốc ở Hồ Tây rất hay xảy ra vào dịp mùa hè, đặc biệt vào tháng 5, tháng 6 và tháng 7.
Thông thường, từ lúc quan sát được mây giông và đến khi giông mạnh xảy ra khoảng 30-60 phút. Vì thế, chúng tôi cũng cố gắng thông báo kịp thời để cho những thuyền lớn ở Hồ Tây kịp vào bờ. Ngay như hiện tượng giông, lốc xảy ra ở các địa phương, việc cảnh báo giông tố lốc năm nào cũng được nhắc đến. Những biện pháp và cách phòng tránh cũng được đề cập nhiều, song những cái chết thương tâm vẫn xảy ra.
Ông Lê Thanh Hải- Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương.
Giông mạnh là một dạng thời tiết nguy hiểm
Ông Nguyễn Xuân Anh, Phó viện trưởng viện Vật lý địa cầu khuyến cáo: “Ở Việt Nam, trung bình có đến hàng trăm ngày giông, tức khoảng mấy tháng trong một năm có đợt giông. Mưa giông kèm tố lốc và sấm sét là hiện tượng thiên nhiên thường xuất hiện vào đầu mùa mưa. Vì vậy, ngoài việc theo dõi sát diễn biến của thời tiết, người dân cần trang bị những kiến thức cần thiết về phòng, chống giông nhằm bảo vệ tài sản và tính mạng”. |
Nhiều ý kiến cho rằng, Hồ Tây có “sóng lớn” và nhiều người dân sống ở đây lo ngại “sóng lớn” gây nguy hiểm. Vậy, cơ chế hình thành "sóng lớn" ở Hồ Tây như thế nào, thưa ông?
Hồ Tây là một hồ tương đối rộng (526 ha-PV), nên trong một số trường hợp, nếu có gió mùa Đông Bắc mạnh hoặc gió Đông Nam mạnh thì phía đón gió có sóng rất lớn. Hồ càng lớn thì sóng ở phía gió thổi đến cũng càng lớn.
Hồ Tây có hai loại gió là Đông Bắc và Đông Nam. Khi gió Đông Nam thổi thì phía bên đường Lạc Long Quân đón gió nhiều thì lở nhiều. Khi gió Đông Bắc thổi thì phía bên Cổ Ngư sẽ bị lở nhiều. Cứ gió lớn thì sóng lớn. Điều đó, lý giải tại sao hiện tượng nước lớn tạo sóng đánh tràn cả mặt đường.
Những trận “cuồng phong” trên Hồ Tây thực ra là những cơn giông mạnh của giai đoạn cuối mùa xuân đầu mùa hè ở Hà Nội gây ra. Ở những nơi càng thoáng thì gió càng mạnh kèm theo đó là hiện tượng giông, lốc mạnh. Diện tích mặt hồ cũng có tính chất đặc thù tạo ra độ ẩm không khí cao. Độ ẩm không khí cao gặp những đám mây giông đến sẽ tích tụ thêm và phát triển mạnh. Ngoài ra, mặt hồ lớn cũng tạo ra sóng ở phía đối diện, ngược lại với phía gió thổi đến và tạo sóng lan truyền.
- Cũng có ý kiến cho rằng, nhiều trường hợp tử vong ở Hồ Tây cũng khá bí ẩn và huyền bí. Dường như những trận “cuồng phong” là do “sóng âm” giội về. Ông lý giải như thế nào về nhận định này?
- Giông là hiện tượng xảy ra trong khí quyển còn sóng là do gió tạo thành trên bề mặt nước chứ không có hiện tượng “sóng âm”. Tôi cũng từng nghe thông tin có người trấn yểm bùa ở Hồ Tây dẫn đến những thông tin kỳ bí, liêu trai.
Nhưng theo tôi, hoàn toàn không có hiện tượng bí ẩn ở Hồ Tây và những người thiệt mạng cũng đều có nguyên nhân cụ thể. Tôi khẳng định, giông lốc chỉ là những hiện tượng thiên nhiên bình thường. Tuy nhiên, cơn giông mạnh là một dạng thời tiết nguy hiểm, quy mô của nó rất nhỏ (từ lúc hình thành đến khi kết thúc chỉ 10 phút hoặc vài tiếng). Vì thế, nếu chúng ta không có phản ứng nhanh, rất dễ bị “nhấn chìm”.
Bầu trời vần vũ là... “cuồng phong” kéo về
- Vậy theo ông, người dân (đặc biệt người dân sống ven Hồ Tây) phải làm gì để phản ứng nhanh với “cuồng phong”?
- Theo khảo sát, Hồ Tây vốn là khúc cong của sông Hồng nên nước rất sâu, mặt hồ rộng, đặc biệt rất hay xảy ra giông lốc vào mùa nhất định trong năm. Vì thế, theo tôi, người dân cần có kiến thức về khí hậu của khu vực Hà Nội để biết phòng tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Vì ở Hà Nội trong tháng 5, 6 và tháng 7 rất hay xảy ra giông lốc. Thời gian giông tố, lốc hay xảy ra là vào buổi chiều và buổi tối (16h-21h). Bản thân những ai đi trên du thuyền, chèo thuyền, bơi... đều phải chú ý quan sát. Nếu thấy có cơn giông từ phía Tây Nam, phía Tây ùn ùn kéo đến thì phải khẩn trương vào bờ để tránh những sự cố không mong muốn xảy ra.
- Thưa ông, làm thế nào để nhận biết “cuồng phong” đang kéo về?
- Thông thường, những đám mây trên bầu trời bỗng nhiên vần vũ và đen sẫm lại, gió đang thổi, bỗng nhiên ngừng hẳn, kèm theo đó là nhiệt độ giảm, độ ẩm trong không khí cao, không khí bỗng trở nên mát mẻ, se lạnh... là các dấu hiệu cho thấy có khả năng giông và sấm sét, lốc xoáy sẽ xảy ra. Đối với mưa đá, nếu thấy những đám mây có dạng như bầu vú đen sẫm lại gần như che kín tầm mắt, sau đấy thấy gió nổi lên mạnh tạo ra tiếng ù ù, ầm ầm liên tục thì mọi người cần cảnh giác với mưa đá. Nếu tiếp đó có lắc rắc vài hạt mưa rào, nhiệt độ không khí lạnh đi nhanh chóng, mưa đá sẽ xuất hiện.
- Xin cảm ơn ông
Giông nguy hiểm xảy ra ở những đâu? Như ông vừa nói, giông mạnh là một dạng thời tiết nguy hiểm. Vậy tại Việt Nam, “giông nguy hiểm” có thể xảy ra ở đâu? “Giông nguy hiểm” xuất phát từ một đối lưu phát triển và đi kèm theo các hiện tượng nguy hiểm khác như: Sấm sét, gió giật mạnh, lốc... “Giông nguy hiểm” không phải hiện tượng thời tiết cực đoan mà là hiện tượng lặp lại có chu kỳ. Vào những thời kỳ của đầu mùa mưa và mùa xuân, khi mặt trời thiêu đốt bề mặt trái đất, rồi buổi chiều các dòng đối lưu thường phát triển, cộng với những hiện tượng thuận lợi làm cho đối lưu phát triển như: Gió mùa đông bắc tràn về, các dòng không khí chảy xiết trong đới gió trên cao phát triển mạnh, nên gây ra hiện tượng “giông nguy hiểm”. “Giông nguy hiểm” có thể xảy ra bất cứ đâu trên toàn lãnh thổ Việt Nam nhưng có một số khu vực nó xảy ra kèm theo mưa đá và tố lốc là tại vùng núi phía Bắc, đặc biệt là phía Tây Bắc bộ, Tây Nguyên và Nam bộ trong thời kỳ đầu mùa. |
Trinh Phúc- Hương Lan (thực hiện)