Trong nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí PLOS ONE, các nhà khoa học cuối cùng đã lý giải được hành vi sinh sản kỳ lạ của cánh cụt mào dựng (Eudyptes sclateri), loài chim đang có nguy cơ tuyệt chủng, qua đó mở ra hướng đi mới trong việc bảo tồn loài động vật này.
Cánh cụt mào dựng là một trong số những giống loài ít được nghiên cứu nhất trên thế giới. Chúng sống tập trung chủ yếu ở vùng cận Bắc Cực và số lượng loài này đã giảm mạnh trong 50 năm qua do tác động của biến đổi khí hậu, những trận bão và lở đất.
Chim cánh cụt mào dựng có thói quen đẻ 2 quả trứng mỗi mùa sinh sản. Chúng thường đẻ quả trứng thứ 2 khoảng 5 ngày sau khi cho ra đời quả trứng đầu tiên. Điều khiến các nhà khoa học chú ý là quả trứng đầu tiên luôn “biến mất” trước hoặc ngay sau khi quả trứng thứ 2 xuất hiện.
Sau khi tìm hiểu kỹ hơn, các nhà khoa học nhận thấy sự khác biệt về kích thước giữa 2 quả trứng là vô cùng bất thường: Quả đầu tiên luôn nhỏ hơn quả thứ hai. Và chim mẹ luôn giữ lại quả trứng thứ 2 mà chúng đẻ ra, mặc dù quá trình này có thể kéo dài nhiều ngày kể từ quả trứng đầu tiên. Điều đáng kinh ngạc là chúng không hề "vô tình" bỏ rơi quả trứng xấu số, mà thực sự làm điều này có chủ đích.
Trong một khảo sát được thực hiện với 28 tổ chim cánh cụt, 65% trong số những quả trứng đầu tiên bị vỡ trong tổ. Các nhà khoa học tin rằng chim cánh cụt mẹ đã đập vỡ chúng. Những trường hợp còn lại ghi nhận quả trứng được lăn đi rất xa khỏi tổ, còn một số thì hoàn toàn biến mất.
Nhiều giả thuyết liên quan tới việc "đẻ 2, bỏ 1" của chim cánh cụt mào dựng đã được giới khoa học đưa ra trong hơn 2 thập kỷ qua.
Nghiên cứu của chuyên gia Lloyd Davis thuộc trường Đại học Otago ở New Zealand và các cộng sự cho rằng đây là biện pháp "chọn lọc tự nhiên". Chim cánh cụt mào dựng luôn loại bỏ quả trứng đầu tiên chúng đẻ ra là do chúng không thể nuôi dưỡng cùng lúc 2 chim non và quả trứng thứ hai, có kích cỡ lớn hơn quả trứng đầu tiên, có khả năng sống sót cao hơn.
Quả trứng đầu tiên thường có kích thước nhỏ, có lẽ do được hình thành khi chim mẹ di trú đến đảo. Trong khi đó, quả trứng thứ hai được hình thành trên đất liền và đạt được kích cỡ lớn hơn do có điều kiện phát triển tốt hơn.
Hành vi tương tự cũng được bắt gặp ở một số loài chim nhỏ hơn. Tuy nhiên sự khác biệt nằm ở chỗ nếu chúng quyết định "đặt cược" vào sự sinh tồn của giống loài, thì quả trứng đầu tiên được đẻ mỗi mùa thường sẽ là quả to hơn, và là quả được chọn để giữ lại.
Các nhà khoa học cho biết thêm, nghiên cứu này vẫn là dữ liệu chi tiết nhất hiện có về loài chim cánh cụt mào dựng.
Họ nhận thấy thói quen sinh sản kỳ lạ nói trên của chim cánh cụt mào dựng diễn ra cùng với những dao động đáng ngạc nhiên về nồng độ hormone của chúng, đồng thời kêu gọi giới khoa học lưu tâm nghiên cứu nhiều hơn và tăng cường nỗ lực bảo tồn loài này khi số lượng của chúng đang bị đe dọa nghiêm trọng do thu hẹp môi trường sống và biến đổi khí hậu.
Minh Hoa (t/h theo Dân Trí, Vietnam+)