Mới đây, tại Trung tâm văn hóa Pháp (Hà Nội) đã diễn ra buổi tọa đàm “Quá khứ sống động – Của những người trẻ yêu sử Việt” nhân dịp ra mắt ấn bản đầu tiên cuốn sách Lĩnh Nam chích quái với sự tham dự của các diễn giả: Họa sĩ Tạ Huy Long, nhà văn Lưu Sơn Minh và nhà nghiên cứu - tiến sĩ Hán Nôm Nguyễn Tô Lan.
Lĩnh Nam chích quái là những truyện tích thần kỳ được góp nhặt và ghi chép lại, thể hiện quan niệm của ông cha về lịch sử dân tộc, phong tục tập quán, cách đối nhân xử thế... Ba mươi sáu truyện trong Lĩnh Nam chích quái gồm những truyện thần tích, thần phả từ thời Hồng Bàng cho đến đời Trần. Đó là truyện về Âu Cơ - Lạc Long Quân, truyện Cây Cau, truyện Núi Tản Viên... Cuốn sách này vừa được ra mắt vào tháng 6/2017 và được nhận xét là một trong những cuốn sách ấn tượng nhất năm 2017.
Xoay quanh buổi tọa đàm, các diễn giả đã chia sẻ về quan niệm tiếp cận những câu chuyện lịch sử, bên cạnh đó cách mà họ làm việc, sáng tạo để đưa đến cho độc giả những vẻ đẹp sống động của quá khứ.
Theo đó, quá khứ không hề cứng nhắc như những dòng ghi chép cô đọng của người chép sử mà ngược lại, nó được thể hiện đầy sống động thông qua những số phận, câu chuyện kể, những sắc màu của những nhà văn, họa sĩ, nhà nghiên cứu ngôn ngữ để khán giả được tiếp cận, say mê với vẻ đẹp vàng son.
Chia sẻ riêng với PV báo Người Đưa Tin về điểm mới trong Lĩnh Nam chích quái họa sĩ Tạ Huy Long – người được biết đến với việc đã gắn bó với đề tài lịch sử liên tục suốt 20 năm nay cho biết: “Điểm mới của Lĩnh Nam chích quái đó là khi vẽ cuốn sách này đối tượng mà tôi muốn hướng đến là những người trẻ, nên tôi đã lựa chọn cách thể hiện đồ họa có tính ứng dụng tốt hơn. Thực ra, ban đầu vẽ tranh tôi không nghĩ tranh tôi vẽ ra là mới mà chỉ nghĩ là làm mới mình mà thôi. Nếu trước đây tranh tôi vẽ đặc tả kỹ thì nay tôi vẽ ước lệ, lược giản”.
Trong quá trình vẽ minh họa 200 bức tranh cho Lĩnh Nam chích quái, họa sĩ Tạ Huy Long cũng không nhớ nổi mình đã dành bao nhiêu thời gian cho mỗi bức tranh, chỉ biết rằng tổng thời gian cả vẽ màu anh hết khoảng 6-7 tháng làm việc.
“Vẽ 200 bức tranh minh họa cho sách với nhiều người chắc chắn sẽ coi đây là áp lực, nhưng với tôi thì không. Tôi coi vẽ như một niềm vui nên không thấy khổ sở, hoặc có khi hai ba ngày chưa có ý tưởng vẽ thì tôi cũng không cảm thấy nản”, họa sĩ Tạ Huy Long chia sẻ thêm.
Cũng tiết lộ thêm với PV báo Người Đưa Tin, nhà văn Lưu Sơn Minh (một nhà văn tâm huyết với đề tài tiểu thuyết lịch sử) đã giải mã, phân tích về lý do mà Lĩnh Nam chích quái thu hút nhiều độc giả nhỏ tuổi: “Nếu như trước đây có ai bảo các bạn trẻ đọc Lĩnh Nam chích quái thì có gì đó không đúng. Bởi tôi luôn cho rằng dòng văn học trung đại này chỉ có những người nghiên cứu hay những độc giả ở tầm trưởng thành mới quan tâm, thích thú. Vì bản thân những câu chuyện kể trong sách cũng đã rất khó để hình dung".
Cũng theo nhà văn Lưu Minh Sơn, để thuyết phục được những độc giả nhỏ tuổi không chơi game, không xem phim, không đi chơi để đọc Lĩnh Nam chích quái thì chứng tỏ quyển sách này phải có một sức hút nào đó, thắng được những cám dỗ nêu trên.
"Theo tôi, có lẽ điều cuốn hút độc giả nhỏ tuổi chính là ở cái tài của người họa sĩ đã “ám thị” được các độc giả bằng một thế giới huyền ảo qua nét vẽ của họa sĩ”, nhà văn Lưu Minh Sơn cho hay.
Tham gia buổi tọa đàm, em Nguyễn Thành Trung (học sinh lớp 7 tại Hà Nội) cũng tỏ rõ sự thích thú: “Em được mẹ mua cho quyển sách Lĩnh Nam chích quái, trước đây em chỉ đọc qua những tác phẩm văn học và rất khó hình dung, thế nhưng lần này sách có tranh in màu và mỗi câu chuyện đều có hình minh họa sống động giúp em dễ hình dung hơn. Đây cũng là lý do em thích cuốn sách này”.
Trước thắc mắc của PV làm sao để phân biệt được sách thật, sách giả và tầm quan trọng của việc sử dụng ngôn ngữ nhất là trong các tác phẩm truyện tranh lịch sử? Tiến sĩ Nguyễn Tô Lan (thuộc thế hệ nghiên cứu Hán Nôm trẻ ở Việt Nam) cho rằng: “Đây là việc mà tất cả mọi người, đặc biệt các em học sinh đều đang phải đối mặt. Làm sao biết nên dùng cái gì, dùng bản cái gì mới là chính xác thì bạn nên chọn những cuốn sách của nhà xuất bản có uy tín, xem cách nhà xuất bản làm việc thế nào có chuyên nghiệp hay không thì bạn có thể lựa chọn sách, điều này sẽ tránh được những phiên bản sao chép lỗi câu mà một số phụ huynh từng phàn nàn trên mạng xã hội thời gian qua khi mua truyện cho con đọc”.
Có thể thấy, những bức tranh minh họa của họa sĩ Tạ Huy Long đã thổi hồn vào tác phẩm văn học trung đại Việt Nam – Lĩnh Nam chích quái, trở nên sống động, tươi mới. Đó là cách để người trẻ có cái nhìn mới mẻ về truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc.