iPhone đóng vai trò quan trọng trong mọi chiến lược kinh doanh của Apple, khi chiếm tới 63% lợi nhuận trong quý đầu năm và tới 67% trong sáu tháng gần nhất của hãng công nghệ Mỹ.
Nếu xét về doanh số bán ra, iPhone 7 và iPhone 7 Plus là những mẫu smartphone được ưa chuộng nhất thế giới tại thời điểm hiện tại, nhưng là chưa đủ để giúp Apple thống trị thị trường Trung Quốc.
Trong 3 tháng đầu năm, doanh số của iPhone đều tăng tại bốn khu vực lớn là Bắc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và phần còn lại của châu Á Thái Bình Dương. Tuy nhiên, số liệu tại thị trường Trung Quốc lại cho thấy chiều hướng đi xuống đáng kể, khi doanh thu giảm 13% từ 12,5 tỷ USD xuống chỉ còn 10,7 tỷ USD.
Tờ Business Insider đã chỉ ra những lý do giải thích cho kết quả thất vọng ở đất nước mà CEO Tim Cook kỳ vọng sẽ là thị trường lớn nhất của Apple trong tương lai.
Thứ nhất, Apple đã và đang phải đối mặt với sức ép khủng khiếp từ những đối thủ “bản địa” như Xiaomi, OPPO, Vivo, hay Huawei...
Những công ty này sở hữu lợi thế lớn là nắm rõ đặc điểm tâm lý của người dân Trung Quốc, bên cạnh việc liên tục tung ra những thiết bị có tính năng tương đương với IPhone nhưng lại rẻ hơn rất nhiều.
Thứ hai, thế giới công nghệ đang thay đổi từng ngày, tuy nhiên Apple đang lặp lại cùng một thiết kế cho iPhone trong suốt ba năm qua. Trong khi đó, những nhà sản xuất smartphone Trung Quốc đang từng ngày cải tiến, sáng tạo, làm mới vẻ ngoài sản phẩm của mình.
Những chiếc smartphone màn hình cong, màn hình lớn cùng với rất nhiều mẫu mã được tung ra thị trường nhằm phục vụ các đối tượng khách hàng có nhu cầu khác nhau, cạnh tranh với những mẫu iPhone có phần nhàm chán theo thời gian.
Thứ ba, ngoài lợi thế về mặt thẩm mỹ với bề ngoài “ba năm tuổi” của iPhone, những công ty Trung Quốc còn có ưu điểm khác: Giá thành rất rẻ.
Những tập đoàn lớn như Apple, Samsung mỗi năm phải chi ra hàng chục tỷ USD dành cho khâu nghiên cứu và phát triển sản phẩm (Research and Development – R&D). Trên thực tế, điều khiến giá thành một chiếc iPhone có giá rất cao không tới từ những linh kiện đắt đỏ mà chính từ chi phí R&D.
Tuy nhiên, tại Trung Quốc, không nhiều nhà sản xuất điện thoại nghiêm túc làm điều này. Thay vào đó, họ chờ đợi và sao chép, thậm chí là "đạo nhái" hoàn toàn từ thiết kế bên ngoài đến giao diện bên trong. Điều này cho phép họ vừa cho sản phẩm “ra lò” với giá thành phải chăng, vừa có những tính năng không thua kém nhiều so với iPhone.
Đây là lợi thế rất lớn của các hãng Trung Quốc, bởi Apple không mấy mặn mà với smartphone giá rẻ và tầm trung, trong khi đó thu nhập bình quân đầu người ở Trung Quốc lại không cao như ở Mỹ hay châu Âu.
Đấy là chưa kể sản phẩm nhập khẩu sẽ phải chịu nhiều loại thuế phí nữa. Bởi vậy, phần lớn người dân nước này sẽ chọn mua smartphone được cung cấp bởi một công ty trong nước, thay vì các sản phẩm mang thương hiệu trái táo khuyết.
Võ Quyền