Có thể nói, mạng xã hội facebook ngày càng phát triển, con người ngày càng được giao lưu, tiếp cận nhiều hơn với các nguồn thông tin. Dễ dàng nhận thấy, rất nhiều fanpage “mọc lên như nấm”. Thế nhưng, những thông tin từ các trang fanpage này không phải lúc nào cũng chính xác, thậm chí xuất hiện những thông tin giả mạo trên facebook như kêu gọi tẩy chay thịt lợn nhân vụ dịch tả lợn Châu Phi, hay sự việc lớp trưởng bị vạ lây trong vụ cô giáo vào nhà nghỉ… Điều này, cho thấy người dùng đang bị mạng xã hội “dắt mũi” không kiểm chứng thông tin đã vội chia sẻ.
Mặc dù đã có cơ chế xử phạt, thế nhưng, những thông tin này vẫn xuất hiện. Vậy nguyên nhân của việc chia sẻ tràn lan thông tin không đúng sự thật này do đâu? Biện pháp nào để có thể ngăn chặn trong thời kỳ 4.0 này? PV báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn nhanh chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long (Người sáng lập truyền thông Trăng Đen – nổi tiếng trên mạng xã hội).
Là một người làm truyền thông, cá nhân anh cảm nhận thế nào về những thông tin đăng tải trên mạng xã hội?
Vàng thau lẫn lộn. Do sự chắt lọc của mỗi người, cá nhân tôi cũng khá vất vả khi lọc thông tin. Phải cảnh giác cao độ để mình không bị ảnh hưởng bởi những thông tin đúng, nhưng có góc nhìn và cảm xúc tiêu cực.
Mạng xã hội hiện nay quá phổ biến, vậy những người làm công tác truyền thông như anh gặp phải những khó khăn, thách thức nào?
Về phương diện nghề nghiệp, khi mạng xã hội phát triển, người dùng bị bội thực thông tin. Thế nên, nghĩ cách để thu hút sự chú ý của họ, giữ chân họ, và dần thuyết phục họ ngả theo ý mình quả là quá trình gian khổ. Nhiều khi, bản thân tôi có cảm giác những người làm truyền thông xã hội bị rơi vào trường hợp “quân ta chiến đấu với lại quân mình”.
Tức là thương hiệu A đưa ra một thông điệp nào đó, bên cạnh mục tiêu phải thu hút sự chú ý của người xem, lại còn phải giành giật sự chú ý của họ khỏi sự chú ý của thương hiệu B. Rất là cực khổ và vất vả, tốn thời gian công sức, chất xám và tiền của hơn rất nhiều.
Tiếp nữa, khía cạnh về khủng hoảng truyền thông. Nó có thể diễn ra bất cứ lúc nào, ở bất cứ trang fanpage, group hoặc nickname cá nhân nào và lan rất nhanh theo diện rộng. Nhiều lý thuyết xử lý khủng hoảng dần trở nên lỗi thời khi phải đối diện với đám đông, mà thường là phi lý trí.
Mặc dù, những thông tin sai lệch trên mạng khi các cơ quan chức năng vào cuộc xử phạt rồi nhưng rõ ràng, thông tin hay cả những trang mạng vẫn liên tiếp mọc ra, nguyên nhân chủ yếu do đâu?
Tôi nghĩ phần lớn vì lợi nhuận. Vì chúng ta đang sống trong thời đại 4.0, thời của kinh tế chia sẻ, thời của cách mạng nền tảng (platform).
Có nghiên cứu đã chỉ ra rằng ở bất cứ ngành nghề nào, các doanh nghiệp nền tảng hoặc dịch chuyển sang mô hình nền tảng luôn chiến thắng tuyệt đối, giành thị phần tối đa. Thế nên đó là xu hướng không thể thay đổi được.
Việc những trang fanpage xuất hiện nhan nhan ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý của người dùng, nhất là những thông tin không chính xác hoặc trẻ em tiếp cận thông tin?
Tôi cho rằng số lượng người nâng cao ý thức "cảnh giác" như tôi không nhiều. Cùng lắm mọi người chỉ dừng lại ở việc phân biệt tin thật và tin giả. Nhưng bước tiếp theo, phải phân biệt được cảm xúc tích cực và tiêu cực trong cả những tin mà được coi là tin thật, để nó đừng ảnh hưởng đến thói quen, tính cách, và nhân cách của mình.
Các bạn đều biết có 3 yếu tố ảnh hưởng đến tính cách của mỗi người chúng ta đó là tự nhiên (gen), giáo dục và môi trường sống. Ngoại trừ yếu tố đầu tiên (gen), thì hai yếu tố còn lại đều bị tác động rất lớn bởi mạng xã hội, nên đương nhiên tâm sinh lý của chúng ta bị chi phối bởi mạng xã hội rất nhiều. Còn chi phối ra sao, ảnh hưởng thế nào thì lại phụ thuộc vào từng người để kết luận là tốt, xấu.
Vậy, theo anh, cơ chế nào để có thể kiểm soát, quản lý được những trang fanpage này?
Đơn vị phải chịu trách nhiệm đầu tiên là Facebook. Thực ra họ có cơ chế, có luật lệ riêng của họ nhưng số lượng thông tin trên nền tảng quá lớn thì họ không thể kiểm soát hết được nên phụ thuộc nhiều vào công nghệ tự động và báo cáo của người dùng.
Về công nghệ (thí dụ như trí tuệ nhân tạo) thì vẫn còn một khoảng cách rất xa với thực tế. Chẳng hạn như Facebook cấm những từ nhạy cảm, thì cư dân mạng chế ra cách viết kiểu mật mã, như chữ "hiế.p dâ.m" thay cho "hiếp dâm", "chế tạo súg" thay cho "chế tạo súng". Những hình thức lách luật này, công nghệ còn lâu mới chạy theo cho kịp. Chưa kể, người dùng mạng ở Việt Nam rất giỏi những mánh này.
Về báo cáo của người dùng thì đối mặt với ba vấn đề. Đầu tiên là ý thức của người dùng chưa cao. Họ chưa biết rằng mình có thể báo cáo những nội dung sai phạm. Thứ hai, họ cũng chưa mặn mà lắm với việc này vì Facebook phản ứng khá chậm chạp. Thứ ba, là chính tính năng báo cáo này cũng đang bị lạm dụng khiến Facebook phải đau đầu.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước thì ở Việt Nam có luật an minh mạng. Tuy nhiên, việc áp luật này vào quản lý nội dung độc hại trên các fanpage như thế nào thì tôi cũng chưa rõ. Về phương diện cá nhân, tôi cho rằng phải kết hợp cả 3 yếu tố, đó là sự tự giác tăng cường kiểm soát từ chính Facebook, sự hoàn chỉnh của khung pháp luật và thực thi rốt ráo từ các cơ quan quản lý và cuối cùng là ý thức của chính người dùng.
Xin cảm ơn anh!
Liên quan đến những thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, Ths. Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: “Theo quy định của pháp luật Việt Nam, cũng như pháp luật của nhiều nước trên thế giới, mọi hành vi của con người trong xã hội cũng như trên không gian mạng đều bị kiểm soát theo quy định pháp luật. Về nguyên tắc, mọi công dân đều có quyền tự do về thông tin, tự do tiếp nhận thông tin theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, tự do thông tin của cá nhân, của pháp nhân sẽ bị giới hạn bởi tự do của các chủ thể khác, nghĩa là việc đưa tin, truyền tin, thông tin của chủ thể này không được nhằm gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Nếu người nào cố tình đưa tin sai sự thật, xúc phạm, vu khống làm nhục người khác gây thiệt hại tới danh dự, nhân phẩm uy tín của người khác thì tùy vào tính chất mức độ của hành vi và tùy thuộc vào hậu quả mà hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường toàn bộ những thiệt hại đã gây ra với nạn nhân.
Hiện nay, Luật an ninh mạng Việt Nam đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 quy định cụ thể quy định các nhóm hành vi vi phạm trên không gian mạng, bị nghiêm cấm, trong đó Điều 8 của Luật An ninh mạng "nghiêm cấm việc sử dụng không gian mạng để tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam; Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc".
Các hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân cũng bị nghiêm cấm.
Điều 8 cũng có quy định nghiêm cấm các hành vi: Sử dụng không gian mạng để hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng; Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội...
Tùy theo tính chất, mức độ của các hành vi vi phạm luật an ninh mạng mà người có các hành vi vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại.
Các chế tài hành chính được áp dụng với những hành vi chưa tới mức nguy hiểm cho xã hội được quy định tại Nghị định số 174/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, việc thông, tần số vô tuyến điện..
Theo điểm g, khoản 3 điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP xử phạt trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông quy định, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi cung cấp, trao đổi, đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, gây rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín tổ chức, danh dự, nhân phẩm uy tín của người khác…”.