Dân làng kể lại rằng, khi món đồ cổ mất, một con rắn có mào chui ra từ rễ "cụ si". Dân làng đi qua gốc cây bỗng giật mình vì gặp con rắn lạ, người tưởng hoa mắt, người lại tưởng gặp ma. Người dân lại xì xầm bàn tán, một đồn mười, mười đồn trăm về chuyện thần linh hiện lên để tìm lại báu vật của làng.
Dân làng lập miếu thờ “thần” cây
Những thêu dệt đồn đoán
Cụ Hường cho biết thêm: "Hồi ấy có con rắn, to như một con trăn khổng lồ, trên đầu có mào. Có người đã thấy rắn chui ra từ rễ cây si. Lúc đầu nhìn thấy nó cứ như một dòng nước bạc chảy từ trong rễ cây, nhìn kỹ thì mới thấy hiện hình con rắn. Rắn có mào cứ chầm chậm trườn xung quanh "cụ si" rồi một lúc lại biến mất. Nó bò vào miếu thờ, rồi nó lại bò xuống ao. Ai nhìn thấy rắn có mào cũng phải hoảng hồn".
Nghe nói làng Hóp có con rắn khổng lồ, các thợ bắt từ làng khác kéo qua kiếm vận may. Thế rồi, bọn chúng lăm lăm đồ nghề đi sang làng Hóp bắt rắn. Nhưng khi nhìn thấy rắn xuất hiện, họ đã hoảng hồn vứt cả đồ nghề mà chạy thoát thân. Có người còn thấy nó bơi qua con sông của làng, nó còn xuất hiện ở những hang đá khắp các khu đồi trong làng. Rắn có mào đi khắp vùng tìm kho báu. Mặc dù rắn có mào hiền lành chẳng hù dọa ai nhưng chẳng ai dám động chạm đến nó!.
Có người cho rằng, rắn thần được sai đến để bảo vệ cây si, nó sẽ bảo vệ làng xóm. Thế nhưng, từ khi có con rắn xuất hiện ở cây si, trẻ con không dám đến gốc si chơi như thường ngày nữa. Có người lại coi đó là vị thần hiển linh tìm lại bộ đồ cổ đã mất. Thần linh trách dân làng không biết bảo vệ được linh khí của làng. Trước sự lo sợ của dân làng, các cụ già trong làng đã sắm sửa lễ vật để cúng cây, cầu xin thần linh đừng làm kinh động đến con dân trong làng. Cũng từ đó, người dân ít nhìn thấy rắn có mào xuất hiện ở gốc cây nữa.
Người dân nơi đây vẫn cho rằng, từ khi số đồ cổ mất đi, thần linh hiện hình rắn có mào đi tìm nhưng không thấy nên tức giận trừng phạt dân làng.
Cũng trong năm đó, cây si có hiện tượng là điềm báo làng sẽ gặp tai ương. Vào một ngày mưa to, gió lớn. Sấm chớp ầm ầm, gió thổi ào ào như vũ bão đã làm gãy cành si khổng lồ, năm đó làng có hơn 10 người chết trẻ, chết già. Người dân cho biết, mỗi năm số người chết ở làng chưa bao giờ nhiều đến vậy. Dân làng hoang mang, góp tiền để mua xi măng, đá sỏi về xây bê tông lên cao để tránh cho cây bị gió bão quật đổ.
Năm 1998, người dân nơi đây đã chứng kiến một cảnh tượng xưa nay chưa từng có. Chỉ sau một đêm ngủ dậy, người dân làng Hóp đã thấy một cảnh tượng toàn thân cụ si khoác áo vàng. Người dân lại hoang mang, cho rằng lại là điềm báo gở. Thế rồi, cả làng lại hì hục cúng bái, thường xuyên thắp nhang cầu xin cụ cây. Cả làng thay nhau bón rất nhiều loại phân, tưới thật nhiều nước để cây xanh tốt trở lại.
Ông Phạm Thanh Xiêm (75 tuổi) kể lại: Lần này, cụ si tức giận úa vàng hết lá nên đã giáng tai họa xuống dân làng Hóp. Những cụ già khoảng 60 - 70 tuổi bỗng dưng bị chết bất đắc kỳ tử, có những cụ hôm trước vẫn còn ăn cơm vui vẻ với gia đình, hôm sau con gọi dậy đã thấy cứng đơ. Có những cụ hôm trước vẫn còn cõng cháu đi chơi được mà tối đã nhận được tin báo đã mất. Năm đó cũng có rất nhiều thanh niên chết đột ngột, có người đang khỏe mạnh bỗng dưng lăn đùng ra chết…
Cả làng không ai dám động đến “cụ si”
Giải mã lời đồn
Chúng tôi đem câu chuyện kỳ lạ này đến trao đổi với ông Vũ Quang Phái, trưởng thôn làng Hóp. Ông Phái cho hay: "Quả thật đã từng có rất nhiều những lời đồn thổi về câu chuyện kỳ lạ xung quanh gốc si úa vàng báo hiệu cả làng gặp tai ương, sự việc này đã làm xôn xao dư luận".
Ông Phái cho biết thêm, những câu chuyện về rắn thần xuất hiện, cây si báo oán phạt tội dân làng hoàn toàn là lời đồn thổi. Ông Phái cũng chưa nhìn thấy có con rắn có mào xuất hiện. Nếu có rắn xuất hiện cũng là điều bình thường. Khu vực này có những ụ núi đá ở các vùng xung quanh. Vì vậy, việc xuất hiện rắn ở đây cũng là điều dễ hiểu. Nếu như có rắn mọc mào thì cũng chỉ là do sự trùng hợp ngẫu nghiên về loài rắn bị đột biến về gen. Ngay cả việc con rắn đó chui ra từ gốc cây si cổ thụ cũng là chuyện hết sức bình thường.
Ông Phái cũng khẳng định, có một năm cây si vàng một bên lá. Năm đó cây si được xây kè đắp gốc lên cao. Do bị xây kín quá nên không hút khí được khí và trao đổi chất, dẫn đến hiện tượng lạ lùng đó. Thêm nữa, bên lá bị vàng chính là bên cành cây gặp bão năm nào làm bên thân mục ruỗng dẫn đến một phía lá bị vàng là chuyện bình thường.
Lý giải năm cây si bị vàng hết lá cũng chính là năm có nhiều người chết không lý do, ông Phái cho rằng, đấy là những cụ già chết do thời tiết khác thường, khí hậu thay đổi đột ngột mà thể trạng các cụ không kịp chống đỡ, dẫn đến tử vong. Lý giải về những đối tượng thanh niên chết trẻ, ông cho biết: Đó là hậu quả của sự phát triển kinh tế. Làng Hóp có sự phát triển mạnh mẽ về nghề mộc. Hầu hết thanh niên trẻ đều đi nơi khác làm ăn, phát triển nghề mộc và đem nghề mộc của làng đi khắp các vùng để lập nghiệp. Nhiều thanh niên đã không thể vượt qua sự cám dỗ của cuộc sống. Vì không làm chủ được bản thân, một số họ sống buông thả, đua đòi, dẫn đến nghiện ngập, hút chích rồi chết…
Cây cối không thể báo oán Trao đổi với PV Người đưa tin, ông Trần Đức Thịnh - chủ nhiệm bộ môn Cận Tâm lý - Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng con người Việt Nam cho biết: Có thể có những sự trùng hợp ngẫu nhiên của thiên nhiên và con người trong một thời điểm nhất định nào đó, rồi người ta lấy đó để gắn cho cây cối sự kỳ bí, khó hiểu. Thật ra, cây cối không thể báo oán được. Đó là những đồn đoán mang tính mê tín dị đoan không tốt. Ở nhiều làng quê, có cây cổ thụ thường được người ta gắn với sự kỳ bí để nhằm mục đích gì đó. Vì thế, người dân cần phải cảnh giác với những lời đồn thổi thiếu căn cứ khoa học. |
Thế Hoàng