Xưa nay, dân gian vẫn rỉ tai nhau, “tháng cô hồn” (tháng 7 âm lịch) là phải hết sức cẩn thận bởi rất dễ xảy ra những điều đen đủi bất ngờ.
Để dẫn chứng cho những lập luận trên, người ta thường đưa ra những vụ tai nạn khủng khiếp, những cái chết bất ngờ, những rắc rối “trên trời rơi xuống”, những thất bát trong làm ăn... trong tháng này. Chính vì thế mà nhiều người đã hết sức giữ gìn, thậm chí nhiều người còn không dám làm việc gì lớn trong tháng 7 âm lịch như giao dịch hợp đồng, mua nhà, động thổ, cưới xin... Dân gian còn đưa ra tới... 18 điều cấm kỵ không làm trong tháng 7 âm lịch và luôn phập phồng mong cho “tháng cô hồn” qua nhanh.
Tuy nhiên, đúng vào ngày cuối của tháng 7 âm lịch vừa qua, hai “thảm họa” khủng khiếp đã xảy ra.
Lũ ống bất ngờ cuốn trôi nhiều giáo viên và học sinh
Chiều tối 4/9, khi những người dân của Bản Khoang (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) đang bắt đầu đi ngủ thì những tiếng ầm ầm bắt đầu xuất hiện và chỉ vài tích tắc sau, nhiều căn nhà đã biến mất trong biển nước cùng vô số đất đá và cây cối. Điều kinh khủng hơn, cơn lũ đã làm hàng chục thầy cô và người thân bị trôi xuống khe sâu, khi mà ngày hôm sau đã là ngày khai giảng đầu năm học mới.
Mặc dù các lực lượng chức năng và nhân dân, bộ đội đã ngay lập tức đến ứng cứu nhưng đến 2 giờ sáng ngày 5/9, lực lượng cứu hộ tại chỗ mới cứu được 11 nạn nhân bị lũ cuốn trôi trong tình trạng bị thương và tìm thấy thi thể 2 nạn nhân. Theo đánh giá sơ bộ, trận lũ đã làm chết, mất tích và bị thương 25 người.
Tai nạn lao động bất ngờ, 6 người chết thảm
Cũng trong ngày 4/9, ngày cuối cùng của “tháng cô hồn”, một vụ tai nạn khủng khiếp đã ngay lập tức cướp đi sinh mạng của 6 người, trong đó có một giám đốc, một phó giám đốc và 4 nhân viên. Bất cứ ai chứng kiến hoặc nghe kể về vụ tai nạn cũng cảm thấy bàng hoàng về những cái chết quá bất ngờ này. 6 người thiệt mạng trong một bồn mỡ cá, trong đó người nhiều tuổi nhất cũng chưa đến 40 tuổi và người trẻ nhất chỉ mới 20 tuổi.
Cháy kinh hoàng ở công ty Pou Yuen Việt Nam
Vụ cháy lớn xảy ra vào lúc 4h15 sáng 21/8 tại khu nhà xưởng rộng hàng ngàn mét vuông thuộc Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (100% vốn nước ngoài) ở Quốc lộ 1A, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM sau một tiếng nổ lớn. Sau 5 tiếng đồng hồ, với hơn 500 cán bộ, chiến sĩ tham gia, các lực lượng mới khống chế được vụ cháy này.
Theo thống kê sơ bộ ban đầu, toàn bộ diện tích 4.000 m2 hoàn toàn bị thiêu rụi. 12.000 công nhân phải nghỉ việc.
Đại gia đình 19 người gặp nạn
Hôm 8/8, mộtt vụ lật xe khách đã xảy ra khiến 19 người bị thương nặng như gẫy tay, chân, chấn thương cổ, vùng mặt... Vụ tai nạn xảy ra trên quốc lộ 1A thuộc huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.
Tai nạn xảy ra khi chiếc xe khách chở khoảng 19 người chạy theo hướng Nam Bắc bất ngờ bị mất lái và lao xuống sông. Hiện đã có 16 người phải vào bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng trị để điều trị các chấn thương như gãy chân, tay, chấn thương cổ, vùng mặt.
Điều đau lòng hơn, tất cả hành khách là con cháu của một gia đình tại huyện Nam đàn, Nghệ an đi du lịch từ Nghệ An vào Huế.
Trên đây chỉ là vài vụ việc thương tâm xảy ra trong “tháng cô hồn”. Còn nếu tính cả tháng, có rất nhiều vụ tai nạn, nhiều vụ án khủng khiếp đã xảy ra cướp đi sinh mạng của rất nhiều người. Chỉ tính riêng dịp nghỉ lễ 2/9, đã có tới 82 người chết vì tai nạn giao thông.
Tại trời hay tại người ?
Khi một tai nạn hay một cái chết bất ngờ xảy ra, ngoài việc các cơ quan chức năng vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân thì người ta thường đổ lỗi cho “số”, cho “giời”. Và những vụ việc xảy ra trong tháng 7 âm lịch càng khiến người ta tin rằng đây là tháng “đen đủi”.
Tuy nhiên, nếu xét lại những vụ việc thảm khốc xảy ra trong thời gian gần đây thì thấy rằng, vụ việc nào cũng có nguyên nhân từ con người.
Đầu tiên là vụ tai nạn lao động thảm khốc khiến 6 người chết trong bồn mỡ cá. Dù nguyên nhân chưa được các cơ quan kết luận chính thức, nhưng theo lời kể của những người chứng kiến vụ việc thì thấy rằng, sự chủ quan và thiếu hiểu biết, việc không thực hiện theo đúng quy trình, nội quy về an toàn lao động đã dẫn đến vụ tai nạn vô cùng đáng tiếc này.
Trong khi đó, trận lũ ống khủng khiếp ở Lào Cai cướp đi sinh mạng của nhiều giáo viên, mới nghe tưởng như là hậu quả của thiên tai, một “tai nạn bất khả kháng”. Tuy nhiên, ai cũng biết, việc phá rừng đầu nguồn, việc làm thủy điện một cách tràn lan và việc khai thác tài nguyên vô tội vạ là những nguyên nhân gián tiếp khiến cho lũ lụt, sạt lở đất gia tăng, kéo theo thiệt hại về người và của ngày càng nhiều.
Còn về vụ cháy tại công ty Po Yuen Việt Nam, nơi xảy ra cháy là nhà kho, chứa nhiều vật dễ cháy và tốc độ lây lan cao như giày thành phẩm, nệm mút, dung môi hóa chất, nguyên liệu sản xuất giày... mà nguyên nhân ban đầu được cho là do chập điện. Tuy nhiên, việc để xảy ra chập điện ở những khu vực dễ xảy ra cháy nổ đã xảy ra ở rất nhiều cơ sở sản xuất nhưng đến nay, nguyên nhân vì sao “chập điện” thì vẫn chưa được mổ xẻ, rút kinh nghiệm.
Điều đáng nói hơn, không chỉ có “tháng cô hồn” mà ngày nào, tháng nào cũng xảy ra những vụ việc đau lòng. Ngay cuối tháng 7, vụ chìm tàu kinh hoàng ở Cần Giờ đã khiến 9 người thiệt mạng mà nguyên nhân đã được xác định là do những người liên quan đã quá coi thường tính mạng con người, bỏ qua hàng loạt những quy định về an toàn đường thủy. Còn Tổng hợp cho thấy, 8 tháng đầu năm, TP. Hồ Chí Minh có tới 530 người chết vì tai nạn giao thông. Còn tính bình quân cả nước, mỗi ngày xảy ra 44 vụ tai nạn làm 17 người chết và 26 người bị thương; cứ 5 vụ tai nạn xảy ra có 2 người thiệt mạng và 3 người bị thương.
Trong khi đó, theo thống kê của Bộ LĐ-TB và XH, trong năm 2012 toàn quốc xảy ra 6.777 vụ tai nạn lao động làm 606 người tử vong, 6.361 người bị thương. Đặc biệt, số vụ tai nạn lao động và số nạn nhân của năm 2012 đều tăng so với năm 2011.
Cũng trong năm 2012, trên toàn quốc đã xảy ra 1.751 vụ cháy tại cơ sở, nhà dân, phương tiện giao thông và 155 vụ cháy rừng; làm tử vong 73 người, bị thương 136 người; thiệt hại về tài sản khoảng hơn 1.114 tỷ đồng và 652ha rừng. Xảy ra 29 vụ nổ, làm 11 người tử vong, bị thương 50 người; gây thiệt hại về tài sản ước tính trị giá 307 tỷ đồng…
Điều dễ dàng nhận thấy là trong nhiều vụ tai nạn lao động, một bộ phận người sử dụng lao động và người lao động còn thờ ơ với công tác an toàn vệ sinh lao động và phòng, chống cháy nổ, vì vậy, đã dẫn đến nhiều vụ tai nạn thương tâm để lại hậu quả nặng nề.
Mỹ Hạnh (VnMedia.vn)