Giải mã những vụ án chấn động khi hung thủ là... người điên (2)

Giải mã những vụ án chấn động khi hung thủ là... người điên (2)

Thứ 6, 04/10/2013 11:33

Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến "người điên" trở thành thủ phạm gây án xuất phát từ chính thái độ kỳ thị của xã hội, sự chủ quan của chính người thân.

PV đã có cuộc trao đổi với bác sỹ Trương Văn Trình, trưởng khoa Pháp y - Nghiện chất, bệnh viện tâm thần TP. Đà Nẵng và luật sư Tiến Vinh, giám đốc công ty Luật Bảo An (Hà Nội) xung quanh vấn đề này.

Bác sỹ Trương Văn Trình, Trưởng khoa Pháp y - Nghiện chất, bệnh viện tâm thần TP. Đà Nẵng: Bác sỹ đồng thời là võ sỹ

Mặc cho dư luận ra sức cảnh báo hiểm họa tiềm tàng từ những cơn điên của người bị bệnh tâm thần, nhưng các vụ thảm án kinh hoàng vẫn liên tiếp xảy ra. Thưa bác sỹ, để hạn chế nguy cơ này, có liều thuốc đặc trị nào có thể chữa trị cho "người điên"?

Hiện nay chưa có bất cứ một phương thuốc nào có thể điều trị triệt để bệnh tâm thần. Phương pháp duy nhất đang áp dụng đó là kết hợp giữa thuốc an thần và các liệu pháp tâm lý. Thái độ của gia đình và những người xung quanh quyết định rất lớn đến khả năng hồi phục của người bệnh. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, đội ngũ y bác sỹ chúng tôi tha thiết mong muốn xã hội cần có cái nhìn thiện cảm hơn đối với người bệnh, đừng để thái độ kỳ thị của xã hội làm người bệnh chối bỏ quyền được sống của bản thân và gây hại cho người xung quanh.

Pháp luật - Giải mã những vụ án chấn động khi hung thủ là... người điên (2)

Luật sư Tiến Vinh, giám đốc Công ty Luật Bảo An (Hà Nội).

Liên tiếp nhiều vụ trọng án do "người điên" gây ra trong thời gian gần đây có nhắc đến kiểu "tri giác hoàng hôn". Xin bác sỹ cho biết thêm về hiện tượng này?

Kiểu tri giác hoàng hôn là trạng thái mà con người ta nửa tỉnh nửa mê. Trong suy nghĩ của người bệnh là những khoảng chập chờn lúc sáng lúc tối, lúc trắng lúc đen, hành vi không thể kiểm soát. Khi trái tim dễ bị tổn thương, hoàn cảnh đẩy đưa cộng thêm những cú sốc tâm lý khiến cho người bệnh ức chế, không làm chủ được hành vi. Đó cũng chính là lúc phần con, phần thú tính nhất trong mỗi người có cơ hội trỗi dậy mạnh mẽ. Nếu không có sự can thiệp kịp thời về cả phương diện thuốc an thần lẫn liệu pháp tâm lý thì hậu quả sẽ rất khó lường...".

Khi lên cơn, người bệnh sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm, sẵn sàng "đánh đu" mạng sống của chính mình và của những y, bác sỹ ngày đêm chăm sóc họ. Quan điểm của bác sỹ về vấn đề này như thế nào?

Thực tế, công việc chăm sóc người bệnh tâm thần vô cùng vất vả. Người bị bệnh tâm thần ở đây đều ở dạng mãn tính, tính tình thường cộc cằn nóng nảy, dễ xúc động nên chỉ cần một cơn xung chấn nhẹ sẽ khiến người bệnh bột phát, bệnh nhân trở nên cực kỳ manh động. Bởi thế, chuyện bác sỹ ăn đấm, ăn tát tai, điều dưỡng đang đút cơm thì bị người bệnh phun cơm, thức ăn vào mặt là chuyện thường ngày ở huyện... Có thể ví những người làm công việc như chúng tôi là bác sỹ cũng được mà võ sỹ cũng chả sai. Bởi đã làm nghề này phải trang bị cho mình một ít "võ" vừa là để trấn áp người bệnh, vừa tự vệ chính đáng khi cần.

Luật sư Tiến Vinh, giám đốc công ty Luật Bảo An (Hà Nội): Đừng bỏ mặc và buông lỏng "người điên"

Có thể nói "người điên" gây án phần nhiều là lỗi do gia đình?

Thực tế, các gia đình có người tâm thần thường rất khó khăn về kinh tế do phải chi phí  thuốc men để chữa trị và họ cũng rất mệt mỏi về tinh thần do bị ức chế nhiều năm. Do vậy, có một số trường hợp cá biệt gia đình  bỏ mặc hoặc buông lỏng bệnh nhân. Chính vì vậy hành vi nguy hiểm của người tâm thần không bị kiểm soát, dễ gây án khi họ lên cơn, phát bệnh.

Vậy, theo ông, cơ quan chức năng cần làm gì để quản lý những "người điên" bị gia đình bỏ mặc?

Đối với những người tâm thần mà không có người thân thích thì chính quyền sở tại phải có biện pháp quản lý họ, phải kiến nghị cơ quan có thẩm quyền để đưa họ đến cơ sở y tế bắt buộc chữa bệnh. Thực tế cho thấy hoạt động này còn rất nhiều hạn chế, bất cập. Một nguyên nhân có thể thấy là ngân sách dành cho quản lý người tâm thần chưa cao nên các đơn vị có trách nhiệm quản lý người bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Công tác tuyên truyền để xã hội, các tổ chức, cá nhân ý thức đến việc tham gia từ thiện có thêm kinh phí quản lý, khám chữa bệnh cho người tâm thần cũng chưa được thường xuyên nên hiệu quả thấp.

Thực tế, có một số tên tội phạm giả điên để trốn tránh trách nhiệm hình sự. Cơ quan chức năng làm thế nào để làm rõ hành vi có đúng "người điên" hay "giả điên" khi phạm tội để truy cứu trách nhiệm về hành vi của họ gây ra?

Trong quá trình điều tra, việc quản lý và đưa người có hành vi nguy hiểm cho xã hội đi giám định là khó khăn nhất bởi việc giám định có thể mất nhiều ngày thậm chí mất nhiều tuần. Trong thời gian này, "người bệnh" có thể tiếp tục gây án hoặc bỏ trốn trong khi điều kiện quản lý ở cơ sở y tế thì hạn chế hơn rất nhiều so với nhà tạm giữ ở cơ quan điều tra. Trong thực tế cho thấy kẻ giả điên để trốn tội không nhiều. Tuy nhiên, nếu có trường hợp như vậy thì việc trốn tội thành công là vô cùng nguy hiểm. Do vậy, để hạn chế việc này cần nâng cao trình độ của đội ngũ giám định viên cũng như trang bị các máy móc kỹ thuật hiện đại để giám định viên có thể vạch trần sự giả dối của kẻ phạm tội. Bên cạnh đó cũng cần rèn luyện, nâng cao y đức, sự khách quan, công tâm của đội ngũ giám định viên. Có như vậy chúng ta mới có được những bản kết luật giám định tâm thần khách quan, đúng pháp luật.     

Quang Huy- Phương Hưng

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.