Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, hôm vớt phiến đá lên, trên bầu trời xuất hiện đám mây đen hình con rồng. Thấy vậy mọi người quỳ xuống cầu nguyện thì bỗng phiến đá trở nên nhẹ như nổi được trên mặt nước và mọi người đưa lên dễ dàng. Trước lời phán của thầy cúng: Đây là "phiến đá thần" ngàn năm, hội tụ linh khí của đất trời nên có thể chữa bách bệnh. Cứ thế người dân có bệnh đua nhau kéo đến, họ kháo nhau, chỉ cần thắp 9 nén nhang, ngồi thiền trên đó khoảng 30 phút là khỏi bệnh?
Chùa thiêng và những di vật cổ
Cụ Nguyễn Văn Châu (79 tuổi), cao niên làng Bưởi kể: Ngày xưa, chùa được xây dựng khang trang 5 gian mái ngói, xung quanh toàn gỗ lim bề thế. Ngoài ra, còn có 4 cột to như cột đình làm bằng gỗ lim. Gác chuông hình bát mái, có 2 tầng, tầng trên treo gác chuông, có cầu thang đi lên để gõ chuông, dưới nền làm bằng gỗ lim. Nhiều người vẫn xót xa rằng ngày trước người dân trong làng đã đốt mất, hiện giờ chùa chỉ còn ngôi nhà 5 gian, bị xuống cấp nên đang được tu sửa lại. Chỉ duy nhất mặt bằng ngôi chùa vẫn nguyên vẹn.
Cán bộ văn hóa xã Đan Hội chỉ cho chúng tôi bút tích viết bằng chữ Tàu trên "phản đá thần".
Cụ Châu cho chúng tôi xem quyển sổ đỏ của làng đã ghi lại lịch sử: Năm 1989, lúc bấy giờ Nguyễn Đình Nguyện làm trưởng ty (ty Văn hóa Hà Bắc - PV). Theo đó chuông không phải đúc tại làng mà được đúc tại tỉnh Hưng Yên. Còn tấm bia đá ở trong chùa, các đại biểu khảo sát quần thể khẳng định đó là vật giá trị nhất vùng này. Khi xem tấm bia đá, chúng tôi cũng nhận thấy có hoa văn khắc trên đó nhưng họa tiết đơn giản.
Trò chuyện với chúng tôi, bí thư chi bộ thôn Bưởi cho biết: Ngày xưa chùa làng Bưởi cây cối um tùm, nắng không thể nào lọt xuống được dưới đất. Chùa linh thiêng lắm, thanh niên mà vào bắt con ốc, bắt cua xong chỉ đứng im tại chỗ. Khi bà con đi qua thấy vậy về nhà mua nhang, hoa quả đến khấn xin phép thì mới khỏi và đi về nhà được? Đến chúng tôi vào đây học còn không dám sờ vào tượng... Hiện, thôn Bưởi có 3 đình: Đình Đồi, đình Lự, và đình làng bây giờ.
Sau khi phát hiện phản đá lớn nằm dưới ao Cầu Rác, người dân thôn Bưởi đã bàn bạc đưa phản đá này đặt ở chùa. Bà Mai, một người dân sống cạnh ao kể lại: Hôm nhấc "phản đá thần" lên người ta thuê cả máy xúc chuyên dụng để cẩu lên, đầu cần cẩu lấy dây sắt buộc, ở bên dưới còn đặt thêm mấy cây tre cho dễ trượt. Nhưng khi kéo bùn ùn ứ lên, không tài nào kéo lên nổi khiến cho dây sắt tuột khỏi "phản đá thần". Thấy vậy, nhà sư cùng người dân cầu nguyện để kéo “phản đá thần” lên. Lúc đó, trên bầu trời xuất hiện đám mây đen, mọi người đều nhìn thấy hình con rồng. Thấy thế mọi người càng cầu nguyện to hơn, một lúc sau "phản đá thần" được kéo lên một cách dễ dàng. "Phản đá thần" cứ thế lao băng băng trên mặt ao.
"Hôm vớt “phản đá thần”, chúng tôi cũng mời thầy về cúng. Thầy phán rằng: "Phản đá thần" đã nhiều năm nằm ở nơi long mạch của làng nên hội tụ linh khí của đất trời, ở đó còn có chữ Nho ngày xưa các cụ viết lên đó để trấn giữ long mạch. Đến khi mang “phản đá thần” lên bờ gột rửa cho sạch bùn, người dân cũng phát hiện ra 4 chữ Nho mờ mờ viết bằng mực Tàu, nhưng thầy cúng chỉ đọc được mỗi chữ đầu tiên là Thiên, mấy chữ còn lại không biết là chữ gì?! Ở dưới đáy bùn vẫn còn nhiều tảng đá... Khi kéo “phản đá thần” lên, người dân khắp nơi cùng với dân làng đứng xem đông nghịt", bà Mai nói.
Cụ Đinh Văn Gắm kể về những bia đá ở chùa Bưởi có niên đại lâu năm gắn liền với nhiều câu chuyện kỳ bí.
Thực hư "phản đá thần" chữa bách bệnh?
Nói chuyện về phản đá mà người dân thôn Bưởi phong là "thần", cô Từ (người trông chùa - PV) bảo, hôm trước cô bị ong đất đốt, một chỗ vào chân, một chỗ vào cánh tay. Thấy vết đốt thâm tím, có độc nên mọi người bảo cô ngồi thiền lên phản đá. Sau 30 phút vết ong đốt tiêu tan, người khỏe mạnh lại bình thường. "Ban đầu, mọi người bày đều xung quanh phản đá 10 chai nước. Tiếp đó, thắp 9 nén nhang đặt ở rìa phản đá. Các cụ bà ở trong thôn trải chiếu ngồi ở dưới khoanh chân xung quanh, tay đặt tử tế trong lòng. Tôi vội vã ngồi lên trên “cụ đá”, tiếng chuông vang lên, mọi người đồng thanh niệm phật". Chỉ sau một lúc vết độc ong đốt trên người tôi biến mất, nếu không thì nguy kịch rồi", cô Từ kể lại.
Lời kể và sự thành tâm Theo lời kể của người dân thôn Bưởi, khi đem phản đá lên chùa đặt, thầy cúng còn phán: "Phản đá thần" nằm ở chỗ long mạch hội tụ linh khí của đất, trời cho nên trong vòng 100 ngày "phản đá thần" vẫn còn linh khí, người nào bị bệnh ngồi thiền lên đó bệnh tật sẽ tiêu tan. Trước khi ngồi lên đó mua 10 chai nước đặt xung quanh, thắp 9 nén nhang. Người bệnh sẽ ngồi thiền khoảng 30 phút. Chính vì vậy thời gian qua nhiều người dân kéo đến chùa để được ngồi thiền lên phiến đá mong khỏi bệnh. |
Theo quan sát của chúng tôi, phản đá rộng chừng 1m20, dài khoảng 2m, được đục đẽo thủ công nên gồ ghề, chỗ trũng chỗ lồi. Được cán bộ văn hóa xã chỉ cho chúng tôi xem vết tích chữ Tàu nhưng chỉ nhìn thấy lờ mờ vết mực, uốn lượn.
Khi thấy PV đến tìm hiểu về "phản đá thần", cụ Đinh Văn Gắm trong hội người cao tuổi của thôn Bưởi cũng đến, cụ Gắm cho biết: Ngày xưa "phản đá thần" là cái cầu ở giữa cánh đồng. Dòng họ chúng tôi đến đây sống đã được 10 đời, nhưng chẳng biết nó có từ bao giờ. "Phản đá thần" nằm ở ao Cầu Rác, vào khoảng năm 1936 - 1937, khi ấy cuộc sống người dân thiếu thốn trăm bề. Trong làng người dân túng đói triền miên, nên nuôi con rất vất vả, hầu hết bọn trẻ trong làng sinh ra đều bị sài (hay ốm đau, quấy khóc). Thấy con không lớn được, các bà mẹ đều mang con ra cầu đá chao đi chao lại con trên tay và khấn rằng: "Sài mòn ơi hỡi sài mòn... sài mòn ở lại mẹ con tôi về". Khi bế con về nhà từ đó các cháu lớn nhanh và ngoan ngoãn.
Cán bộ văn hóa xã Đan Hội cho biết thêm: Thời các cụ thì "phản đá thần" là chiếc cầu, bởi trước kia, bờ thửa nó ngoằn ngoèo, hình chữ chi. Đến thời chúng tôi dồn điền đổi thửa, phản đá không nằm trong bờ ruộng to nên khi chia ruộng xong thì "phản đá thần" nằm ở khu vực ao Cầu Rác giữa cánh đồng. Cây cầu đá đó bị sập nghiêng xuống dưới nước, một phần cắm xuống bùn, một phần nhô lên trên. Từ khi tôi lớn lên đã thấy thế. Khi đến mùa cạn, chúng tôi vẫn đánh bắt cá, bắt cua, bởi nó nghiêng như cái hang nên nhiều tôm, cá trú ở đây lắm. Đợt trước nước ở đây rất sâu nhưng bây giờ đứng chỉ đến cạp quần thôi cho nên mới có sự tích ao Cầu Rác là như vậy.
Tránh bị kẻ xấu lợi dụng
Ngày xưa, chùa làng Bưởi có 5 gian, có tháp chuông cao 2 tầng, toàn bộ đều bằng gỗ lim. Người dân nơi đây sống rất thịnh vượng. Hiện tại, trong chùa vẫn còn một tấm bia có niên đại cao. Trước kia, người dân khi đào hố trồng vải, vào thời điểm cuộc sống khó khăn có những bia cao bằng đầu người, rộng trên 80cm, ghi toàn chữ Nho đã bị người dân đập đi đem nung vôi.
Trao đổi với chúng tôi, trưởng thôn làng Bưởi - ông Trương Văn Hải nói: "Phiến đá đó nằm ở ao Cầu Rác không biết bao nhiêu năm, một đầu nhô lên mặt nước. Theo nguyện vọng, người dân trong làng đã vớt phiến đá đó lên. Hôm vớt phiến đá chúng tôi cũng mời cả thầy cúng. Thầy phán rằng, ở đây có long mạch, ở dưới phiến đá có chữ Tàu, khi vớt lên thì cũng thấy mờ mờ chữ Tàu thật. Chúng tôi không dám khẳng định ở dưới đấy có còn nữa hay không”.
"Ngày xưa xã chúng tôi có nhiều đình chùa, nên có nhiều bia lắm, người ta mang ra để làm hầm. Sỡ dĩ mọi người cho rằng, phản đá chữa được bệnh bởi người dân nơi đây có lòng tin vào chùa của làng và những di vật còn sót lại. Đôi khi niềm tin cũng mang ý nghĩa tích cực về mặt tinh thần là chính. Họ nghĩ tảng đá ở dưới nước lâu sẽ hội tụ linh khí nên người có bệnh mới ngồi lên hi vọng khỏi bệnh chứ thực chất nó là tảng đá cổ bình thường. Chúng tôi đã tuyên truyền đến người dân để tránh kẻ xấu trục lợi, gây bất an cuộc sống", ông Hải cho biết.
Đình Hường - Cao Tuân