Vì sao lại là 3 quốc gia?
Cuối tháng này, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức tới ba nước: Ả Rập Xê Út, Israel và Vatican với những kỳ vọng rất lớn, dù cho giới quan sát cho rằng sẽ có nhiều thách thức đang chờ đón ông chủ Nhà Trắng, theo The Guardian.
Khát vọng tạo nên dấu ấn nổi bật trong chuyến công du đầu tiên ở nước ngoài cũng giống như những gì ông Trump mong muốn trong 100 ngày đầu tiên điều hành nước Mỹ, với những tuyên bố bất ngờ và mang tính đổi mới.
Lịch trình cụ thể chưa được công bố, nhưng các phương tiện truyền thông đều đưa tin Tổng thống Trump sẽ đến thăm Ả Rập Xê Út, Israel và Vatican - trong một chuyến đi được đánh dấu là một khởi đầu mới trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan, trước khi tham dự một phiên họp của NATO tại Brussels và hội nghị thượng đỉnh G7 Ở Sicily.
Những người tiền nhiệm của ông Trump trong bốn thập kỷ qua thường bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên ở gần nước Mỹ với nỗ lực củng cố quan hệ với các nước láng giềng sát bên như Mexico hay Canada.
Tuy nhiên, trong hơn 3 tháng đầu nhiệm kỳ, nhà lãnh đạo Mỹ đã “đốt cháy” quan hệ với những người hàng xóm bằng lời chỉ trích về nhập cư và cạnh tranh thương mại. Một chuyến thăm qua biên giới phía Bắc hoặc phía Nam đồng nghĩa với việc ông sẽ phải đối mặt với những cuộc biểu tình của người dân các nước này, điều khiến hình ảnh của ông có thể suy giảm trên toàn cầu.
Ngược lại, Ả Rập Xê Út, Israel và tòa thánh Vatican sẽ mang đến sự chào đón hiền hòa hơn với vị khách đến từ nước Mỹ. Ngoài ra, cả ba quốc gia này đều có vai trò và tiếng nói lớn trên chính trường quốc tế, điều phù hợp với tầm nhìn vĩ mô của ông Trump.
Các quan chức Nhà Trắng mô tả điểm dừng chân đầu tiên: Ả Rập Xê Út, nơi ông Trump sẽ có gặp mặt với các nhà lãnh đạo Hồi giáo sẽ là sự kiện mang tính đột phá.
Một quan chức cao cấp cho biết: "Mục đích của chuyến thăm là tập hợp tất cả các quốc gia và tất cả các tôn giáo khác nhau tạo ra một mặt trận chung chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và al-Qaeda...”.
Phúc họa song hành?
Nếu so sánh cùng thời điểm, cựu Tổng thống Obama đã tới thăm 9 quốc gia, còn Tổng thống Trump vẫn chưa rời Mỹ một lần. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao cho rằng chuyến đi đầu tiên lần này sẽ "đảo ngược những lo ngại về việc Mỹ đang tự cô lập mình khỏi thế giới”.
Daniel Byman, một thành viên cao cấp tại Viện Brookings cho biết: "Dưới chính quyền của Tổng thống Obama, Israel và Ả Rập Xê Út đều có mối quan hệ căng thẳng với Washington và cả hai sẽ có cơ hội cải thiện với chính quyền mới”.
Ông chỉ ra rằng, cả hai quốc gia đều cảm thấy bất an trong vòng tay của Obama sau sự kiện “mùa xuân Ả Rập” nhưng được trấn an bởi sự nới lỏng về đánh giá nhân quyền trong chính sách đối ngoại mới của ông Trump. Cả hai có chung quan điểm muốn nước Mỹ sẽ đóng vai trò quan trọng trong hợp tác với các đồng minh truyền thống ở khu vực.
Về phần mình, Tổng thống Trump ít nhất có thể hy vọng khôi phục được những thiệt hại về danh tiếng đang bị chỉ trích trong chiến dịch và những tuần đầu tiên ông nhậm chức. Chuyến thăm nước ngoài đầu tiên đến “quê hương Hồi giáo” là một lời phản bác rõ ràng trước những cáo buộc kỳ thị người Hồi giáo trong sắc lệnh hạn chế nhập cư gần đây.
Và ở Vatican, ông Trump có thể cố gắng “hòa bình” với Đức Giáo hoàng Francis, người mà ông từng mô tả là "đáng xấu hổ" vì đã chỉ trích kế hoạch xây dựng bức tường dọc theo biên giới Mexico. Tuy nhiên, những kỳ vọng quá lớn luôn mang đầy đủ những nguy cơ làm cho mọi thứ tồi tệ hơn.
Đọc thêm>>> Triều Tiên như thùng thuốc súng, Mỹ có trao 'gươm báu' vào tay Nhật?
Quốc Vinh