Diện kiến "thần đa" ngàn tuổi
Được sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đã tới "diện kiến" cây "đa thần" tại xóm Đường Lâm xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Cây "đa thần" có gốc lớn, khoảng chục người vòng tay ôm không xuể. Tán cây che mát cả một khoảng đất rộng. Nhiều cụ cao niên trong làng cho biết, họ cũng không thể xác định được chính xác là cây có từ bao giờ, nhiều người cho rằng cây đa đã có cả ngàn năm. Từ nhỏ, họ đã nghe ông bà, cha mẹ kể về nó với những câu chuyện đầy bí ẩn. Những người nắm giữ nhiều bí mật cũng như những câu chuyện bí hiểm về cây đã qua đời gần hết.
Cụ Quyền Đình Kiểm, nói về sự linh thiêng của "thần đa"
Cây "đa thần" cổ thụ tỏa bóng mát rộng khắp một khu, trong khu vực tán cây đa này tỏa bóng thì bất cứ ai cũng không được vô lễ. Cụ Quyền Đình Kiểm (83 tuổi, ngụ tại xóm Đường Lâm, xã Bản Ngoại) người gần một thế kỷ sinh sống gần cây "thần đa" linh thiêng cho biết, cụ có nghe ông bà kể lại, trước đây, khu vực này chỉ có rừng rậm, người dân ra sức khai hoang đất đai, triệt phá cây cối nhưng cây đa vẫn sừng sững ở đó.
Trước đây, cũng có một ngôi miếu được lập nên để thờ "thần đa" nhưng rất sơ sài, nhiều khi còn bị gà đạp đổ, phóng uế, tức giận vì không được tôn kính nên "thần đa" đã trừng phạt người dân nơi đây quanh năm làm ăn mất mùa, bệnh dịch hoành hành, trộm cắp triền miên… Sau này, có một thầy bói đã xem và nói cần phải tôn tạo lại ngôi miếu cho trang nghiêm thì dân làng mới làm ăn thịnh vượng.
Cũng theo cụ Kiểm, nhiều người dân trong xóm cho rằng gốc cây cổ thụ là "nhà" của "những hồn ma đã khuất không mồ mả, không được nhang khói". Thế nên, dù cây cổ thụ vươn lên giữa đồng trống bất chấp gió bão nhưng chưa một lần gãy rụng khiến cây càng thêm bí ẩn. Hơn thế, sau lần có người lấy cành đa về làm đồ dùng bị trừng phạt khiếp sợ nên đến nay không ai dám chặt cành hay phạm đến "thần đa". Cũng rất đặc biệt dù tán cây đa che bóng rợp nửa thửa ruộng nhưng mùa nào lúa cũng tươi tốt và năng suất.
Cụ Kiểm cho biết: "Cái miếu mới được tôn tạo lại gần đây. Miếu này thờ thần núi, thân cây và vong linh của những người lính ngã xuống trên đất này. Cây này, miếu này thiêng lắm, ai cũng kiêng nể, nhiều câu chuyện khó lý giải cũng từ cây này mà ra cả đấy…".
Gốc cây đa cổ thụ
Chỉ là chuyện đồn thổi
Những bậc cao niên trong vùng như cụ Kiểm giải thích rằng, cây tồn tại hàng ngàn năm, trải qua biết bao biến cố, gắn bó với biết bao thăng trầm của mảnh đất này nên nó tụ hội, kết tinh, tập trung linh khí của dân làng nơi đây nên thiêng liêng như một vị thần. Câu chuyện kỳ bí về "đa thần" một lần nữa được khẳng định, lan truyền và có phần thực tế hơn.
Các bậc cao niên và cựu chiến binh trong vùng cho biết, những năm kháng chiến chống Pháp có vô số chiến sĩ đã thoát chết trước đường đạn của kẻ thù vì làm lán trú ẩn dưới gốc cây này. Cũng đã có những chiến sĩ đã ngã xuống vì không kịp vào nơi trú ẩn, nhiều người tin rằng linh hồn các chiến sĩ ở lại nơi gốc cây vào cây. Trước đây, khi đi ngang qua cây, mọi người đều ngả nón, kẹp vào nách, đi qua một cách cung kính.
Hơn thế, trong những câu chuyện kể của người xưa, màu sắc thần bí, huyễn hoặc luôn bao trùm bóng cây đa khiến nó càng ma quái hơn. Bà Vũ Thị Hiếu (78 tuổi) cho biết, sự to lớn một cách kỳ lạ của gốc cây cũng như tán lá của nó làm con người trở nên nhỏ bé, choáng ngợp. Vào buổi trưa, đứng dưới thân cây lại càng đáng sợ. Không chỉ phát ra những thanh âm đầy ma quái, nơi gốc cây cũng xuất hiện những hình bóng kỳ lạ khiến người chứng kiến phải nổi da gà.
Cách đây khá lâu, vào tầm 12h trưa, bà Hiếu đi ngang qua thì thấy ở ngã ba thân cây có hiện lên hình ảnh chiếc chùa Một Cột. Một lần khác có người phụ nữ tên Hằng ở xã Phúc Lạc (Đại Từ, Thái Nguyên) khi đi qua thấy rất nhiều người mặc đồ trắng ngồi trên cây đu võng đã khiếp sợ kêu thất thanh. Những câu chuyện nhuốm màu sắc ma quái, hình ảnh lạ đó có thể chỉ là những thêm thắt hoặc những lúc hoa mắt của người kể chuyện mà thôi.
Cụ Kiểm kể rằng, cách đây mấy năm có anh Trần Văn S., trú tại xóm Đồng Ninh, xã Bản Ngoại rủ một số người bạn ra chặt cành đa về làm cối đập lúa, phần cành to và thẳng thì xẻ làm phản để đóng đồ dùng. Ngay sau đó một thời gian anh S. đã thắt cổ tự tử ngay tại nhà mình. Người dân đồn rằng do anh S. đã chặt "cánh tay" của "thần đa" nên bị "thần đa" nổi giận trừng phạt. Cứ thế, không ai dám phạm cây "thần đa" cho hiện nay bóng của cành đa tỏa rộng gần hết một thửa ruộng ở gần đó".
Cụ Kiểm cũng cho biết, cùng lần đi chặt cành đa làm cối đập lúa với anh S., còn có anh Thịnh ở cùng xóm Đồng Nin. Lần đó anh Thịnh chỉ là người khuân vác cành đa khi đã chặt, một thời gian sau, anh Thịnh bị thần kinh, luôn trong tình trạng hoảng loạn. Sau đó, anh này phải mang đồ đến miếu gần gốc "thần đa" tạ tội thì mới khỏi bệnh. Trải qua biết bao bão bùng, mưa nắng mà cây đa không hề suy suyển. Đến hôm nay, nỗi ám ảnh về một cây đa có sức mạnh thần bí vẫn tồn tại trong tâm trí của nhiều người sống trong xã.
Ông Nguyễn Thành Sơn, trưởng xóm Đường Lâm, xã Bản Ngoại cho biết, những lời đồn đoán trên tồn tại trong người dân hàng chục năm nay. Hiện rất nhiều người tin vào sự thiêng liêng của cây đa cổ thụ cũng như miếu thờ dưới gốc. Quả đúng là có chuyện người đi lấy cành đa về làm cối đập lúa nhưng không phải là người đó trèo lên chặt cành mà do cành đa đó bị gãy, rơi xuống đất. Vì thấy cành đa to một số người ở xóm Đồng Ninh đã rủ nhau đến để cưa từng đoạn mang về sử dụng. Tuy nhiên, những lời đồn về chuyện "thần đa" trừng phạt người chặt cành là không có căn cứ. Trường hợp anh S., bị chết là do ốm đau bệnh tật. Một số người bị điên loạn là do bệnh lý về thần kinh.
Cần tránh bị kẻ xấu lợi dụng "Trường hợp anh Trần Văn Ngũ, con ông chủ nhang ngôi miếu trước đó cũng lên đồi tự tử mà nhiều người đồn đoán bị "thần đa báo oán" cũng chỉ là chuyện đồn thổi không chính xác. Chính quyền địa phương đã nhiều lần tuyên truyền để nhân dân hiểu, tránh bị kẻ xấu lợi dụng. Hiện nay, dưới gốc cây đa cũng có một ngôi miếu được gia đình bà Hiếu lập nên để có nơi thắp hương vào các ngày mùng 1, ngày rằm, không làm ảnh hưởng gì đến trật tự trị an trong địa phương" - ông Sơn cho biết thêm. |
Quang Sơn