Thanh niên thông tin, sáng 26/9, chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Hà Nội, vượt cả Jakarta của Indonesia - TP ô nhiễm nhất thế giới.
Theo bảng xếp hạng AQI của VN, chỉ số này lên ngưỡng trên 200 cho thấy chất lượng không khí thuộc ngưỡng xấu, rất có hại cho sức khỏe. Người nhạy cảm, người già, trẻ em cần hạn chế ra ngoài.
Dữ liệu trên đã khiến nhiều người dân lo lắng. Bởi thực tế diễn biến môi trường của Hà Nội qua quan sát bằng mắt thường đã thấy có những điều đáng băn khoăn.
Bên cạnh đó, sự cố cháy nhà kho của Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông vẫn khiến nhiều người nghi ngại. Đặc biệt từ đầu tháng 9 đến nay chỉ số AQI của Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc luôn dao động quanh mức từ Trung bình đến Kém (từ 51 đến dưới 200).
Ghi nhận của báo Đại đoàn kết, AirVisual công bố vào sáng 26/9 cho thấy, 13/14 điểm quan trắc cho chỉ số AQI trên 150. Điểm Hàng Đậu (Hoàn Kiếm) là 174, điểm Thành Công (Đống Đa) là 176, điểm Yên Hòa (Cầu Giấy) là 163. Đặc biệt, điểm đo tại khu vực Hồ Tây cho chỉ số lên tới 224. Đến 15h cùng ngày, chỉ số AQI của toàn thành phố Hà Nội về mức 133 và xếp thứ 9 trên 10.000 thành phố được quan trắc. Chỉ còn 6/14 điểm có chỉ số trên 150. Trong khi đó, điểm quan trắc tại Đại sứ quán Mỹ đạt đỉnh 185 vào lúc 6h cùng ngày và quay về ngưỡng 179 ở thời điểm hiện tại.
Tương tự, hệ thống quan trắc không khí Pamair cho kết quả 40 điểm quan trắc trên TP.Hà Nội lúc 7h là từ 150-190. Đến thời điểm 15h, các chỉ số đều quay trở lại ngưỡng dưới 100.
Còn kết quả quan trắc tự động do Hà Nội lắp đặt lúc 15h chỉ ra toàn thành phố vẫn có AQI là 157 (mức Kém), 10/11 điểm có chỉ số AQI trên 100. Điểm tại Minh Khai (Bắc Từ Liêm) chỉ số là 190, 3 điểm Hàng Đậu, trụ sở Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội và đường Phạm Văn Đồng có chung chỉ số là 157.
Trao đổi với báo Pháp luật Việt Nam, đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường (BVMT), Sở TN&MT Hà Nội cho rằng, thông tin chỉ số AQI ở Hà Nội “đội sổ” thế giới là do các số liệu thống kê chưa đầy đủ và cũng không khách quan.
“So sánh chỉ số AQI đó mà kết luận Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới là không chính xác. Tại những website thống kê này, họ lấy số liệu từ 1 trạm quan trắc của Đại sứ quán Mỹ, chứ không phải lấy số liệu từ 10 trạm quan trắc của chúng tôi. Vì vậy số liệu này không đại diện cho cả TP và cũng không chính xác”, đại diện Chi cục BVMT nói.
Ngoài ra, khu vực Đại sứ quán Mỹ nằm cạnh đường Láng Hạ, có mật độ giao thông cao, nhiều công trình đang xây dựng, nên cũng là một trong những điểm có chất lượng không khí kém so với mặt bằng chung của TP.
Để đánh giá được chính xác chất lượng không khí cả TP, số liệu phải được lấy từ nhiều trạm, mỗi trạm lấy nhiều lần từ các thời điểm khác nhau trong ngày thì mới đánh giá đầy đủ được. “Nếu chỉ lấy số liệu ở 1 thời điểm, từ 1 trạm quan trắc trong TP rộng hơn 3.300km2 thì không thể chính xác, khách quan”, vị này nhận xét.
Lý giải nguyên nhân không khí tại Hà Nội trở xấu trong những ngày gần đây, vị lãnh đạo thông tin thời điểm giao mùa, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm nhiều gây ra hiện tượng sương mù bao bọc toàn TP. Sương mù làm giảm độ khuếch tán, phát tán các chất ô nhiễm trong không khí, đặc biệt là bụi PM2.5. Nhiều khả năng những ngày sắp tới, không khí Hà Nội vẫn duy trì ở mức kém và chỉ cải thiện khi có các đợt không khí lạnh, gió mùa.
Theo nhận định, không khí Hà Nội phải chờ khi nào có các đợt không khí lạnh, gió mùa Đông Bắc thì chất lượng mới được cải thiện. “Theo dự báo của chúng tôi thì khoảng 10 ngày nữa chất lượng không khí sẽ được cải thiện”, đại diện Chi cục BVMT cho hay.
Bá Di (Tổng hợp)