Bảo vệ doanh nghiệp, bỏ mặc dân
Vụ việc hàng trăm tiểu thương kinh doanh sỉ rau, củ quả… tại chợ Long Xuyên (phường Mỹ Long, TP.Long Xuyên, An Giang), bị chính quyền dùng nhiều cách, thay đổi liên tục những thông báo để "ép" các tiểu thương phải di dời tới khu chợ mới đã lộ diện những sự bất thường của nhà chức trách trong việc bảo vệ cho doanh nghiệp, bỏ mặc cuộc sống của dân.
Khu chợ mới nằm trên địa bàn phường Mỹ Thới cách chợ Long Xuyên hàng chục km thuộc dự án Khu Thương mại dịch vụ dân cư phường Mỹ Thới của Công ty TNHH Đầu tư và Chế biến lương thực Thiên Ngọc (Công ty Thiên Ngọc) làm chủ đầu tư.
Theo thông tin mà báo điện tử Người Đưa Tin có được, ở biên bản cuộc họp số 44/BB-KHDT, ngày 8/5/2015, gồm các Sở: Kế hoạch và Đầu tư; Tài Nguyên & Môi Trường; Xây dựng; Công thương và UBND TP.Long Xuyên đã thống nhất trình UBND tỉnh An Giang xem xét cấp phép cho Công ty Thiên Ngọc thực hiện dự án nói trên. Theo đó, Công ty Thiên Ngọc đầu tư xây dựng “Khu thương mại dịch vụ và dân cư phường Mỹ Thới với mục tiêu đầu tư xây dựng trung tâm thương mại và xây dựng khu chợ đầu mối nông sản kết hợp một phần chợ thủy hải sản và di dời chợ Cái Sao hiện hữu.”
Theo đó, báo cáo của Thanh tra tỉnh An Giang, số 48, ký ngày 20/4 năm nay, bởi ông Võ Thanh Tráng – Chánh thanh tra có nêu kiến nghị của Thường trực Thành ủy Long Xuyên với UBND tỉnh An Giang, ngày 25/3, cho sớm cho di dời khu chợ Cái Sao cũ (phường Mỹ Thới, TP.Long Xuyên) vào chợ của dự án Công ty Thiên Ngọc để đi vào hoạt động đúng theo mục tiêu đầu tư đã đề ra. Đặc biệt, kiến nghị này nói rõ: mục đích hoạt động của Công ty Thiên Ngọc là kích hoạt giá nền dân cư, từ đó Công ty mới có nguồn thu từ hoạt động chợ và bán nền dân cư để tiếp tục việc đầu tư dự án.
Cũng trong văn bản 48 có dẫn lại ý kiến của thường trực Thành ủy TP.Long Xuyên tại cuộc họp ngày 25/3/2016, có đề nghị UBND tỉnh An Giang sớm cho di dời khu chợ Cái Sao (phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên) vào chợ Công ty Thiên Ngọc để được đi vào hoạt động đúng theo mục tiêu đầu tư kể cả chợ nông sản. Và Thành ủy Long Xuyên kiến nghị có nêu mục đích hoạt động của Công ty Thiên Ngọc là kích hoạt giá nền dân cư, từ đó Công ty mới có nguồn thu từ hoạt động chợ và bán nền dân cư để tiếp tục việc đầu tư dự án.
Với ý kiến nêu trên của Thành ủy TP.Long Xuyên đã lộ rõ động cơ vì sao cả hệ thống chính quyền thành phố này quyết liệt thực hiện chủ trương ép tiểu thương chọ Long Xuyên (còn gọi chợ Cái Sao cũ) sang chợ mới nằm trong khu dự án của Công ty Thiên Ngọc làm chủ đâu tư.
>> Tiểu thương kêu trời vì bị ép di dời qua chợ vắng như "chùa bà đanh" (1)
>> Tiểu thương bị ép qua chợ tư nhân: Lợi ích nhóm? (2)
>> Ép tiểu thương di dời chợ: TP.Long Xuyên không minh bạch (3)
“Tiếp tay” cho chủ đầu tư?
Đáng chú ý, việc thực hiện kế hoạch chợ đầu mối nông sản kết hợp một phần thủy hải sản thuộc Khu Thương mại dịch vụ khu dân cư phường Mỹ Thới của Công ty Thiên Ngọc chưa hoàn thành tục pháp lý giấy tời quyền sử dụng đất những vì sao chính quyền lại ép dân phải di dời về khu chợ đầu mối này.
Nhóm PV báo Người Đưa Tin đã tiến hành điều tra và phát hiện doanh nghiệp này chưa thực hiện xong nghĩa vụ thủ tục đất đai của toàn dự án và bị Thanh tra tỉnh An Giang yêu cầu họ phải thực hiện và kết thúc trong thời gian chậm nhất đến hết ngày 31/12.
Đối với việc lấy ý kiến tiểu thương tại chợ Long Xuyên, chính quyền thành phố đã cố tình làm “lơ” nên bà con tiểu thương đều không hề biết cho đến khi họ nhận thông báo việc di dời thì ai cũng ngã ngửa là việc chính quền thành phố này đã âm thầm thực hiện từ lâu!
Trước mắt, chợ Cái Sao cũ vẫn được hoạt động. Còn dự án của Công ty Thiên Ngọc, trong đó việc triển khai công trình chợ nông sản đều bị đình chỉ cho đến khi nào Công ty hoàn thành đủ thủ tục theo quy định mới được đưa vào hoạt động.
Ông Đào Văn Ngọc – Phó chủ tịch UBND TP. Long Xuyên đã trả lời báo Người Đưa Tin rằng: “Khi có chủ trương đầu tư, thì doanh nghiệp phải được sự chấp thuận nhà nước. Khi bắt đầu xây dựng thì đã có tiếp xúc với người dân rồi, các hộ tiểu thương cũng đã xuống gặp nhà đầu tư để góp ý, đóng góp cho nhà đầu tư để thuận lợi cho việc kinh doanh. Thành phố cũng tạo điều kiện cho nhà đầu tư cũng như tiếp xúc với người dân rất là nhiều lần”.
Thế nhưng, trong cuộc họp ngày 20/10, các hộ tiểu thương có hỏi phía UBND TP. Long Xuyên về Công Ty Thiên Ngọc là ai? Tại sao lại không có mặt tại cuộc họp để được tiếp xúc trực tiếp với tiểu thương. Thì câu trả lời vẫn chưa được giải đáp.
Chúng tôi có nhắc lại điều này trong lần gặp gỡ trực tiếp với vị Phó Chủ tịch và ông Ngọc có giải đáp rằng: “Chắc người đó không phải là tiểu thương của chợ, còn chúng tôi đã tạo điều kiện thuê xe chở các tiểu thương xuống tại dự án đang xây dựng để góp ý chứ không phải là chưa gặp lần nào.”
Có sự mâu thẫn trong câu trả lời của đại diện chính quyền thành phố này. Bởi thực tế trong cuộc gặp mặt diễn ra ngày 20/10 có PV Người Đưa Tin tham dự, hơn 200 tiểu thương cùng tham gia. Nhưng đến phần trả lời giải đáp thắc mắc của bà con, ông Ngọc nói rằng, chỉ gửi thư mời đến 116 hộ tiểu thương và số còn lại họ đã đồng ý việc di dời. Vậy có bất thường?
Bởi thực sự Công ty Thiên Ngọc có đủ năng lực để thực hiện dự án như đã nói trên? Trong khi các văn bản của chính quyền, kể cả kiến nghị từ Thành ủy TP.Long Xuyên đều đề cao và tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp này, nhưng lại cố tình quên đi quyền lợi của người dân?
Câu chuyện mượn chợ đặt trong khu dân cư nhằm mục đích nâng cao giá trị bán đất nền không chỉ diễn ra tại TP.Long Xuyên thông qua dự án Công ty Thiên Ngọc đầu tư mà đang hiện hữu khắp cả nước và hệ quả nhãn tiền là những ngôi chợ đang bỏ hoang, đìu hiu, vắng tanh như “chùa bà đanh”!
Mỹ Linh – Sao Mai
Đón đọc lúc 6h30 (ngày 30/10) - Kỳ 5: Lộ năng lực của công ty Thiên Ngọc và 'tiếp sức' của TP.Long Xuyên?