Câu chuyện về thuật "thôi miên" vẫn là chủ đề từ lâu được nhiều người bàn tán, hoài nghi. Nhiều câu hỏi vẫn được đặt ra. Có hay không thuật thôi miên? Thuật thôi miên từ đâu mà có, cách thức thực hiện như thế nào? Tại sao khi bị thôi miên, con người không còn kiểm soát được bản thân?...
Mới đây, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải (Chủ nhiệm bộ môn thông tin dự báo, Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam) trả lời trên báo ANTĐ, cho biết, khái niệm thôi miên là hiện tượng con người có khả năng dùng ánh mắt, phương tiện hỗ trợ để đưa một người khác vào trạng thái ngủ đặc biệt, là lĩnh vực cho ta khám phá những bí ẩn của hoạt động bộ não.
Theo nhà nghiên cứu này phân tích, để đưa người bình thường vào giấc ngủ cần phải dùng biện pháp gây sự chú ý như đề nghị người đó nhắm mắt vào rồi sau đó dẫn dụ bằng những lời nói đều đều, có uy lực để đưa đối tượng vào trạng thái mất dần ý thức. Tùy theo trạng thái nông, sâu để dẫn dụ người đó làm những hành động vô lý theo lệnh của nhà thôi miên.
Hình minh họa
Tuy nhiên, đối với các trường hợp được cho rằng bị thôi miên để chiếm đoạt tài sản, hầu hết những người bị mất của đều không trong trạng thái bị yêu cầu phải nhắm mắt và rõ ràng là không bị đưa vào giấc ngủ đặc biệt. Cho nên, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải khẳng định việc thôi miên thông thường không áp dụng cho những trường hợp này.
Cũng trả lời trên tờ báo này, PGS.TS. Thượng tá Nguyễn Minh Đức - phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Phòng ngừa tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) cho biết, về góc độ khoa học, không có chuyện dùng sức mạnh siêu nhiên ở bên ngoài để làm người khác tê liệt ý chí rồi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mà chỉ có thể bằng những cử chỉ, ngôn ngữ, lời nói thậm chí bằng những hình ảnh làm cho người đối diện bị cảm thấy mê muội dẫn tới việc làm theo bản năng trao tiền, trao tài sản cho đối tượng.
Còn nếu có phép thuật bằng thôi miên để đi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thì đó là vấn đề mà cơ quan bảo vệ pháp luật phải nghiên cứu, có biện pháp đấu tranh, thậm chí phải có hành lang pháp lý để xử lý từ rất lâu rồi.
Thượng tá Nguyễn Minh Đức cũng lý giải, về góc độ tâm lý con người, các đối tượng có khả năng dùng ám thị (mỗi người có sức mạnh từ con mắt, từ tâm sinh lý của họ và họ có thể ám thị đối tượng bên cạnh, làm đối tượng bị lúng túng) sau đó có thể tấn công bằng ngôn ngữ, lời nói, ánh mắt, cử chỉ tình cảm, làm cho người đối diện bị mê muội, mất tỉnh táo dẫn đến mất cảnh giác. Ngoài ra có những đối tượng còn kết hợp dùng cả những loại chất hóa học nào đó để gây mê, làm cho người bị hại mê muội nhằm chiếm đoạt tài sản.
Thượng tá Nguyễn Minh Đức
Dưới khía cạnh nghiên cứu về tội phạm, đây là hiện tượng dùng sức mạnh vật chất tấn công người quản lý tài sản, hoặc dùng sức mạnh ngay tức khắc để làm người quản lý tài sản bị tê liệt ý chí, không thể quản lý được tài sản. Cơ quan công an đã làm rõ rất nhiều vụ việc liên quan đến hành vi này.
Bên cạnh đó các đối tượng này còn có thể dùng các thủ thuật đặc biệt đã được rèn luyện rất nhiều qua năm tháng giống như trò nhanh tay, nhanh mắt trong ảo thuật. Trò này đã từng được những “phù thủy” ngoại quốc thực hiện ở Việt Nam. Lợi dụng sự mất cảnh giác của những người bán hàng, những đối tượng này đã bày ra màn đổi tiền rồi tìm cách chiếm đoạt tiền của họ.
Theo Thượng tá Nguyễn Minh Đức, đây không phải là một thủ đoạn mới của tội phạm, tuy nhiên trước khi ra tay các đối tượng này đã nghiên cứu rất kỹ và thường áp dụng với những người nào mất cảnh giác, hoặc yếu về mặt tâm lý.
Hương Giang (tổng hợp)