Nói về tục thờ chó đá, PGS,TS. Phạm Ngọc Trung (nguyên Trưởng khoa Văn hoá và Phát triển, học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết thêm, có rất nhiều tài liệu lịch sử cũng ghi chép về việc thờ cúng chó đá. Trong cuốn Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú viết: “Nghi môn ở điện Lam Kinh có hai con chó đá rất thiêng” ở phần Dư địa chí ghi chép về trấn Thanh Hoa.
Hay trong cuốn Việt Nam văn hóa sử cương, học giả Đào Duy Anh từng nhắc: “Xưa kia, cửa ngõ thường không làm đúng chính giữa nhà và sân để cho người ngoài đừng nhìn thẳng vào trung tâm nhà. Người ta cũng thường kiêng không để cho con đường đâm thẳng vào nhà, hay là có đền chùa ở trước nhà. Nếu bất đắc dĩ không tránh được những điều kỵ ấy thì người ta chôn ở trước nhà một con chó đá hay là treo một cái gương ở trên cửa chính để yểm tà khí”.
PGS.TS. Phạm Ngọc Trung cho biết, chó đá thường được đặt ở những nơi như cổng đình, chùa, miếu... đó là những công trình tâm linh. Đặt đôi chó đá trước cổng với mục đích cầu phúc, mang may mắn và bất kỳ ai muốn xâm phạm cũng phải dè chừng. Những công trình tâm linh khi đặt chó đá cũng phải chú ý đến tư thế đặt. Tại tất cả các công trình tâm linh, khi đặt chó đá thì thường theo đôi với một con cái và một con đực thì mới phát huy hết sức mạnh, ý nghĩa của chúng theo quan niệm tâm linh.
Đôi chó đá phải đặt ở tư thế ngồi, đầu ngóc lên và nhìn thẳng, dáng uy nghiêm để thể hiện sức mạnh của nó. Chỉ cần nhìn thấy đôi chó đá là không ai dám phá hoại các di tích đó. Nhiều vùng, đôi chó đá còn được đặt ở cổng làng bởi quan niệm “đất có thổ công, sông có hà bá”. Chó đá thể hiện sự uy nghiêm, khi vào làng cần phải tuân thủ những quy định.
Không chỉ ở những nơi linh thiêng mà chó đá còn rất phổ biến ở khu vực nông thôn. Ở một số vùng quê hiện nay vẫn thường đặt chó đá trước cửa nhà hoặc chôn chó đá trước cổng nhà. Tuy nhiên, khi đặt ở các gia đình thì chó đá thường có dáng vẻ hiền lành, nhỏ nhắn hơn so với chó đá đặt ở các công trình kiến trúc tâm linh như đình, chùa, miếu, phủ.
Từ việc linh thiêng hóa, tạo tình cảm, niềm tin cầu mong bảo vệ cho cuộc sống con người nên mới có tục thờ cúng chó đá. Việc thờ cúng này xuất phát từ thực tiễn, nhưng mỗi vùng quê lại có việc thờ cúng chó đá khác nhau. Như tộc người Tày, Nùng sẽ chọn ngày lành tháng tốt để đặt con chó đá ở trước cổng nhà. Chó đá được đặt ngay trước cửa tạc to bằng chó thật. Hai chân trước đứng hiên ngang, hai chân làm trụ theo thế đứng bệ vệ. Chó đá luôn được tạo thế phục mồi, mồm và mắt chúng phải nhìn nhằm vào một điểm ở phía trước, sẵn sàng tư thế tấn công.
Trong ngày Tết, chó đá được tắm bằng lá bưởi đun nóng, sau đó được gia chủ quàng trên cổ những vòng vải đỏ hoặc giấy hồng điều. Những ngày này, chó đá được cúng kẹo, cúng cơm. Khi chúc Tết, mọi người có thể có bao đỏ mừng tuổi cho chó đá để biết ơn nó đã giúp gia chủ và láng giềng một năm bình yên.
Còn đối với người Dao, hình ảnh con chó đá được thể hiện qua các bộ trang phục truyền thống. Người Dao đỏ trong ngày cưới còn đội một chiếc mũ hình đầu chó, mặc váy có hình đuôi chó... Trên trang phục người Dao ta còn bắt gặp hình ảnh đôi chó ngộ nghĩnh quay lưng lại nhau. Trong quan niệm của tộc người Pa Cô còn coi con chó như vật tổ truyền nên họ kiêng giết và ăn thịt chó...
Hiện nay các tỉnh thành nước ta vẫn duy trì được tục thờ chó đá đặc trưng như: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên... Tuy nhiên, mỗi nơi sẽ có hình thức thờ cúng khác nhau. Đây được coi là một nét văn hóa đặc trưng của người Việt nên được gìn giữ”.