Theo ông Thắng, muốn điểm huyệt hẹn giờ được chuẩn phải “nằm lòng” các đường di chuyển sinh mệnh của cơ thể. Hầu hết các bộ phận, các nội tạng trong cơ thể đều có giờ nhận sinh lực và giờ xả sinh lực nhất định. Điều đó có nghĩa là, có những giờ tập trung sinh lực mạnh nhất và những giờ tập trung sinh lực yếu nhất.
Điểm huyệt hẹn giờ không phải quá khó nhưng cũng không phải dễ. Nó đòi hỏi sự hiểu biết, quá trình luyện tập công phu và cả cái tâm của người học võ. Trước hết, cần nắm chắc giờ xả và nhận sinh lực của từng bộ phận trên cơ thể.
Ví dụ như, với phổi, từ 3-5h là giờ nhận sinh lực, từ 15-17h là giờ xả sinh lực – lúc này, sinh lực yếu nhất. Hoặc với ruột già, từ 5-7h là nhận sinh lực, từ 17-19h là giờ sinh lực yếu nhất. Với tim, thông thường 11h-13h là lúc nhận sinh lực, từ 23h hôm trước đến 1h sáng hôm sau là lúc sinh lực yếu nhất. Đây cũng là điều lý giải vì sao người ta hay bị những con đau nhói ở tim vào giờ đêm, vì đó là lúc sinh lực yếu nhất.
Khi điểm huyệt, nếu chọn đúng các giờ sinh lực đang yếu thì rất hiệu quả. Nếu điểm huyệt đúng vào giờ nhận sinh lực, ví dụ ở phổi từ 3-5h điểm một phát vào phổi, phổi sẽ không nhận được sinh lực nữa. Sinh lực hay cũng chính là năng lượng của đất trời.
Người nắm rõ thời gian của các huyệt đạo, điểm đúng, phổi sẽ không nhận được năng lượng. Khi đã không có năng lượng để hoạt động đương nhiên sẽ chết. Hoặc từ 15-17h, điểm huyệt vào phổi đúng thời điểm xả sinh lực, cơ thể bí tắc, trệ khí, như thế cũng sẽ chết.
Hoặc trong khoảng thời gian từ 7-9h, muốn hạ gục đối phương phải điểm vào huyệt dạ dày, không thể điểm vào huyệt khác. Đó là thời điểm nhận sinh lực trong ngày của dạ dày, điểm huyệt chặn quá trình nhận này, dạ dày sẽ ngừng hoạt động, sinh ra ăn chướng bụng. Ngược lại, từ 19-21h là lúc dạ dày xả độc khí, cân bằng lại, nếu bị điểm huyệt không xả được sẽ rối loạn về hệ thống ruột.
“Như vậy, muốn điểm huyệt thành công, hiệu quả, cần hiểu đúng và đầy đủ và các giờ nhận và xả sinh lực của cơ thể. Bởi cùng giờ ấy nhưng điểm vào nơi này thì được, điểm nơi khác lại hoàn toàn vô hại”, võ sư Thắng nhấn mạnh.
Qua cuộc trò chuyện với người được mệnh danh “Đông Nam Á đệ nhất nội công”, được biết, người muốn điểm huyệt hẹn giờ, ngoài việc hiểu rõ giờ hoạt động của các huyệt đạo cũng cần có công phu nhất định, tức là lực trong tay thật mạnh. Ngoài lực về vật lý phải có lực về khí.
“Cho nên, các chân sư châm cứu chữa bệnh thường được cho là tốt hơn các bác sĩ Đông y bình thường, nhanh khỏi bệnh hơn. Bởi, Đông y bình thường khi châm kim vào cơ thể thì hoàn toàn chỉ có lực của cây kim, xoáy kim vào huyệt, thu năng lượng, thu không gian trong thời gian để tạo thành khí.
Khí với khí thành chất, chất thành sinh lực đưa vào cơ thể, nhấn kim để kích hỏa, hút năng lượng vào mạnh hơn. Khi châm xả, người ta châm xoáy ngược kim và rút kim, nhả đường kim để năng lượng tản ra dần, loãng dần, rút kim ra đồng nghĩa với rút hỏa ra, năng lượng ra theo, xả tả khí”, võ sư Thắng lý giải.
Võ sư Nguyễn Văn Thắng nói thêm: “Điểm huyệt của các chân sư sẽ mạnh hơn châm cứu Đông y thông thường. Bởi trong bàn tay của các chân sư có năng lượng, khi qua cây kim vào cơ thể, năng lượng sẽ mạnh hơn rất nhiều.
Với châm cứu Đông y, nó chỉ là năng lượng của chính cây kim, nhưng ở bàn tay chân sư có năng lượng của nội khí công, truyền cả năng lượng từ chính chân sư vào cơ thể bệnh nhân, bệnh sẽ nhanh khỏi. Đó không đơn thuần chỉ là châm cứu mà hơn hết là điểm huyệt, day huyệt. Chân sư đều là những người đã luyện khí công nên nội lực rất mạnh”.
Một trong những nguyên tắc vàng cần lưu ý nếu muốn luyện thành công tuyệt chiêu điểm huyệt hẹn giờ, theo võ sư Nguyễn Văn Thắng là phải hiểu đâu là huyệt đạo chính - nơi tập trung trung tâm lực. Ví dụ như phổi có 11 huyệt, huyệt nào là nhận sinh lực mạnh nhất (tụ huyệt) và huyệt nào xả sinh lực mạnh nhất (tán huyệt), đó mới là những nơi gây nguy hiểm cho đối phương. Những huyệt phụ sẽ không gây ảnh hưởng nhiều.
“Điểm đúng tụ huyệt, không nhận sinh lực cũng chết, điểm đúng nơi tán huyệt, không xả được sinh lực cũng chết. Ấy mới gọi là tuyệt kỹ của điểm huyệt hẹn giờ. Không phải ai cũng dễ dàng đứng yên cho chúng ta điểm huyệt. Thế nên, bắt được thời điểm đối phương lơ là để điểm huyệt không hề đơn giản”, võ sư Thắng nhấn mạnh.
Cũng theo lời của võ sư Nguyễn Văn Thắng, nắm được những thời điểm nhận và xả sinh lực của các bộ phận trên cơ thể giúp quá trình chữa bệnh tốt hơn. Thông thường, bổ khí châm buổi sáng, tả khí châm buổi chiều, vì thường buổi sáng sẽ nhận sinh lực và buổi chiều xả sinh lực. Châm bổ châm buổi sáng, châm tả châm buổi chiều cũng giống như việc uống thuốc bổ thường vào buổi sáng, thuốc bệnh buổi chiều. Đây không phải những điều thần bí, mà nó là sự nắm bắt rõ chính cơ thể của mình.