Cuộc gặp gỡ lịch sử
Vào tháng 8/1945, tại ngôi nhà số 48 Hàng Ngang (Hà Nội), Hồ Chủ tịch đã viết bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nơi đây đã trở thành một địa danh lịch sử, gắn liền với tên tuổi của vợ chồng ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ, những nhà tư sản yêu nước đầu thế kỷ XX. Những nghĩa cử cao đẹp của gia đình tư sản yêu nước này đối với cách mạng đã được lưu lại trong sử sách. Nhưng không ai lý giải được tại sao, một gia đình tư sản giàu có bậc nhất đất Hà thành thời đó lại dám nuôi giấu Hồ Chí Minh, một người đang bị bọn mật thám Pháp và phát -xít Nhật truy lùng ráo riết.
Giới công thương Việt Nam thời đó không ai là không biết gia đình ông Trịnh Văn Bô với gian hàng bán tơ lụa Phúc Lợi số 7 Hàng Đào, sau được chuyển về số 48 Hàng Ngang. Ông bà đã kế thừa truyền thống 42 năm kinh doanh của dòng họ Trịnh trên đất Hà thành. Bà Hoàng Thị Minh Hồ, người vợ đảm đang, cũng là một người phụ nữ hết sức rắn rỏi trong kinh doanh, đã làm một việc mà thế hệ trước đó chưa từng làm: Đó là mở rộng kinh doanh bằng cách nhập hàng ngoại của các nước ấn Độ, Trung Quốc, Anh, Thụy Sĩ để cạnh tranh lại với các thương gia người Hoa và người Pháp.
Sản phẩm của Phúc Lợi không chỉ có mặt ở khắp lãnh thổ Việt Nam, mà còn lan tỏa sang cả các nước trong khu vực Đông Dương. Gia đình họ Trịnh còn mua lại cả một dây chuyền dệt vải trị giá 20 vạn đồng tiền Đông Dương và xây dựng một nhà máy rộng 3ha với 120 công nhân người Việt. Gác lại sự nghiệp kinh doanh, sự sống của cả gia đình, ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ vẫn quyết định nuôi giấu Nguyễn Ái Quốc ở trong nhà.
Căn gác 2, nhà 48 Hàng Ngang, Hà Nội, nơi Bác Hồ viết bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước VNDCCH. |
Nhà giáo Trịnh Lương (con trai cả của cụ Trịnh Văn Bô) cho biết: "Thực ra ngay cả khi đất nước hoàn toàn giải phóng, gia đình tôi cũng không hiểu được tại sao cụ Hồ lại chọn nhà tôi để ở khi về Hà Nội vào tháng 8/1945. Bởi có nhiều gia đình cũng giàu có không kém nhà tôi. Thậm chí nhiều nhà còn có địa thế tốt hơn căn nhà của gia đình. Đến tận năm 1991, khi nhà văn Sơn Tùng công bố những bài viết sưu tầm về Hồ Chủ tịch và gia đình của Người hơn một phần tư thế kỷ, chúng tôi mới cắt nghĩa được sự chọn lựa của Người".
Theo nhà văn Sơn Tùng ghi lại vào năm 1903, hai bạn đồng khoa, đồng chí hướng là cụ Nghè Ngô Đức Kế và cụ Bảng Nguyễn Sinh Sắc từng ra Hà Nội gặp gỡ với Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền và cử nhân Lương Văn Can tại nhà cụ Vũ Hoành (một yếu nhân của Đông Kinh Nghĩa Thục sau này) ở Khuyến Lương. Trong lần đi ấy, cụ Bảng Nguyễn Sinh Sắc mang theo cả hai anh em Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung (sau này gọi là Nguyễn Tất Thành), nhưng giữa đường Sinh Khiêm bị ốm, nên chỉ Tất Thành được "chầu hầu" cuộc đồng chí tương ngộ ở Hà thành.
Cũng vào năm này, cụ Nguyễn Sinh Sắc cũng có cuộc gặp gỡ với cụ Trịnh Văn Đường (bố của ông Trịnh Văn Bô) ở phủ Tây Hồ để đàm đạo văn chương. Nguyễn Tất Thành khi đó 13 tuổi cũng được theo chân cụ thân sinh đến đó. Lúc đó, cụ Nguyễn Sinh Sắc biết cụ Trịnh Văn Đường là con cháu chúa Trịnh. Cuộc đàm đạo đó không ngoài chủ đề về con đường giải phóng dân tộc Việt Nam. Lúc này, Nguyễn Tất Thành cũng biết cụ Trịnh Văn Bô là hậu duệ đời thứ 9 của Hy tổ Trịnh Cương, hậu duệ đời thứ 16 của Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm.
Cụ Trinh Văn Bô (năm 42 tuổi) và con trai Trịnh Lương (năm 23 tuổi) ảnh chụp năm 1956. |
Bà Đỗ Thị Giao Cầm (vợ của nhà giáo Trịnh Lương) chia sẻ: "Bác Hồ với sự am hiểu, trí tuệ của một bậc lãnh tụ, nếu chỉ qua một sự giới thiệu sơ sơ thì tôi chắc chắn Người sẽ không dám ở nhà tôi trong những ngày lịch sử đó. Bởi những gia đình tư sản với lợi ích kinh tế đang có được, không dễ gì hy sinh để dấn thân vào một việc có thể mất đi tính mạng bất cứ lúc nào. Đặc biệt, ngôi nhà của gia đình tôi nằm ngay trong lòng địch, giấu Hồ Chí Minh trong nhà lúc đó là một sự mạo hiểm tính mạng và có thể hy sinh cả sự nghiệp".
Nhà giáo Trịnh Lương kể lại: "Những năm 1943, tôi giấu bố theo nhiều thanh niên đi dán truyền đơn bằng chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Nội dung tờ truyền đơn là ủng hộ Hồ Chí Minh, ủng hộ Việt Minh, đả đảo Pháp - Nhật. Để thuận lợi cho việc dán tờ rơi, truyền đơn vào ban đêm, tôi thường mang truyền đơn về giấu ở nhà. Bất chợt có lần bố tôi bắt được tôi trong người có truyền đơn. Tôi cứ nghĩ ông cụ sẽ đánh vì việc tôi làm có thể làm nguy hiểm đến tính mạng cả nhà. Nhưng ngược lại, ông còn chỉ cho tôi chỗ giấu mà không ai phát hiện ra. Thực sự lúc đó tôi rất vui vì biết ông cụ ủng hộ tinh thần yêu nước của mình. Nhưng đến năm 1988 khi bố tôi qua đời, cả gia đình mới biết là trước khi mất, ông nội tôi (cụ Trịnh Văn Đường) có di chúc để lại cho con cháu họ Trịnh phải một lòng ủng hộ Nguyễn Ái Quốc".
Hành trình thực hiện di chúc
Mặc dù gia đình cụ Trịnh Văn Bô luôn âm thầm ủng hộ Việt Minh, nhưng thời điểm đánh dấu chính thức sự tham gia của gia đình họ Trịnh là cuộc gặp gỡ với cán bộ Việt Minh là hai anh em Tạ Văn Lưu và Tạ Văn Thực. Ngày 14/11/1944, hai vợ chồng bà cùng người con trai cả chính thức tham gia Việt Minh.
"Khi Nhật bị thất bại ở Hà Nội, bọn chúng để lại rất nhiều vũ khí, ô tô. Lúc đó, người biết lái ô tô rất hiếm. Bố tôi và người quản gia thường đi đến những chỗ có xe của Nhật để lái ô tô về trụ sở của Việt Minh. Ông sợ nếu để những chiếc xe đó ngoài đường có thể bị phá hủy. Những kho chứa vải, của gia đình ở ngoại thành cũng được phục vụ làm kho vũ khí", nhà giáo Trịnh Lương bồi hồi nhớ lại những thời khắc lịch sử đó.
Trong những ngày cuối tháng 8/1945, cả nước đang sục sôi chuẩn bị cho sự kiện lịch sử công bố khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cả gia đình họ Trịnh cũng dồn hết tâm lực để chuẩn bị cho lễ ra mắt của Chính phủ lâm thời. "Ngày đó có lẽ tất bật nhất là mẹ tôi (bà Hoàng Thị Minh Hồ). Ngoài việc lo chu toàn các bữa ăn cho Nguyễn Ái Quốc, các đồng chí đến làm việc cùng người. Mỗi bữa ăn của Người, mẹ tôi đều đích thân thử thức ăn trước khi Bác dùng cơm, khi nào bà đi vắng, tôi phải trực tiếp thử thức ăn thay cho bà. Ngoài ra, mẹ tôi còn phải thay bố lo toan việc buôn bán như bình thường để người ngoài không sinh nghi. Bên cạnh đó, bà còn phải chuẩn bị y phục cho lễ ra mắt của Chính phủ lâm thời".
Y phục của các lãnh đạo Việt Minh trong ngày lễ Độc lập, hầu hết do gia đình ông bà cung cấp. Thậm chí các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đã mặc y phục của ông Bô trong ngày lễ Độc lập. Riêng chiếc áo cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, vải may áo do hiệu buôn Phúc Lợi cung cấp.
Triết lý kinh doanh của Trịnh Văn Bô là: "Buôn bán 10 đồng thì giữ lại 7, còn lại giúp đỡ người nghèo và làm việc phúc đức. Khi cần ủng hộ nền độc lập thì cống hiến tất cả".
Nhà giáo Trịnh Lương chia sẻ những câu chuyện về bố mình, cụ Trịnh Văn Bô. |
Thời điểm đất nước rơi vào tình cảnh "ngàn cân treo sợi tóc", ngân khố trống rỗng, gia đình họ Trịnh cũng đã ủng hộ tài chính cho Chính phủ. "Sau Cách mạng tháng 8, bố mẹ tôi được ông Khuất Duy Tiến, phó chủ tịch TP. Hà Nội tiến cử vào Ban vận động Quỹ Độc lập. Lúc đó, bọn Quốc dân đảng cũng đến xin bà ủng hộ tiền nhưng bà từ chối. Mẹ tôi sợ bọn Quốc dân đảng sẽ bắt cóc tôi để uy hiếp gia đình, vì thế mỗi khi đi đâu tôi đều có một người đi theo bảo vệ. Khi đó, không chỉ mang tiền của gia đình đi ủng hộ, mẹ tôi còn đi vận động các tập đoàn Phát Đạt, Lợi Quyền ủng hộ tiền và vàng cho Chính phủ lâm thời", nhà giáo Trịnh Lương nhớ lại.
Trong Tuần lễ Vàng, gia đình ông bà đã đóng góp 117 cây vàng và vận động ủng hộ thêm trên 1.000 cây vàng nữa. Bấy giờ, toàn bộ ngân khố của Chính phủ Cách mạng Lâm thời chỉ có 1.200.000 đồng Đông Dương, đa phần không thể lưu thông. Các tài liệu chính thức ghi nhận, chỉ riêng gia đình ông bà đã ủng hộ thêm cho chính phủ 5.147 lượng vàng, tương đương với 2.000.000 đồng Đông Dương.
Sau khi Pháp tái chiếm Đông Dương, gia đình họ Trịnh tiếp tục một lòng theo cách mạng. Cụ Trịnh Văn Bô tham gia công tác trong Chính phủ kháng chiến tại Việt Bắc trong khi gia đình tản cư lên Cao Bằng. Đến năm 1955, gia đình ông mới trở về Hà Nội. ông được phân công giữ chức Phó Chủ tịch ủy ban Hành chính Hà Nội cho đến ngày nghỉ hưu.
Nhà giáo Trịnh Lương tâm sự: "Những việc mà bố mẹ tôi đã làm không ngoài một tấm lòng yêu nước tha thiết. Hơn nữa, đó cũng là điều mong ước của ông nội tôi trước khi mất (1943). Dù biết khi đó cách mạng gặp vô vàn khó khăn, nhưng ông có một niềm tin tuyệt đối vào con đường giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc. Đặc biệt, Bác là người đã nhận ra, tin tưởng và biết cách huy động tấm lòng yêu nước, sức mạnh của giới công thương, tư sản dân tộc. Đó mới là điều đáng trân trọng".
Đỗ Thơm