Giải mật những vụ án kinh điển: Bí ẩn những vụ mất tích mang “mật danh 411”

Giải mật những vụ án kinh điển: Bí ẩn những vụ mất tích mang “mật danh 411”

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 5, 21/05/2020 20:00

Thế giới tự nhiên là một kho tàng quý giá mà con người khao khát khám phá. Nhưng, bên dưới vẻ đẹp của nó ẩn chứa những hiểm họa nguyên thủy đối với những ai mạo phạm quá sâu. Nhiều năm trở lại đây đã có hàng ngàn người biến mất một cách kỳ quái khi tiến vào nơi hoang dã. Người ta gọi đó là các vụ mất tích 411.

Hồ sơ - Giải mật những vụ án kinh điển: Bí ẩn những vụ mất tích mang “mật danh 411”

Các vụ mất tích 411 đã được ghi nhận nhiều ở Mỹ.

Mất tích 411 là gì?

Mất tích 411 là kiểu phân loại dựa trên một số tiêu chí về mất tích như sau: Thứ nhất, vụ mất tích xảy ra ở các nơi tự nhiên như công viên quốc gia, khu vực hoang vu hoặc một khu đất rộng lớn. Thứ hai là nạn nhân mất tích theo cách bất thường, không có manh mối. Thứ ba là loại bỏ các trường hợp bệnh tâm thần hay chủ ý biến mất là nguyên nhân.

Cuộc điều tra của David Paulides: Đi tìm lời giải

Mất tích là hiện tượng xảy ra thường xuyên ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Nhưng, không phải ai cũng biết số người mất tích mỗi năm không phải chỉ có vài chục người mà là một con số rất khổng lồ. Trên thực tế, ở Mỹ, mỗi năm ghi nhận có đến 600.000 người mất tích vì nhiều lý do khác nhau. Trong đó, các trường hợp mất tích 411 đã nhận được nhiều sự chú ý.

David Paulides, một điều tra viên dành 20 năm theo dõi các vụ mất tích 411 đã phát hiện những đặc điểm khá bất thường. Theo đó, phần lớn những vụ mất tích này thường xảy ra ngay ở các khu vực chính ngạch, quang đãng, có nhiều người qua lại, thay vì ở những khu vực heo hút chưa ai biết đến. Ngoài ra, nạn nhân thường là những người đi phượt, thợ săn, người đi bộ vãn cảnh, vốn rất am hiểu khu vực mà họ đến.

Đáng chú ý hơn, các vụ mất tích 411 thường tập trung ở một số khu vực hay địa hình nhất định, mà một trong những địa điểm nổi bật nhất là công viên Quốc gia Yosemite ở California, Mỹ.

Công viên Yosemite: Không danh tính, không dấu vết

Vụ mất tích đầu tiên được ghi nhận ở công viên Quốc gia Yosemite là vào năm 1981. Nạn nhân là Stacey Arras, một cô gái 14 tuổi. Ngày hôm đó, Arras cùng với cha mình và một số người bạn cưỡi ngựa đi chơi trong công viên. Không may, chuyến du ngoạn thú vị nơi vùng hoang dã tuyệt đẹp đã trở thành cơn ác mộng đối với gia đình Arras.

Sau quãng đường dài, đoàn người đến trại Sunrise High Sierra để nghỉ ngơi, Stacey xuống ngựa và quyết định đi dạo. Cô gái trẻ đã rủ cha mình và một người khác đi cùng nhưng họ từ chối. Vì vậy, Arras quyết định đi một mình xuống một hồ nước gần đó để chụp một số bức ảnh. Hồ nước có thể được nhìn thấy ở trên cao và nơi đây cũng không có bất kỳ thú săn mồi nào. Vì vậy, cha của Stacey hoàn toàn yên tâm để con gái đi lại tự do. Tuy nhiên, chỉ trong vài cái chớp mắt, Stacey Arras đã biến mất vào thinh không.

Ngay lập tức, một cuộc tìm kiếm toàn khu vực kéo dài 9 ngày diễn ra, với sự tham gia của hơn một trăm người, huy động cả chó đánh hơi và máy bay trực thăng. Nhưng, cuối cùng, thứ duy nhất mà họ tìm thấy chỉ là chiếc nắp ống kính máy ảnh của cô bé.

Từ vụ mất tích của Stacey Arras, người ta bắt đầu nhớ lại một sự việc kỳ lạ cách đó nhiều năm. Đầu tháng 8/1968, thi thể của một người đàn ông bí ẩn được phát hiện ở một hẻm núi ngay gần khu vực trại Sunrise High Sierra và hồ nước nơi Stacey Arras biến mất. Người đàn ông này chưa bao giờ được xác định danh tính cũng như giám định pháp y không thể xác định nguyên nhân cái chết. Đáng ngạc nhiên hơn khi dấu hiệu chấn thương trên thi thể cho thấy người đàn ông này dường như không phải chết do rơi xuống hẻm núi.

Đến năm 1976, cách hẻm núi nơi xác chết người đàn ông bí ẩn nói trên được phát hiện khoảng 2km, một nạn nhân khác có tên Jeff Estes, 25 tuổi cũng biến mất. Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm của cơ quan điều tra, cũng không có bất kỳ một manh mối khả dĩ nào.

Những trường hợp này minh chứng cho sự bất thường của các vụ mất tích 411 thường xảy ra ở một địa điểm cụ thể. Điều này khiến nhiều người cho rằng sự mất tích kỳ lạ của các nạn nhân có mối tương quan về địa lý.

Đường mòn “Đầu rùa”: Sự trở lại của “xác chết”?

Hồ sơ - Giải mật những vụ án kinh điển: Bí ẩn những vụ mất tích mang “mật danh 411” (Hình 2).

Nạn nhân thường là người rất am hiểu địa hình khu vực.

Trong một trường hợp khác, người ta nói đến trường hợp mất tích kỳ lạ đến mức cảnh sát đã xới tung khu vực mà không thấy gì, nhưng sau đó lại tìm thấy thi thể ở gần ngay trước mắt.

Ronald Kirk là một cựu lính thủy đánh bộ Mỹ, người nắm rõ khu vực đồi đá Red Rock Canyon Calico Basin ở bang Nevada như lòng bàn tay. Kirk là người rất ưa thích các hoạt động ngoài trời và thường lui tới khu vực này. Do đó, bạn bè của Kirk thường không quan tâm mỗi khi anh có ý định đến đây du ngoạn. Tuy nhiên, những người bạn của Kirk đã mất anh mãi mãi vào một ngày tháng 1/2012.

Sau vài tháng tìm kiếm trong vô vọng, thi thể Kirk bất ngờ xuất hiện ở ngay gần trung tâm khu vực, nơi không hề hiểm trở đến mức khó tiếp cận. Trên thực tế, Kirk chỉ nằm cách con đường mòn “Đầu rùa” nổi tiếng chưa đầy 200m. Nhà chức trách biện minh cho việc chậm phát hiện ra Kirk là vì thi thể anh bị lẫn vào đất đá. Đó dường như là một lời giải thích khá khó tin. Ngoài ra, nguyên nhân cái chết không được xác định và việc gia đình không yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ vụ việc cũng được coi là điều kỳ lạ. Không những vậy, khi đề nghị được tiếp cận các tài liệu liên quan đến các vụ mất tích nói trên, điều tra viên David Paulides chỉ nhận được cái lắc đầu từ chối.

Thuyết âm mưu

Cũng giống như bao sự việc bí ẩn khác, các vụ mất tích 411 cũng được quy cho các hiện tượng siêu nhiên, bao gồm cả sự xuất hiện của sinh vật truyền thuyết như Bigfoot (Người rừng). Thú vị hơn, đã có nhiều báo cáo về việc UFO xuất hiện ngay tại các khu vực này, đôi khi còn trùng khớp cả khoảng thời gian mà ai đó mất tích.

Một số quan điểm thì cho rằng, có một kẻ giết người hàng loạt hoặc giáo phái huyền bí săn lùng con người tọa lạc trên đỉnh núi. Một số suy đoán thì coi đây có thể là một phần của một số nghi lễ đen tối. Việc cơ quan điều tra không làm sáng tỏ nguyên nhân các trường hợp biến mất cũng khiến nhiều người tin rằng nó có liên quan đến một chương trình mờ ám của Chính phủ.

Nhà điều tra Paulides cũng phát hiện một số trường hợp mất tích không được tiến hành bởi lực lượng cảnh sát thông thường mà huy động cả các lực lượng liên bang để thực hiện các cuộc điều tra riêng biệt. Ví dụ, vào năm 2013, cả FBI và Vệ binh Quốc gia Mỹ đã cùng tham gia tìm kiếm một đứa trẻ mất tích. Đáng chú ý khi cả hai lực lượng không kết hợp với nhau mà tiến hành hoạt động riêng.

Các tài liệu của David Paulides cũng lưu ý rằng nhiều trường hợp mất tích xảy ra ở khu vực có nước và đá granit. Tiêu biểu như trong trường hợp của Stacey Arras, cô đến gần một hồ nước và khu vực xung quanh được rải đầy những tảng đá granit lớn.

Những trường hợp kể trên mới chỉ là phần nổi của tảng băng liên quan đến các vụ mất tích 411. Một thực tế đáng buồn là ngày càng có nhiều vụ mất tích bí ẩn như vậy trong môi trường tự nhiên. Mặc dù Paulides không thể giải mã được những bí ẩn này, nhưng các tài liệu mà ông tổng hợp lại được kỳ vọng sẽ trở thành cơ sở để một ngày nào đó bài toán hóc búa được làm sáng tỏ.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.