Vào đầu những năm 1980, Nhật Bản được biết đến là một quốc gia yên bình, với tỉ lệ tội phạm ở mức thấp. Các vụ án giết người luôn có tỉ lệ phá án lên đến 96%. Chính vì vậy, hệ thống thi hành luật pháp của quốc gia này đã để lộ rất nhiều sơ hở. Bởi giết người là điều rất hiếm, các quy định trong luật pháp Nhật Bản về tội danh này cũng có sự khoan hồng đến lạ kỳ.
Theo đó, thời điểm này Nhật Bản quy định một vụ án giết người chỉ có hiệu lực điều tra trong vòng 15 năm, nghĩa là nếu vụ giết người đó được thực hiện hơn 15 năm trước, các công tố viên không thể buộc tội thủ phạm. Nói cách khác, một người có thể tùy ý giết hại bất kỳ ai, miễn là đừng để bị bắt trong một thập kỷ rưỡi tới, sau đó họ sẽ trở thành người vô tội.
Năm 1997, cảnh sát tỉnh Fukui thẩm vấn một người phụ nữ nghi vấn tại một nhà hàng. Người này sau đó được xác nhận là Kazuko Fukuda – một tội phạm giết người bị truy nã trên toàn quốc. Nữ quái bị truy tố vào thời điểm chỉ 11 tiếng trước khi hiệu lực vụ án 15 năm kết thúc. Từ đó, câu chuyện ly kỳ về khoảng thời gian lẩn tránh tội ác bằng cách sử dụng bí danh và phẫu thuật thẩm mỹ của Fukuda đã trở thành chủ đề tốn nhiều giấy mực của truyền thông.
Từ bỏ nhân dạng và chạy trốn
Năm 1982, Fukuda khi đó 34 tuổi, đã kết hôn và có bốn đứa con. Cô làm tiếp viên tại một quán rượu ở thành phố Matsuyama, tỉnh Ehime. Ngày 19/8 năm đó, Fukuda siết cổ nữ tiếp viên đồng nghiệp Atsuko Yasuoka, 31 tuổi, tại nơi ở của nạn nhân. Sau khi gây án, Fukuda đã lấy đi tiền mặt và hơn 300 món đồ trị giá tổng cộng khoảng 9,5 triệu yên.
Cảnh sát tin rằng động cơ phạm tội của Fukuda là để trả nợ cho các khoản vay chồng chất. Fukuda đã nỗ lực suốt 14 năm và 11 tháng sau đó để chạy trốn sự trừng phạt của công lý. Theo lời khai, lúc đầu người chồng đã khuyên Fukuda nên đầu thú, nhưng người phụ nữ này đã từ chối. Thay vào đó, Fukuda nhờ chồng giúp đỡ chôn cất thi thể của Yasuoka trên ngọn núi ở Matsuyama. Sau đó, cô ở lại thành phố và sống với nhân tình.
Tuy nhiên, khi biết được các nhà điều tra chuẩn bị tìm đến mình, Fukuda đã bỏ trốn với khoảng 600.000 yên tiền mặt lấy từ nạn nhân. Trong khi đó, chồng Fukuda cũng bị bắt vì tội giấu xác. Fukuda ban đầu cảm thấy khó khăn khi tìm một công việc tiếp rượu do tuổi tác khá cao. Tuy nhiên, cuối cùng nữ quái cũng tìm được một công việc tại một câu lạc bộ ở thành phố Kanazawa, tỉnh Ishikawa - cách nơi ở khoảng 620km. Hai ngày sau, Fukuda trải qua ca phẫu thuật thẩm mỹ đầu tiên để thay đổi diện mạo, mũi và mắt tại một bệnh viện ở Tokyo.
Tỏ ra là một kẻ lão luyện, Fukuda không ở nơi đâu cố định mà liên tục di chuyển từ nơi này sang nơi khác và luôn đi trước cảnh sát một bước. Ít nhất, Fukuda đã có 7 nhân dạng khác nhau trong suốt những năm tháng ròng rã lẩn trốn. Khi làm việc tại câu lạc bộ ở Kanazawa vào khoảng tháng 9/1985, Fukuda bắt đầu sống chung với một khách hàng nam sở hữu một cửa hàng bánh kẹo lâu năm.
Cuộc sống bình yên cứ thế trôi qua, nhưng Fukuda bắt đầu cảm thấy chán ngán cuộc sống trốn chui trốn lủi của một kẻ tứ cố vô thân. Người phụ nữ này bèn liên lạc với người con trai Toshiyuki, 18 tuổi, đồng thời gọi đến Kanazawa vào khoảng năm 1986 để làm việc cùng mình tại cửa hàng bánh kẹo.
Mặc dù được chủ tiệm bánh kẹo cầu hôn, Fukuda không chấp nhận ngay lập tức, vì sợ quá khứ sẽ bị lộ. Vào thời điểm này, Fukuda đã bị đưa vào danh sách truy nã toàn quốc, với hình ảnh xuất hiện nhan nhản khắp mọi nơi. Sau khi xem tấm áp phích truy nã, một người họ hàng của chủ tiệm bánh kẹo đã bày tỏ sự nghi ngờ về nhận dạng của Fukuda với cảnh sát.
Sự việc gần vỡ lở, Fukuda lập tức đạp xe chạy trốn vào ngày 12/2/1988, đến Nagoya – cách đó khoảng 235 km - nơi cô ta trở thành nhân viên tại một “khách sạn tình yêu”. Sau đó, Fukuda liên tục phiêu bạt sang nhiều khách sạn khác vì nhiều lý do, từ bị đồng nghiệp nghi ngờ cho đến chủ cơ sở yêu cầu in vân tay và chụp ảnh. Thậm chí Fukuda còn từng làm cho một nhà thổ ở Osaka. Sau chuỗi ngày lang thang, vào ngày 13/5/1988, Fukuda rời Nagoya đến thành phố Fukui, một lần nữa tìm công việc tiếp rượu năm xưa.
Trong khoảng thời gian này, sở cảnh sát Matsuyama-Higashi, nơi đang thụ lý vụ án, bắt đầu lo lắng về việc vụ án sắp hết hiệu lực 15 năm. Khi còn một năm cuối cùng, cảnh sát đã trao phần thưởng trị giá 1 triệu yên cho bất kỳ thông tin nào có thể bắt giữ Fukuda - một quyết định chưa từng có ở Nhật Bản trước đây.
Và quyết định sửa luật
Theo tờ Fukui Shimbun, bước ngoặt vụ án xảy ra vào ngày 24/7/1997, khi một khách hàng nam tại nhà hàng ở thành phố Fukui bất ngờ báo tin với cảnh sát. Người này cho biết, có một người phụ nữ thường xuyên ghé thăm nhà hàng rất giống với đối tượng truy nã Kazuko Fukuda.
Vào thời điểm đó, Fukuda đang sử dụng bí danh là Yukiko Nakamura. Vào khoảng 14h giờ chiều ngày 29/7, cảnh sát đến trước mặt Fukuda ngay khi nữ sát nhân ghé thăm nhà hàng. Trong cuộc thẩm vấn, Fukuda liên tục uống rượu và từ chối lấy dấu vân tay. Tuy nhiên, cảnh sát đã sử dụng chai bia mà Fukuda từng cầm qua để xác nhận dấu vân tay. Khi tất cả đã trùng khớp, vụ bắt giữ Fukuda được tiến hành vào khoảng 18h40. Nữ quái sau cùng cũng đã thừa nhận tội ác.
Vào tháng 5/1999, Tòa án quận Takamatsu đề nghị một bản án chung thân cho Fukuda. Phán quyết đã được Tòa án tối cao Takamatsu giữ nguyên vào năm sau. Trong phiên tòa đầu tiên, luật sư bào chữa cho rằng tội ác của Fukuda chỉ là vô tình chứ không phải lên kế hoạch ngay từ đầu, nhưng thừa nhận ý định cướp tiền bạc của nạn nhân.
Trong đơn kháng cáo, luật sư cũng tìm kiếm sự khoan hồng cho nữ quái, khi cho rằng Fukuda giết Yasuoka do cảm xúc đồng tính nữ bộc phát. Nhưng, chủ tọa Toshio Shima đã bác bỏ lập luận này. Ông cho rằng phản ứng đó không tự nhiên và không có bằng chứng nào chứng minh điều đó. Tòa án Tối cao đã bác bỏ mọi đơn kháng cáo của nữ sát nhân.
Câu chuyện về “Người phụ nữ 7 khuôn mặt” Fukuda đã trở thành đề tài thu hút công chúng vào thời điểm đó. Ước tính 1.900 người đã xếp hàng ngồi chờ được theo dõi phiên tòa đầu tiên.
Fukuda qua đời tại nhà tù Wakayama vào tháng 3/2005, do xuất huyết não, hưởng thọ 57 tuổi. Vì có nhiều trường hợp kẻ sát nhân gây án và lẩn trốn qua thời gian điều tra rồi lại nhởn nhơ sống tiếp cuộc đời tự do mà không bị trừng trị, năm 2010, Nhật Bản đã sửa đổi luật Tố tụng Hình sự để bãi bỏ quy định thời gian hiệu lực 15 năm của mỗi vụ án.