Sáng 5/8, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2024; phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG).
Trong đó, Bộ trưởng cho biết, kinh tế nước ta 7 tháng đã phục hồi tương đối rõ nét trên các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả quan trọng, được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đánh giá cao. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát; bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài được kiểm soát.
Tuy nhiên, khó khăn, thách thức trong thời gian tới còn rất lớn; các động lực tăng trưởng chưa có sự bứt tốc rõ nét.
Bộ trưởng đề nghị các cấp, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, phát huy hơn nữa tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, sự chủ động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để giữ vững đà phục hồi của nền kinh tế.
"Phấn đấu tăng trưởng quý III đạt kịch bản 6,5-7,4%, tạo bản lề để hoàn thành đạt và vượt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024", Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư phát biểu.
Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến ngày 31/7/2024, các bộ, cơ quan và địa phương đã phân bổ chi tiết 642.700 tỷ đồng, đạt 96% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Số vốn chưa phân bổ chi tiết là 26.500 tỷ đồng, bao gồm: vốn ngân sách Trung ương là 6.100 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương là 20.400 tỷ đồng.
Ước thanh toán đến 31/7/2024 là khoảng 232.100 tỷ đồng, đạt 34,68% kế hoạch (cùng kỳ năm 2023 đạt 37,85%). Có 33 bộ, cơ quan trung ương và 25 địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp hơn trung bình của cả nước.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong tháng 8 và quý III/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng xin ý kiến Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương về phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công.
Trong đó, lấy dự án 500 kV mạch 3 làm hình mẫu điển hình về chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thực hiện "5 quyết tâm", "5 đảm bảo" để đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn năm 2024, nhất là đối với các địa phương được giao vốn Kế hoạch đầu tư công lớn như Tp.HCM, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bắc Ninh... và 33 bộ, 25 địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp hơn cả nước.
Triển khai hiệu quả hoạt động của 06 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; 26 đoàn của thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương.
Chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát, bảo đảm cân đối đủ nguồn vốn ngân sách Trung ương để hoàn thành Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, định hướng lớn trong xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2024.
Chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất khả năng cân đối ngân sách Nhà nước cho giai đoạn 2026-2030 để làm cơ sở xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.