Ba nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học Mỹ đã được trao giải Nobel Kinh tế năm 2021 vì đã sử dụng các thí nghiệm tự nhiên để nghiên cứu tác động của chính sách kinh tế và các vấn đề xã hội khác.
Theo nobelprize.org, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã quyết định trao giải Nobel Kinh tế năm nay cho 3 nhà nghiên cứu, với 1/2 giải thuộc về ông David Card (Đại học California, Berkeley) vì những đóng góp thực tế của ông đối với chuyên ngành kinh tế học lao động. Và 1/2 giải còn lại là phần thưởng chung của 2 chuyên gia kinh tế Joshua D. Angrist (Học viện Công nghệ Massachusetts, Cambridge) và Guido W. Imbens (Đại học Stanford) vì những đóng góp về phương pháp luận của họ trong việc phân tích các mối quan hệ nhân quả.
Ủy ban Giải thưởng Khoa học Kinh tế cho biết, David Card, Joshua Angrist và Guido Imbens đã "hoàn toàn định hình lại việc thực nghiệm trong khoa học kinh tế", theo AP.
Giải thưởng một phần vinh danh nghiên cứu của Card về thị trường lao động cùng với Alan Krueger, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế dưới thời cựu Tổng thống Obama, người đã qua đời vào năm 2019.
Các thí nghiệm tự nhiên sử dụng các tình huống thực tế để nghiên cứu các tác động kinh tế của các quyết định chính sách.
Trong một bài báo có ảnh hưởng, Card và Krueger đã nghiên cứu các nhà hàng thức ăn nhanh dọc theo ranh giới bang New Jersey và Pennsylvania, và nhận thấy rằng việc tăng lương tối thiểu gần đây ở một bang không ảnh hưởng đến việc làm.
Card cũng nghiên cứu tính kinh tế của vấn đề nhập cư và thách thức niềm tin rằng người di cư làm giảm mức lương của công nhân cổ cồn.
Angrist và Imbens đã được vinh danh vì công trình của họ chứng minh "cách các kết luận chính xác về nguyên nhân và kết quả có thể được rút ra từ các thí nghiệm tự nhiên".
“Các nghiên cứu của Card về các vấn đề cốt lõi đối với xã hội, và những đóng góp về phương pháp luận của Angrist và Imbens, đã chỉ ra rằng các thí nghiệm tự nhiên là một nguồn kiến thức phong phú”, Peter Fredriksson, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Khoa học Kinh tế, cho biết.
“Nghiên cứu của họ đã cải thiện đáng kể khả năng của chúng ta trong việc trả lời các câu hỏi quan trọng về nhân quả, mang lại lợi ích to lớn cho xã hội”.