Ủy ban Nobel Văn học ca ngợi Mạc Ngôn (Mo Yan) là tác giả "kết hợp được chủ nghĩa hiện thực huyền ảo với truyện kể dân gian, lịch sử và cuộc sống đương đại" trong các trang văn của mình.
Mạc Ngôn là tác giả của hàng loạt tiểu thuyết đồ sộ, chứa đựng tư tưởng lớn và có tầm ảnh hưởng rộng rãi đến Trung Quốc và cả thế giới như: Báu vật của đời, Cao lương đỏ, Đàn hương hình, Củ tỏi nổi giận, Rừng xanh lá đỏ... Sáng tác của Mạc Ngôn không chỉ được dịch và xuất bản nhiều thứ tiếng mà còn được chuyển thể thành các bộ phim gây tiếng vang trên thế giới.
Mạc Ngôn cũng được dự đoán là một trong những ứng viên sáng giá, cạnh các tác giả châu Á khác như Haruki Murakami (Nhật Bản), Ko Un (Hàn Quốc). Mạc Ngôn (sinh ngày 17/2/1955) là bút danh của nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Quản Mạc Nghiệp (Guan Moye). Ông được đánh giá là “một trong những nhà văn nổi tiếng, có ảnh hưởng sâu rộng tới tất cả nhà văn Trung Quốc”. Ông cũng được so sánh với những văn hào như Franz Kafka hay Joseph Heller.
Mạc Ngôn sinh tại thành phố Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc trong một gia đình nông dân. Thời kỳ Cách mạng văn hóa, ông làm việc trong một nhà máy sản xuất dầu. Mạc Ngôn tham gia quân đội ở tuổi 20 và bắt đầu viết khi ở trong quân ngũ vào năm 1981. Ba năm sau đó, Mạc Ngôn trở thành giảng viên Khoa Văn học của Học viện Văn hóa Quân đội.
Bút danh của Mạc Ngôn trong tiếng Trung Quốc có nghĩa là “không nói” được ông lấy khi viết cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình. Ông chọn bút hiệu này để nhắc nhở bản thân mình kiệm lời.
Các tác phẩm của Mạc Ngôn thường chứa đựng những bình luận xã hội, được cho là chịu ảnh hưởng mạnh mẽ quan điểm chính trị của Lỗ Tấn và chủ nghĩa hiện thực huyền ảo của Gabriel Garcia Marquez. Những câu chuyện thường có bối cảnh gần quê hương ông, thành phố Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
Mạc Ngôn là tác giả khá gần gũi với độc giả Việt Nam.
Thu Huyền