Giải Nobel y sinh 2012: "Đêm trước" đầy gian nan của kỳ công vĩ đại

Giải Nobel y sinh 2012: "Đêm trước" đầy gian nan của kỳ công vĩ đại

Thứ 5, 27/12/2012 23:42

Giải Nobel Y Sinh 2012 sẽ thay đổi vĩnh viễn tương lai nhân loại Công trình nghiên cứu về tế bào gốc đã giúp hai nhà khoa học John Gurdon và Shinya Yamanaka đoạt được giải thưởng khoa học danh giá Nobel Y Sinh 2012.

Con người cần tế bào gốc

Khái niệm tế bào gốc (TBG) vốn không phải là mới. Nó đã được đề cập đến từ cách nay cả thập kỷ. Các công trình nghiên cứu về TBG cũng khá nhiều. Nhưng phải đến công trình của John Gurdon và Yamanaka, TBG mới chính thức mở ra một kỷ nguyên mới cho loài người trong việc làm chủ cơ thể mình. Thật không quá lời khi nhiều tờ báo lớn của Thụy Điển đã gọi hai tác giả của công trình là những thiên tài.

"Tế bào gốc" là tên gọi chung của ba loại TBG khác nhau: Tế bào gốc toàn năng, tế bào gốc đa năng và tế bào gốc bội năng. Sự phát triển của con người khởi đầu bằng chỉ một tế bào, đó chính là tế bào gốc toàn năng. Nó được tạo ra khi một tinh trùng thụ tinh cho một trứng. Tế bào đơn này có tiềm năng hình thành nên một cơ thể sống hoàn chỉnh.

Xã hội - Giải Nobel y sinh 2012: 'Đêm trước' đầy gian nan của kỳ công vĩ đại

John Gurdon (phải) và Shinya Yamanaka (trái) - Tre già, măng mọc...

Sau khi được tạo ra, TBG toàn năng liên tục phân chia thành các tế bào khác, gọi là các TBG đa năng, vì chúng có thể hình thành nên nhiều loại tế bào khác nhau của cơ thể. Các TBG đa năng tiếp tục chuyên dụng hóa thành các TBG chịu trách nhiệm tạo nên các tế bào có những chức năng đặc biệt. Chẳng hạn như TBG tạo huyết sẽ sản sinh ra hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu; các TBG da sẽ tạo nên các loại da khác nhau. Các TBG được chuyên dụng hóa này gọi là các TBG bội năng.

Như vậy, TBG toàn năng sinh ra TBG đa năng, TBG đa năng lại sinh ra TBG bội năng. TBG bội năng sẽ hình thành nên các bộ phận của cơ thể con người. Trong ba loại TBG này, TBG bội năng dễ được phân lập từ tế bào trưởng thành của các bộ phận cơ thể nhất. Việc sử dụng TBG bội năng trong điều trị bệnh đã được nghiên cứu và áp dụng khá rộng rãi ở các lĩnh vực như: Điều trị ung thư não, võng mạc, buồng trứng, ung thư tinh hoàn; các chứng bệnh tự miễn như thấp khớp; thiếu hụt miễn dịch, bệnh ống thận bẩm sinh...

Thế nhưng, phương pháp chữa trị sử dụng TBG bội năng này cũng gặp một số hạn chế đáng kể. Không phải mọi loại tế bào của cơ thể người trưởng thành đều có thể cho phép phân lập thành TBG bội năng. Sau nhiều năm cố gắng, chưa nhà khoa học nào phân lập được TBG bội năng của cơ tim và tiểu đảo tụy tạng. Hơn nữa, số lượng TBG bội năng còn lại trong cơ thể người trưởng thành rất ít nên rất khó phân lập chúng. Theo tuổi tác, số lượng này càng giảm xuống khiến cơ hội chữa trị cho các bệnh nhân từ trung niên trở lên là cực nhỏ.

Rào cản tưởng chừng không vượt nổi

Do những hạn chế của tế bào bội năng, các nhà nghiên cứu tập trung vào TBG đa năng và TBG toàn năng. TBG đa năng có thể được thu thập từ cuống rốn trẻ sơ sinh, bào thai, còn TBG toàn năng có thể được tạo ra trong phòng thí nghiệm bằng cách tạo ra phôi người (trứng đã được thụ tinh). Về mặt kỹ thuật, điều này không có gì khó khăn. Khúc mắc nằm ở chỗ, những quan niệm của xã hội về các TBG này mới là rào cản khiến các nhà khoa học đau đầu.

Cứ mỗi TBG toàn năng được lấy ra từ túi phôi (gồm khoảng 100 TBG toàn năng) thì phôi đó sẽ bị tiêu hủy do không còn giá trị. Vấn đề đạo đức và pháp lý của hành động này được đặt ra. Những người theo đạo Thiên chúa giáo phản ứng dữ dội việc tiêu hủy phôi người. Giáo hội Công giáo tuyên bố không phản đối khoa học, nhưng coi việc nghiên cứu trên TBG là hành vi tội lỗi nhân danh khoa học. Chính cố Giáo hoàng John Paul II cũng cho rằng đây là một hành động giết người vì theo ông, các phôi dù được nuôi cấy từ ống nghiệm cũng là mầm sống của một con người. Quan điểm này bắt nguồn từ niềm tin của Kitô giáo rằng sự sống của con người khởi đầu từ lúc trứng được thụ tinh.

Phản ứng chính trị giữa các quốc gia về TBG cũng rất khác nhau. Ở châu Âu, các nước như Áo, Thụy Sĩ và Na Uy không có đạo luật nào ngăn cấm nghiên cứu hay sử dụng TBG. Anh, Thụy Điển và Đức thì cho phép sử dụng TBG. Australia thì vẫn đang bàn cãi gay gắt còn Canada tỏ ra dè dặt về vấn đề này. Quebec cho phép dùng TBG trong một số lĩnh vực nhất định, nhưng lại cấm dùng phôi người để nghiên cứu. Ở Nhật Bản, phôi TBG có thể được cho phép tạo ra từ các ca thụ tinh nhân tạo.

Mỹ, quốc gia luôn tự hào là cường quốc nghiên cứu khoa học cũng không thoát khỏi những định kiến về y đức và tôn giáo. Ngày 19/7/2006, Tổng thống G.Bush đã phủ quyết một dự luật cho phép tiếp tục nghiên cứu các đường dây tế bào gốc trên phôi bào, vốn đã được cả Thượng viện và Hạ viện nước này thông qua. Ông cho rằng dự luật đã vượt quá ranh giới đạo đức mà một xã hội lành mạnh phải tôn trọng. Quyết định này của ông nhận được cả sự ủng hộ và phản đối của người Mỹ. Tháng Giêng năm 2009, không lâu sau khi đắc cử, tân Tổng thống Barack Obama đã hủy bỏ lệnh cấm tài trợ cho nghiên cứu tế bào gốc và ủng hộ nghiên cứu phôi bào. Ông ủng hộ quan điểm cho rằng, phôi bào chỉ một nhóm tế bào. Nó không phải là người vì nó chưa có hệ thần kinh.

Ứng dụng công nghệ tế bào gốc tại Việt Nam

Giống như đại đa số các nước phát triển khác trên thế giới, tại Việt Nam, các ngân hàng TBG vẫn chủ yếu lấy từ dây cuống rốn. Hiện tại, có 3 ngân hàng TBG là Mekostem (thành lập 2009), BV Trung ương Nhi (2011) và Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương (2012). Hiện, Việt Nam đang tập trung điều trị bệnh bằng tế bào gốc trên 4 lĩnh vực là: Suy tủy, ung thư máu; bệnh ly thượng bì bọng nước (epidermolysis bullosa); đa u tủy và các bệnh liên quan đến xương, khớp. Đã có nhiều bệnh nhân được chữa trị thành công, trong đó nhiều nhất là nhóm bệnh nhân ung thư máu (khoảng 40 người).

Một số nghiên cứu về TBG đang được triển khai như tách TBG từ màng dây rốn; TBG biệt hóa thành tế bào cơ tim; TBG điều trị bệnh đái tháo đường; TBG nuôi thành tế bào gan; TBG tái tạo da (điều trị bỏng) và tái tạo răng, giác mạc.

Việc sử dụng TBG trong thẩm mỹ tại Việt Nam cũng đang được chú trọng nhiều như làm trẻ hóa da, làm liền sẹo (đặc biệt sẹo lõm; kem dưỡng da và thực phẩm chức năng làm đẹp sản xuất từ tế bào gốc; răng thẩm mỹ từ tế bào gốc tủy răng. Điều đáng nói là, trong khi các nghiên cứu của các nhà khoa học còn đang trong quá trình thử nghiệm thì ngoài thị trường, các sản phẩm mỹ phẩm làm đẹp bằng TBG đã được rao bán nhan nhản. Chúng được tâng bốc như những thần dược cải lão hoàn đồng, giúp làm căng da, mịn da, trắng da... với các giải thích về nguyên lý phát huy tác dụng khác nhau nhưng đều rất phi khoa học về TBG.

Hành lang pháp lý cho việc nghiên cứu, ứng dụng TBG của Việt Nam hiện cũng chưa thật đầy đủ mặc dù đây không phải là vấn đề quá mới mẻ. Ngay từ năm 1997, khi con cừu Dolly ra đời bằng phương pháp nhân bản vô tính, một thành tựu thừa hưởng từ nghiên cứu TBG, tại Việt Nam đã có những ý kiến yêu cầu xem xét đến tính pháp lý của các lĩnh vực này. Tuy nhiên, hiện các văn bản pháp quy của Việt Nam về TBG vẫn còn thiếu và chưa tập trung. Thiết nghĩ đã đến lúc các cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh chóng ban hành các quy định cụ thể, để Việt Nam không bị tụt hậu so với thế giới trong lĩnh vực đầy tiềm năng này. Đồng thời, kịp thời ngăn chặn các sản phẩm ăn theo không có cơ sở khoa học để bảo vệ sức khỏe người dân.

(còn tiếp)

Thanh Tùng

Kỳ tới: Phép màu kỳ diệu chấm dứt những tranh cãi bất tận


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.