Vừa rồi, chuyên mục Đa chiều có bài viết “Chỉ những kẻ lười biếng mới ngủ trưa!”, khiến cho một tín đồ “không ngủ trưa – không thể làm việc” như tôi cảm thấy không thể ngồi yên.
Bởi vì cái tít mang đậm sự quy chụp ấy dễ gây… bức xúc quá, nhất là khi chuyên mục này cũng vừa có bài “Tôi thấy tít sai trên các báo”. Nếu chỉ vì cái tít ấy, mà tôi bị quy thành kẻ lười biếng, thì quả là bất công cho bao nhiêu ngày lao động việc công việc tư miệt mài của bản thân…
Vẫn biết trong bài, tác giả đã đưa ra một vài dẫn chứng để so sánh mức độ “giàu – nghèo” của những nơi khác biệt về thói quen ngủ trưa, nhưng nếu chỉ dựa vào những ví dụ thiếu cơ sở khoa học như vậy để kết luận một điều rất… hệ trọng về sự lười biếng, thì chắc chắn còn thiếu sót.
Thứ nhất, cần phải coi ngủ trưa là một thói quen tùy vào mỗi cá nhân. Mà thói quen này khó có thể đánh giá là tốt hay xấu. Nếu chỉ ngủ đủ trong khoảng thời gian được nghỉ trưa, không “lạm” vào giờ làm việc, giúp não bộ nghỉ ngơi và minh mẫn trong giờ làm việc buổi chiều, thì tại sao lại coi nó là xấu?
Thứ hai, dường như tác giả “chê” ngủ trưa đã cố tình không đi sâu vào cách đánh giá khoa học, mà chỉ viện dẫn những điều rất… bên lề. Bởi để đánh giá chuẩn xác về hiệu quả công việc của mỗi cá nhân, có rất nhiều cách dễ làm, chẳng hạn như thống kê biểu làm việc mỗi ngày để xem năng suất/hiệu quả công việc.
Những kiểu thống kê này rất dễ tìm thấy trong các hướng dẫn có tính khoa học về đánh giá công việc từ các nguồn nước ngoài.
Cùng một khoảng thời gian, nếu một cá nhân làm được nhiều việc hơn, chất lượng và sản lượng công việc quy ra giá trị đồng tiền tốt hơn, thì cá nhân đó có ngủ trưa, chắc chắn vẫn… hiệu quả hơn những người chong mắt thức xuyên nhưng chỉ làm việc hời hợt kiểu “vừa làm vừa chơi”.
Bởi thế, việc viện dẫn các “tấm gương” ít ngủ mà thành công cũng là không công bằng, bởi tôi cũng biết rất nhiều người thành đạt có thói quen ngủ trưa. Hơn nữa, những “tấm gương” kia có thể thành công, không ngủ trưa, nhưng liệu… họ có khỏe? Mọi thứ hoàn hảo trong một cơ thể mệt mỏi, rệu rã hay bệnh tật thì rõ là vẫn còn nhược điểm!
Điều cốt yếu mà có lẽ tác giả “Chỉ những kẻ lười biếng mới ngủ trưa!” muốn nhắn nhủ, là hiệu quả công việc – có lẽ đã bị nhấn nhầm chỗ!
Đúng là để xã hội phát triển, mỗi cá nhân cần phải tự ý thức về công việc của mình, song vấn đề là ở thái độ làm việc, tinh thần làm việc và tham vọng thành công của mỗi người.
Bởi thế, tôi tin rằng một người có thể chỉ cần làm việc 4 tiếng mỗi ngày nếu như đó là 4 tiếng “cày ải” thực sự, 4 tiếng của sự nỗ lực, sáng tạo và vận động trí lực không ngừng, thay vì “ngồi đồng” 10 – 12 tiếng xuyên trưa mà hiệu quả chỉ làng nhàng bằng một phần nhỏ của người làm 4 tiếng.
Đó mới là cốt lõi của vấn đề!
Thành ra, câu chuyện “ngủ trưa – lười biếng hay không” rất giống với tích truyện về Tôn Kính đời Hán, người Tín Đô bên Trung Quốc. Người này sợ ngủ quên không học được bài nên đã túm tóc buộc lên xà nhà, hễ ngủ gật sẽ bị thúc dậy. Nhưng cách làm ấy với nhiều người khác chỉ mang tính hành hạ bản thân mà thôi, bởi học trong lúc não bộ mệt mỏi, thì càng tệ hại hơn nhiều.
Điều mà chúng ta hướng đến, là xây dựng một cuộc sống vừa thành công trong sự nghiệp, vừa thỏa mãn những sở thích cá nhân của mỗi người. Đó mới thực là mục tiêu đáng sống để phấn đấu, đòi hỏi khả năng cân đối hợp lý.
Chứ nếu “ép uổng” một thói quen, sở thích nào đó để áp dụng cho số đông, thì không bao giờ có tính thuyết phục, mà như vậy, hóa chẳng là thất bại trong một bài viết có mục đích tốt đẹp hay sao?
Bút Lãng
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả