Dù đang là hệ điều hành di động số 1 thế giới với hơn 80% thị phần nhưng trong mắt nhiều người dùng Android vẫn là một nền tảng với nhiều khiếm khuyết dù rằng "robot" đã trải qua một quá trình rất dài để tự hoàn thiện mình. Hiện tại, vẫn còn tồn tại một lượng lớn hiểu lầm tai hại về hệ điều hành này khiến nó bị mất điểm khá nhiều so với iOS hay Windows Phone.
1. Phức tạp và khó sử dụng
Tính tùy biến của Android vốn là một điểm mạnh so với các đối thủ nhưng lại bị chụp mũ là nguyên nhân gây nên không ít hiểu nhầm từ phía người dùng cho rằng Android khó sử dụng. Đó có thể là do những nhà sản xuất đã cố gắng nhồi nhét quá nhiều tính năng vào smartphone của mình khiến những người mới sử dụng có phần bối rối. Nhưng từ Android 4.0 trở đi, hệ điều hành này đã trở nên trực quan hơn và dễ dùng rất nhiều với rất nhiều cải tiến về giao diện. Nếu sử dụng những smartphone Nexus hay HTC One và Galaxy S4 Google Edition, bạn có thể dễ dàng nhận ra điều này ngay cả ở các smartphone khác, các nhà sản xuất cũng không ngừng cải tiến về giao diện sao cho thân thiện nhất với người dùng.
2. Android cần ứng dụng task killer
Tranh cãi về việc Android có cần tới các ứng dụng hủy tác vụ đa nhiệm (còn được gọi là task killer) hay không chưa tới hồi ngã ngũ và trên Play Store vẫn đang xuất hiện khá nhiều những ứng dụng dạng như thế này. Nhưng có lẽ chúng ta cần nhìn vào trải nghiệm thực tế hơn là chỉ tranh cãi suông. Một số người dùng Android đã thử tắt hết những ứng dụng hủy tác vụ đi và nhận thấy rằng smartphone của mình hoạt động ổn định và ít tốn pin hơn hẳn, hiện tượng văng ứng dụng đã không còn xảy ra. Chính vì thế, nếu đang sử dụng "task killer" thì bạn nên suy nghĩ lại và thay đổi thói quen.
Nhiều người thường sử dụng những ứng dụng có khả năng quản lý các tác vụ chạy nền trên smartphone Android nhằm tắt đi những ứng dụng chạy nền không cần thiết để bảo toàn thời lượng pin vốn ít ỏi. Thế nhưng, một số tác vụ chạy nền của Android lại thường được sử dụng nhất. Khi ta đóng chúng đi thì hệ điều hành này lại phải bật chúng lên mỗi khi cần. Điều này vô tình gây nên hao tổn về mặt năng lượng vô ích khi mà người dùng cứ liên tục tắt tác vụ chạy nền và hệ điều hành lại tự động khởi chạy các tác vụ này lên.
3. Android dễ bị nhiễm mã độc
Theo những báo cáo về tính bảo mật của những nền tảng di động thì Android được "xếp xó" về độ bảo mật vì tính dễ dàng khi can thiệp sâu vào các tính năng của hệ điều hành này. Mặc dù vậy, với một người dùng bình thường biết một chút về "vọc vạch" thì Android vẫn đủ an toàn trước những mối lo về thông tin cá nhân bị rò rỉ. Nếu không, đơn giản hãy hạn chế cài đặt những ứng dụng lạ mà mình cảm thấy nghi ngờ để tránh tiền mất tật mang về sau. Chỉ như vậy thôi, bạn đã có thể hoàn toàn xua tan đi những lo ngại về độ bảo mật trên điện thoại Android của mình.
4. Android là giống nhau trên mỗi smartphone
Đây là điều hoàn toàn sai lầm đối với những người chưa từng dùng Android. Trên thực tế, Google cho phép các nhà sản tùy biến giao diện người dùng dựa trên lõi Android của họ sao cho phù hợp nhất với các tính năng trên mỗi smartphone của họ. Điều này tuy có thể khiến người dùng cảm thấy bối rối trong quá trình sử dụng nhưng lại tạo nên nét phong phú độc nhất của nền tảng di động mạnh nhất thế giới.
Bên cạnh đó, Android còn cung cấp cho người dùng rất nhiều lựa chọn điện thoại ở các tầm giá khác nhau nhằm đáp ứng được nhu cầu tiếp cận với smartphone của những người có hầu bao eo hẹp. Đó là còn chưa kể trong thời gian tới khi Android 4.4 được phổ biến người dùng phân khúc Android tầm thấp vẫn sẽ có được những trải nghiệm mới mẻ hơn. Và nếu không thể chạy được các game 3D nặng do giới hạn phần cứng thì họ cũng có quyền tự hào rằng mình đang chạy phiên bản hệ điều hành mới nhất với cải tiến về độ mượt và giảm thiểu những cơn lag giật khó chịu. Đây được coi là một trong những cải tiến quan trọng giúp Android giải quyết bài toán phân mảnh đã và đang diễn ra.
5. Android hay lag, giật
Sau nhiều phiên bản, nếu bây giờ ai đó vẫn còn nói Android lag và giật thì hẳn là người đó mới chỉ dùng những phiên bản trước Android 4.0. Kể từ Android 4.1 trở đi Google đã gần như khắc phục được một trong những rắc rối cố hữu là lag, giật với sự bổ sung của Project Butter. Nhờ Project Butter, các thiết bị chạy Android 4.1 được tăng cường sự mượt mà ngay ở các tương tác trượt ngoài màn hình chủ cũng như trong các ứng dụng. Về sau, Android 4.4 KitKat lại tiếp tục nâng tầm cho Project Butter với sự kế thừa trực tiếp bằng Project Svelte với nhiều nâng cấp nhằm cải thiện triệt để tình trạng lag, giật.
Theo đó, Google đã tách nhân Android ra khỏi một chương trình có tên Google Experience, nhờ vậy cả 2 bộ phận này sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn trong quá trình vận hành. Bộ nhớ của Android đã được giảm tải bằng cách loại bỏ các dịch vụ nền không thực sự quan trọng. Ngay cả những ứng dụng phổ biến của Google như YouTube và Chrome cũng đã được tối ưu tương tự, chúng ngốn ít RAM hơn nhưng lại hoạt động trơn tru hơn. Ngoài ra, hệ thống sẽ tự động can thiệp mỗi khi phát hiện một ứng dụng đang tiêu tốn quá nhiều bộ nhớ RAM vào mục đích lãng phí. Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, Android sẽ khởi động các ứng dụng chạy nền ở nhiều thời điểm khác nhau giúp bộ nhớ RAM không bị quá tải khi có nhiều ứng dụng cùng được bật lên cùng lúc, do đó góp phần cải thiện sự ổn định chung cho toàn bộ chiếc smartphone hay tablet của người dùng.
Tạm kết
Chẳng hề có gì là hoàn hảo, mỗi nền tảng đều có những điểm mạnh, điểm yếu của riêng mình, Android cũng vậy. Có thể nền tảng này vẫn chưa thể làm hài lòng bạn ở khoản này nhưng biết đâu với người khác, Android đang là số một. Trên đây chỉ là một số quan điểm sai khiến Android bị mất điểm trong mắt người dùng và bạn đọc có thể bổ sung danh sách này bằng phần bình luận bên dưới bài viết.
Đài Trang