Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã gây gián đoạn nguồn cung lúa mì và đẩy giá lương thực thế giới tăng cao, đây vốn là 2 quốc gia xuất khẩu hàng đầu. Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine bộc lộ sự mong manh của chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, Ấn Độ với vị thế là nhà xuất khẩu lớn thứ ba thế giới được kỳ vọng sẽ bù đắp khoảng trống thị trường.
Hồi tháng 4, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố nước này sẵn sàng cung cấp cho thế giới từ nguồn dự trữ của mình. Ông kêu gọi các nhà sản xuất lúa mì trong nước nắm bắt cơ hội, đồng thời cho rằng các quan chức và tổ chức tài chính Ấn Độ nên hỗ trợ các nhà xuất khẩu.
Tuy nhiên, vào ngày 13/5, Ấn Độ đã công bố lệnh cấm xuất khẩu lúa mì có hiệu lực ngay lập tức, mặc dù thực hiện ngoại lệ với một số quốc gia. Đến ngày 25/5, Ấn Độ tiếp tục hạn chế xuất khẩu đường nhằm đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá trong nước. Ấn Độ vốn là quốc gia xuất khẩu đường lớn thứ hai trên thế giới.
Trước khi ban bố lệnh cấm, Ấn Độ đã đặt mục tiêu xuất khẩu kỷ lục 10 triệu tấn lúa mì trong năm nay, thúc đẩy các biện pháp tận dụng sự gián đoạn nguồn cung lúa mì trên toàn cầu do xung đột và tìm thị trường mới cho mặt hàng này của mình ở châu Âu, châu Phi và châu Á.
An ninh lương thực bị đe dọa
Chịu tác động của các đợt nắng nóng gay gắt và giá cả trong nước tăng cao, Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ cho biết an ninh lương thực nước này cũng như các quốc gia láng giềng và các nước dễ bị tổn thương đang bị đe dọa.
Ấn Độ đã trải qua tháng 3/2022 là tháng nóng nhất kể từ khi bắt đầu ghi nhận dữ liệu này vào năm 1901. Đây cũng là khoảng thời gian lúa chín, chúng rất nhạy cảm với nhiệt độ. Điều kiện thời tiết khắc nghiệt dự báo sẽ trở nên phổ biến hơn trong tương lai đã làm dấy lên quan ngại về an ninh lương thực của Ấn Độ.
Ấn Độ đã nhận được yêu cầu cung cấp hơn 1,5 triệu tấn lúa mì từ một số quốc gia đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lương thực, phần lớn yêu cầu đến từ nước láng giềng Bangladesh.
Thay đổi phương pháp sản xuất
Bà Namrata Ginoya, chuyên gia tại Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), cho biết an ninh lương thực Ấn Độ đã trở nên dễ bị tổn thương hơn bởi thời tiết khắc nghiệt, lượng mưa không thể dự báo trước và các yếu tố khí hậu khác. Bà Ginoya chia sẻ với hãng tin DW: “Những yếu tố này nhanh chóng ảnh hướng đến sản xuất lương thực. Chúng ta đang tiếp tục phát thải lớn nên sẽ chứng kiến rất nhiều tác động".
Bà Ginoya đưa ra một số giải pháp để nông dân có thể thích nghi với điều kiện thời tiết thay đổi. Bà nói "Chúng ta đang chứng kiến mùa hè đến sớm hơn những năm trước, đây cũng là thời điểm các loại ngũ cốc phát triển trong vụ mùa. Nếu nhiệt độ vào thời điểm này vượt quá 30-31 độ C (86-88 độ F) thì sẽ ảnh hưởng xấu đến ngũ cốc”.
Vì vậy, bà con có thể tiến hành gieo sạ sớm hơn bình thường 10-15 ngày, đồng thời thực hiện các thay đổi trong việc tưới tiêu và bón phân cho cây trồng để thích ứng với thời tiết.
Bà Ginoya cho rằng mọi người cần hướng tới phương pháp canh tác mà mọi giai đoạn sản xuất đều được theo dõi và nghiên cứu, đồng thời người nông dân cần tiếp cận và vận dụng các kết quả nghiên cứu. Bà nói: “Chúng ta cần xác định những khu vực có thể trồng lúa mì bền vững và những khu vực không còn khả thi cho việc gieo trồng”.
Giải pháp thay thế bởi hạt kê (millet)
Với điều kiện khí hậu thay đổi, lúa mì và gạo có thể không đáp ứng nổi nhu cầu trong nước và quốc tế. Trước tình hình đó, hãng tin DW ghi nhân một số chuyên gia cho rằng đã đến lúc phải chuyển sang hạt kê hay ngũ cốc dinh dưỡng như một giải pháp để đáp ứng nhu cầu lương thực của thế giới.
Giáo sư Ruth DeFries về lĩnh vực sinh thái học và phát triển bền vững tại Đại học Columbia, cho rằng: “Các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt có thể xuất hiện ngày càng nhiều, các đợt nắng nóng sẽ trầm trọng hơn trong tương lai. Chúng ta biết rằng ngũ cốc thô (coarse cereals) hay ngày nay gọi là ngũ cốc dinh dưỡng có đặc tính thích ứng, cần ít nước hơn, khả năng chống chịu đối với đất thô và nhiệt cũng cao hơn".
Do chứa nhiều sắt, chất xơ và một số loại vitamin, chúng được trồng ở hơn 130 quốc gia nhưng chỉ đóng vai trò quan trọng trong chế độ ăn của khoảng 90 triệu người châu Phi và châu Á. Trong một sự so sánh, khoảng một nửa dân số toàn cầu sống dựa vào gạo và hơn một phần ba dựa vào lúa mì.
Liên hợp quốc (UN) đã tuyên bố 2023 là năm quốc tế về kê, điều này có thể dẫn đến sự thay đổi trong cách nhìn nhận của mọi người về những loại ngũ cốc này. Tuy nhiên, việc thay thế khẩu phần ăn của người dân vốn phổ biến với gạo và lúa mì có thể là một thách thức.
Giáo sư Ruth DeFries chia sẻ: "Trong lịch sử, ngũ cốc dinh dưỡng là một phần trong chế độ ăn kiêng của nhiều người ở Ấn Độ, nhưng điều đó đã giảm trong hai thập kỷ qua. Hiện tại chúng đã phổ biến hơn tại các cửa hàng tạp hóa và nhà hàng, vì chúng là loại thực phẩm tốt cho sức khỏe”.
Phạm Hà Thanh (theo DW, Nytimes)