Đột quỵ (còn gọi là tai biến mạch máu não) ngày càng trẻ hóa khi các bệnh viện đang tiếp nhận nhiều trường hợp mới ở ngưỡng tuổi 18-30.
Ngày càng nhiều người trẻ bị đột quỵ
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 TP.HCM, giới trẻ thường chủ quan nghĩ rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người lớn tuổi. Do đó, không ít người trẻ khi nhập viện được chẩn đoán đột quỵ tỏ ra rất bất ngờ.
Bác sĩ Hà cho biết: "Đột quỵ ở người trẻ thường do bệnh tim, dị dạng mạch máu não, một số trường hợp vì uống thuốc ngừa thai, thuốc kích thích gây viêm hoặc vỡ mạch máu. Ngoài ra, lối sống không lành mạnh là nguyên nhân khiến đột quỵ ngày càng trẻ hóa".
Trả lời báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Mai Duy Tôn - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho biết đột quỵ (còn gọi là tai biến mạch máu não) là tình trạng tổn thương não cấp tính. Có hai dạng đột quỵ là đột quỵ thiếu máu não và đột quỵ xuất huyết não. Tuy nhiên, trên thực tế, đột quỵ thiếu máu não là dạng đột quỵ thường gặp hơn. Cứ 3 bệnh nhân đột quỵ sẽ có 2 người đột quỵ thiếu máu não.
"Khi một bệnh nhân bị đột quỵ, người dân thường không có thói quen đưa đi cấp cứu. Ban đầu, thấy các triệu chứng nhẹ nên họ chủ quan, thường để bệnh nhân ở nhà hoặc dùng các bài thuốc truyền miệng, vì vậy nên đã bỏ qua cơ hội để điều trị tối ưu. Đến khi người bệnh có dấu hiệu nặng họ mới đưa đến viện thì đã qua giai đoạn "cửa sổ vàng" để điều trị tối ưu cho bệnh nhân đột quỵ. Những bệnh nhân đến muộn thì trong tình trạng rất nặng"- PGS.TS Mai Duy Tôn cho biết.
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 230.000 người bị đột quỵ, hơn 50% trong số đó tử vong và chỉ 10% trong số những người sống sót bình phục hoàn toàn.
Ba năm qua số người đột quỵ phải nhập viện tăng lên 1,7-2,5%, trong đó bệnh nhân nam cao gấp 4 lần nữ giới.
Bác sĩ Vũ Anh Nhị, Chủ tịch Hội Thần kinh học TP HCM chia sẻ với VTV news rằng trước đây đột quỵ được xem là bệnh của người cao tuổi, với độ tuổi trung bình từ 55 trở lên.
Người bệnh đang có xu hướng trẻ hơn trong những năm gần đây, mỗi năm có khoảng 83.000 bệnh nhân trong độ tuổi 40 đến 45, chiếm 1/3 tổng trường hợp đột quỵ. Nhiều bệnh viện tiếp nhận cấp cứu người bệnh khi mới 20 tuổi hoặc trẻ hơn.
Giải pháp chống đột quỵ
Để phòng tránh, giới trẻ nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe, tầm soát đột quỵ định kỳ. Những xét nghiệm sàng lọc về cholesterol, huyết áp và đường huyết giúp bác sĩ đánh giá nguy cơ và phòng chống đột quỵ hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, nên duy trì lối sống lành mạnh, ngủ sớm, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, giảm ăn mặn và mỡ béo, ăn nhiều rau xanh và trái cây.
Luyện tập thể dục, thể thao giúp tăng lưu lượng máu đến não, điều chỉnh huyết áp và nhịp tim, cải thiện độ nhạy của insulin, từ đó giảm các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ.
Hiện nay, tại Hà Nội và TP.HCM, hầu hết các bệnh viện đều thực hiện tầm soát phát hiện sớm đột quỵ. Những người có tiền sử tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch, bệnh mạch vành, mỡ máu cao, tiểu đường…. cần đi khám bệnh 3 đến 6 tháng/lần, hoặc theo chỉ định của bác sỹ.
Việc quan trọng trong phòng ngừa đột quỵ là kiểm soát chỉ số huyết áp. Người bệnh cần kiểm soát chỉ số huyết áp ổn định ở ngưỡng an toàn <140/90mmHg.
Minh Anh (tổng hợp)