Phát biểu tại phiên họp, bà Linda Thomas-Greenfield, đại sứ Mỹ tại LHQ, cho biết cuộc chiến có thể khiến 5 triệu người phải di tản.
Theo Đại sứ Mỹ, việc Nga tấn công Ukraine có thể tạo ra khủng hoảng tị nạn mới, một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất mà thế giới phải đối mặt hiện nay.
Bà Thomas-Greenfield nói thêm, vì Ukraine là một trong những nhà cung cấp lúa mì lớn nhất thế giới cho các nước đang phát triển nên các hoạt động quân sự của Nga "có thể khiến giá lương thực tăng vọt và dẫn đến nạn đói, thậm chí còn trầm trọng hơn Libya, Yemen và Lebanon". "Làn sóng tác động mà cuộc chiến này gây ra là không thể tưởng tượng được", bà Thomas-Greenfield nhấn mạnh.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cũng cảnh báo "thế giới đang đối mặt với một thời điểm có thể nói là hết sức nguy hiểm” do khủng hoảng Ukraine.
"Đã đến lúc kiềm chế và giảm leo thang", ông Guterres nói, đồng thời nhấn mạnh rằng không có chỗ cho các hành động hoặc tuyên bố "đưa tình huống nguy hiểm này xuống vực thẳm".
Tổng thư ký LHQ đồng thời kêu gọi ngừng bắn, đối thoại nhằm tránh xảy ra chiến tranh; đề nghị các bên cần dựa vào Điều 33 Hiến chương LHQ để giải quyết các xung đột, tranh chấp một cách hòa bình.
Ông Antonio Guterres bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến liên quan đến việc Nga công nhận độc lập của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR) tự xưng ở Donbass, miền Đông Ukraine. Theo đó, ông nhấn mạnh nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập về chính trị của các quốc gia thành viên LHQ.
Tổng thư ký Guterres khẳng định, LHQ ủng hộ người dân Ukraine, nhất là trong bối cảnh có tới 2 triệu người Ukraine đang cần được hỗ trợ nhân đạo, cảnh báo rằng nếu cuộc xung đột tiếp diễn và mở rộng hơn nữa thì hậu quả nhân đạo sẽ rất nặng nề.
Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 76 Abdulla Shahid cũng lên tiếng khẳng định, hòa bình bền vững không bao giờ có thể có được thông qua các hoạt động quân sự mà phải bằng các giải pháp chính trị hòa bình; kêu gọi các nước thành viên ưu tiên các nỗ lực ngoại giao, hòa giải và đàm phán.
Về phần mình, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nhấn mạnh, người dân Ukraine mong muốn hòa bình, không rơi vào chiến tranh, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.
Trong khi đó, Trưởng phái đoàn Nga tại LHQ, Đại sứ Vasily Nebenzya, cho rằng nếu Nga không công nhận DPR và LPR thì cuộc xung đột tại đây sẽ không thể kết thúc. Ông Nebenzya cho biết thêm, Nga sẽ tiếp tục giám sát lệnh ngừng bắn tại khu vực này trong thời gian tới.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, Tuổi Trẻ Online)