Cần chăm sóc cho cây, trái sầu riêng đủ chất dinh dưỡng
Theo quy định mới của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 10/1/2025, Trung Quốc yêu cầu tất cả lô sầu riêng từ Thái Lan và Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc phải có giấy chứng nhận kiểm định dư lượng Cadimi và chất vàng O (hay còn gọi là Auramine O).
Quy định này được ban hành sau khi cơ quan chức năng Trung Quốc phát hiện dư lượng chất vàng O trong một lô hàng sầu riêng của Thái Lan cuối năm 2024.
Trước tình hình trên, các đơn vị trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang triển khai nhiều giải pháp để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của các đơn vị nhập khẩu.

Tổng diện tích sầu riêng hiện nay trên toàn tỉnh Đắk Lắk là 37.381ha.
Theo thông tin từ ông Trần Văn Thắng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk), vàng O là một loại chất nhuộm màu.
Sau khi nắm được thông tin, Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Krông Pắk đã triển khai quy định mới của phía Trung Quốc đến các xã viên. Theo đó, người dân cần chăm sóc cho cây, trái sầu riêng đủ chất dinh dưỡng. Qua đó, tạo lực cho cây, trái sầu riêng phát triển thuận tự nhiên, hạn chế sử dụng, tránh phụ thuộc quá nhiều vào các loại phân, thuốc bảo vệ thực vật.
Thời gian gần đây, Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Krông Pắk cũng đã triển khai đến các xã viên về các loại thuốc trừ sâu, trừ nhện sinh học được chiết suất từ cây quế để đảm bảo chất lượng sầu riêng sau khi thu hoạch và đáp ứng yêu cầu của phía đơn vị nhập khẩu phía Trung Quốc.
Bên cạnh đó, theo ông Thắng, khi đến giai đoạn thu hoạch sầu riêng, cần có thời gian cách ly 30 ngày sau khi sử dụng phân, thuốc, thay vì 15 ngày như trước đây. "Hiện nay, chúng tôi chú trọng đến chất lượng cơm sầu riêng sau khi thu hoạch, chứ không quá đặt nặng về mẫu mã trái bên ngoài", ông Thắng nhấn mạnh.

Sản lượng sầu riêng năm 2024 của tỉnh Đắk Lắk đạt gần 318 ngàn tấn.
Cùng với các giải pháp nói trên, ông Thắng cũng cho rằng, để đảm bảo chất lượng sầu riêng xuất khẩu, người dân, các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định trong quá trình sản xuất, thu hoạch sầu riêng.
Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước cần phải có hành lang pháp lý về quản lý tốt việc sản xuất, mua bán sầu riêng. Đồng thời, quản lý chặt chẽ các mã vùng trồng, sản phẩm của vùng nào thì đi theo vùng đó... Từ đó, thuận lợi cho việc quản lý về tình trạng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất vàng O.
Các ngành chức năng cũng cần phải có biện pháp tuyên truyền rộng rãi để giúp người dân nâng cao nhận thức, chấp hành tốt các quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng sản phẩm. Mặt khác, có những chế tài xử lý nghiêm với những trường hợp vi phạm...
"Tôi cho rằng, phía đơn vị nhập khẩu của Trung Quốc không quá khắt khe khi đưa ra quy định về việc kiểm tra chất vàng O. Bởi các quy định này nhằm đảo bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Vì vậy, người dân, doanh nghiệp và các ngành chức năng cần chủ động thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng ngành hàng sầu riêng, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, cũng như các đơn vị nhập khẩu", ông Thắng chia sẻ.
Còn theo ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, các doanh nghiệp tham gia trong Hiệp hội sầu riêng tỉnh đã ý thức được những vấn đề này từ lâu. Trong suốt quá trình hoạt động, các đơn vị đã chủ động nắm bắt thông tin tổ chức thực hiện những việc cần thiết để thích ứng với tình trạng tăng cường chặt chẽ từ phía nước nhập khẩu.
Vàng O là chất gây ung thư
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, vàng O là chất nhuộm màu trong công nghiệp như nhuộm da, giấy, gỗ.
Theo tổ chức y tế thế giới WHO xếp vàng O vào loại chất gây ung thư. Còn tại Trung Quốc, chất này bị cấm từ năm 2008.
Tại Việt Nam, theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng tại Việt Nam không có chất vàng O, tức đây là chất cấm sử dụng.
Trong danh mục về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến do Bộ Y tế ban hành đều không có chất vàng O.

Quy trình thu hoạch, đóng gói sầu riêng xuất khẩu tại các cơ sở được thực hiện theo đúng quy định.
Trên cơ sở đó, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho hay, việc kiểm tra chất vàng O và dư lượng Cadimi trong sầu riêng xuất khẩu là yêu cầu của thị trường nhập khẩu và chúng ta bắt buộc phải tuân thủ.
Cũng theo thông tin từ ông Nguyễn Hoài Dương, trước quy định về việc kiểm tra chất vàng O trong sầu riêng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khẩn trương chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật tổ chức họp trực tuyến (vào sáng ngày 10/1/2025) thông báo ngay cho các địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu, cơ sở đóng gói và người sản xuất được biết, tuân thủ theo quy định.
Trong đó, tỉnh Đắk Lắk có khoảng 50 người tham dự với thành phần gồm: Các đơn vị liên quan thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Phòng Kinh tế/Phòng Nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố; doanh nghiệp xuất khẩu; cơ sở đóng gói và một số hợp tác xã sản xuất...

Toàn tỉnh Đắk Lắk có 23 cơ sở đóng gói sầu riêng được cấp mã.
Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ Thực vật khẩn trương đàm phán với phía Trung Quốc để công nhận các trung tâm, phòng kiểm nghiệm đủ điều kiện kiểm nghiệm chất vàng O của Việt Nam.
Theo thông tin, đến 26/01/2025, Việt Nam đã có 9 trung tâm, phòng kiểm nghiệm vàng O trong sầu riêng được Trung Quốc công nhận. Các trung tâm kiểm nghiệm vàng O này nằm tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Tp.HCM, Cần Thơ, Cà Mau.
Trong thời gian tới, để các lô hàng sầu riêng xuất khẩu đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu đặc biệt là yêu cầu về dư lượng chất Cadimi và vàng O, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu, cơ sở đóng gói và người sản xuất khẩn trương thực hiện một số giải pháp.
Cụ thể, tiếp tục đàm phán với phía Trung Quốc để có nhiều phòng kiểm nghiệm Cadimi và vàng O được công nhận, đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng.
Đồng thời, tuyên truyền vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng chú ý trong việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; không dùng phụ gia; phẩm màu đặc biệt màu vàng, màu xanh. Giám sát chặt chẽ các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số trong việc tuân thủ các quy định của thị trường nhập khẩu.
Bên cạnh đó, thanh tra, kiểm tra vùng trồng, cơ sở đóng gói một cách thường xuyên, liên tục khi có các lô hàng sầu riêng xuất khẩu nhiễm chất Cadimi và vàng O.
Ngoài ra, tăng cường trách nhiệm của vùng trồng, cơ sở đóng gói trong việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác như nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.... Bên cạnh đó, tuyệt đối không sử dụng chất vàng O để sơ chế, đóng gói sầu riêng. Chủ động test dư lượng Cadimi và vàng O đổi với các lô hàng sầu riêng trước khi xuất khẩu.
Thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk cho biết, tổng diện tích sầu riêng hiện nay trên toàn tỉnh Đắk Lắk là 37.381ha; sản lượng năm 2024 đạt gần 318 ngàn tấn.
Tổng số mã vùng trồng sầu riêng xuất khẩu của toàn tỉnh là 68 vùng trồng, với tổng diện tích 2.521 ha. Trong đó, huyện Krông Pắk 37 vùng trồng; Krông Búk 17 vùng trồng; Cư M’gar 4 vùng trồng; Ea H’leo 5 vùng trồng; Krông Năng 3 vùng trồng; thị xã Buôn Hồ 1 vùng trồng; Tp.Buôn Ma Thuột 1 vùng trồng...
Khánh Ngọc