Nhưng chưa hẳn, hai từ "nhớ rừng" mà anh Lang khó khăn lắm mới nói được đã lay động biết bao trái tim. Không ít người phải suy nghĩ: Liệu đưa Tazan Việt Nam ra khỏi rừng có giúp cha con họ hạnh phúc ở thế giới văn minh, khi Hồ Văn Lang không biết đồng tiền là gì?
Nhớ rừng!
Những ngày qua, người dân ở xã Trà Phong (Tây Trà - Quảng Ngãi) hồ hởi tìm đến nhà anh Hồ Minh Lâm để thăm hỏi, động viên "người rừng" và hơn nữa là để thoả trí tò mò. Họ muốn xem cha con Hồ Văn Lang đang hoà nhập với thế giới văn minh như thế nào.
Sau khi được đưa về thế giới loài người từ rừng thẳm, ông Hồ Văn Thanh (80 tuổi, bố Hồ Văn Lang) phải điều trị tích cực tại bệnh viện huyện Tây Trà. Bởi những ngày ở rừng, tuổi cao, sức yếu, nhiều bệnh tật đã khiến sức khoẻ của ông suy kiệt.
Các bác sĩ ở đây cho biết, tình trạng sức khoẻ của ông Thanh khó tiên lượng bởi ông đã suy kiệt lại còn mắc nhiều chứng bệnh khác nhau. Sau mấy ngày được đưa về với cuộc sống con người, đến nay ông Thanh vẫn nằm ở viện. Vậy là, ra khỏi thế giới thiên nhiên, hai cha con "người rừng" đang phải tạm xa nhau.
Trong khi người cha đang phải nằm trên giường bệnh với một đoạn dây buộc chặt tay với giường vì sợ ông bỏ trốn thì người con đang bập bõm đến với thế giới văn minh ở nhà người thân dưới xã. Ở đó, anh Lang bắt đầu biết đến hạt muối, lạ lẫm khi thấy chiếc điện thoại phát ra tiếng nhạc, sợ hãi khi thấy tivi vừa có hình người lại vừa có tiếng, đặc biệt anh vô thức với những tờ tiền mà mọi người đưa cho anh xem. Lạ lẫm cũng đúng thôi bởi gần 40 năm qua, anh đúng là Tazan chính hiệu, gắn liền với rừng xanh từ miếng ăn, giấc ngủ.
Người dân xã Trà Phong chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, ở đây họ vẫn sử dụng ngôn ngữ Cor bên cạnh tiếng Kinh, thậm chí nhiều người già chỉ bập bõm tiếng Kinh. Họ đến thăm Tazan Hồ Văn Lang và cố gắng nói thật nhiều tiếng dân tộc Cor để hy vọng khơi dậy được bản năng trong người anh Lang, khiến anh Lang sẽ nói lên vài điều gì đó. Tuy nhiên, trong mấy ngày liên tục, "người rừng" vẫn chọn cho mình sự im lặng. Nhưng khi những câu nói đầu tiên anh trao đổi với thế giới văn minh chính là "nhớ rừng, muốn về với rừng Apon" đã khiến không ít người phải suy nghĩ, có chắc thế giới văn minh sẽ đem lại hạnh phúc cho cha con Tazan hơn thế giới rừng xanh?
Hai cha con "người rừng" Hồ Văn Thanh sẽ làm gì trong thế giới văn minh? (Ảnh Nam Cường/Tienphong.vn)
"Người rừng" sẽ làm gì trong thế giới văn minh?
Trở về và ra đi? Ông Hồ Văn Thanh bây giờ đã 80 tuổi, nghĩa là hơn 40 năm trước ông vẫn là thành viên của cộng đồng dân tộc Cor, vẫn sống trong thế giới loài người, mặc dù trong mưa bom, bão đạn. Với ông Thanh, đây là sự trở về, trở về với làng quê, với thế giới con người. Còn người con Hồ Văn Lang, đây là ra đi. Anh chính là Tarzan chính hiệu, anh sống ở rừng khi mới 1 tuổi, và giờ đã 41 tuổi rồi. Giờ đây, anh ra đi, từ thế giới của rừng già đến với thế giới văn minh. |
Xung quanh việc đưa cha con ông Hồ Văn Thanh rời rừng xanh trở về hoà nhập với cuộc sống loài người đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, của các nhà xã hội. Có lẽ, đây là trường hợp hiếm hoi xảy ra ở Việt Nam, khi có người sống biệt lập với thế giới bên ngoài từ khi còn là đứa trẻ, lên một tuổi. Việc hai cha con "người rừng" trở về với thế giới văn minh là một việc làm đậm chất nhân văn, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Thế nhưng, hai cha con họ sẽ sống như thế nào, làm gì trong thế giới này là câu hỏi mà rất nhiều người đặt ra sau sự việc hy hữu này.
Theo một số nguồn tin trên báo chí, hiện nay, chính quyền xã Trà Phong đang tiến hành nhập hộ khẩu cho hai cha con ông Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang vào nhà cháu ruột là Hồ Minh Lâm. Đích thân Chủ tịch UBND huyện Tây Trà khẳng định địa phương sẽ cấp đất, xây nhà cho cha con "người rừng", tạo điều kiện thuận lợi nhất để họ tái hoà nhập với cuộc sống loài người. Trước mắt sẽ hỗ trợ cha con "người rừng" 2 triệu đồng cùng lương thực để dần ổn định cuộc sống. Đó có thể coi là những việc làm cần thiết sau khi đưa cha con Tazan từ rừng già về bản. Tuy nhiên, với một người cả đời chưa có một khái niệm về tiền bạc, về mua bán như Hồ Văn Lang thì chỉ cung cấp tiền, gạo thôi liệu đã đủ?
Nhìn nhận sự việc dưới góc độ xã hội học, PGS.TS Trịnh Hoà Bình đã phản bác một số ý kiến cho rằng nên trả hai cha con "người rừng" trở về với rừng xanh. TS. Trịnh Hoà Bình cho rằng, sự việc này có thể có nhiều cách tiếp cận khác nhau, nhưng không nên đưa họ trở về rừng. Bởi lẽ, con người có nguồn gốc thuỷ tổ từ loài linh trưởng sau đó mới tiến hoá thành người, tiến lên xã hội văn minh là xu thế tất yếu. Như vậy, nếu đưa họ trở về rừng thì khác nào đưa họ trở về thời nguyên thuỷ, mông muội.
Chuyên gia Trịnh Hoà Bình cũng cho rằng, việc giúp họ hoà nhập với cuộc sống loài người là một điều khó khăn, là thử thách của chính quyền địa phương và người thân ông Thanh. "Tuy nhiên, trong lịch sử cũng có trường hợp giống như cha con "người rừng" nhưng họ vẫn hoà nhập được, vấn đề là phải biết đánh thức tiềm năng phần "người" trong họ. Có thể mới đầu sẽ khiến họ khó chịu, thậm chí tìm cách chạy trốn nhưng còn hơn đẩy họ về với thế giới dã man, mông muội ở trong rừng", TS. Trịnh Hoà Bình nêu ý kiến.
Mặc dù được chính quyền, người thân, làng xóm rất quan tâm, nhưng chắc chắn công cuộc tái hoà nhập cộng đồng của cha con "người rừng" sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn, thử thách. Người cha thì đã già, sức đã yếu. Ngày mai ngày kia biết đâu đó lá rụng vô thường, Hồ Văn Lang bấu víu vào đâu? Chắc hẳn anh sẽ thấy thế nào là cô độc. Cuộc đời của anh là rừng thẳm, gần 40 năm qua, anh hạnh phúc với rừng. Chỉ ở trong rừng Hồ Văn Lang mới là chính mình chăng. Có lẽ, chính quyền địa phương, người thân và đồng bào Trà Phong phải làm nhiều hơn nữa để mang lại niềm vui, hạnh phúc và quan trọng hơn là giúp họ rời bỏ cuộc sống hoang dã nơi rừng xanh, trở về với xã hội loài người.
Hà Khê