Hội thảo nhằm kết nối các tổ chức kinh tế tham gia OCOP với các đối tác là nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý để nâng cao trình độ sản xuất, chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm, đưa sản phẩm OCOP trở thành hàng hoá có thương hiệu.
Tham dự Hội nghị có Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang; Ông Phương Đình Anh - Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương; Ông Dương Thanh Tùng, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang cùng các đại biểu đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT; Văn phòng điều phối NTM các tỉnh: Quảng Ninh; Bắc Kạn; Thái Nguyên và Tp.Hà Nội;...
Báo cáo tại Hội thảo, ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, chương trình OCOP của tỉnh Bắc Giang đã mang lại kết quả tích cực, trở thành một phong trào sản xuất có sức lan tỏa trong khu vực nông thôn, tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí "Kinh tế và tổ chức sản xuất" trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.
Đến nay, toàn tỉnh có 180 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên thuộc 10/10 huyện, thành phố, trong đó có 42 sản phẩm đạt 4 sao, 138 sản phẩm đạt 3 sao. Có 78,4% chủ thể sản xuất là Hợp tác xã; 8,2% là doanh nghiệp và 13,4% là cơ sở sản xuất kinh doanh. Nhiều sản phẩm tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng như: gà đồi Yên Thế, vải thiều Lục Ngạn, na dai Lục Nam, chè Yên Thế, mỳ chũ Lục Ngạn... tạo cơ hội thuận lợi tiêu thụ sản phẩm với nhiều nông đặc sản đạt tiêu chuẩn ở tầm quốc gia hướng tới xuất khẩu.
Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP, địa phương nhận thức sâu sắc đây là chương trình gắn liền với phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn, phát huy nội lực và gia tăng giá trị đảm bảo hiệu quả cho người sản xuất. Từ thực tế của địa phương, chương trình vừa là mục tiêu vừa là giải pháp để thực hiện xây dựng nông thôn mới mà cả nước cũng như tỉnh Bắc Giang đang quan tâm”, ông Lê Bá Thành chia sẻ
Tham luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Vọng- Phó Chánh Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh đã chia sẻ một số bài học kinh nghiệm trong xây dựng chương trình OCOP. Theo đó, sức sống của chương trình OCOP là từ cộng đồng. Để thực hiện điều này, việc tuyên truyền đóng vai trò quyết định. Tiếp đó là hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP được xem là bước đột phá mới, là giải pháp đảm bảo cho sự thành công của chương trình OCOP.
Trong những năm qua tỉnh Quảng Ninh luôn xác định rõ quan điểm đây là chương trình phát triển kinh tế quan trọng theo hướng nội sinh, có sự liên kết chặt chẽ, bền vững giữa người sản xuất, chế biến và tiêu thụ, do đó cần có nhận thức đúng đắn, cách làm, bước đi phù hợp. Tính đến nay Quảng Ninh đã phát triển 499 sản phẩm thuộc 5 nhóm tham gia chương trình OCOP; trong đó có 267 sản phẩm được cấp chứng nhận hạng sao, tiêu biểu có 193 sản phẩm hạng 3 sao, 68 sản phẩm hạng 4 sao, 3 sản phẩm hạng 5 sao cấp tỉnh; 3 sản phẩm hạng 5 sao Trung ương…
Theo ông Nguyễn Văn Vọng: cần tăng cường liên kết trong xúc tiến thương mại và phát triển thị trường tiêu thụ đối với sản phẩm OCOP và mong muốn kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Giang tại tỉnh Quảng Ninh. Hiện nay, mỗi năm tỉnh Quảng Ninh thu hút hơn 12 triệu du khách, với nhu cầu rất lớn và đây là kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP thuận lợi mà chúng ta có thể tận dụng. Theo đó, Bắc Giang cần hình thành trung tâm các sản phẩm OCOP của tỉnh đặt tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh).
Ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho rằng: Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP cần tập huấn cho các huyện xã, chủ thể hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình OCOP. Hướng dẫn cách lựa chọn khảo sát, lập ý tưởng sản phẩm quyết định thành công của sản phẩm khi đưa ra thị trường. Ngoài ra tổ chức tập huấn tuyên truyền bằng nhiều hình thức gắn với sản phẩm cũng rất hiệu quả…Hội thảo nâng cao chất lượng sản phẩm Ocop tỉnh Bắc Giang năm 2022 là cơ hội rất tốt để trao đổi kinh nghiệm và phát triển nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP trong thời gian tới, ông Sỹ chia sẻ thêm.
Một số ý kiến cho rằng, cần xác định, khoanh vùng nguyên liệu và tổ chức sản xuất gắn với liên kết và phát triển các thương hiệu mà mỗi địa phương đã có và có lợi thế như tập trung phát triển các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, chứng nhận nhãn hiệu tập thể, qua đó thúc đẩy các doanh nghiệp đăng ký và phát triển các thương hiệu nhãn hiệu cho riêng mình, đây chính là động lực thúc đẩy mối liên kết “kéo” đối với sản phẩm của địa phương.
Hội thảo diễn ra dưới sự thảo luận sôi nổi, nhiều ý kiến được đưa ra trao đổi. Trong số các ý kiến trao đổi trực tiếp tại Hội thảo có 09 ý kiến đề xuất về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức; 08 ý kiến đề xuất về nêu cao vai trò của các cơ quan nhà nước trong việc triển khai thực hiện Chương trình; 07 ý kiến đề xuất các chính sách triển khai thực hiện chương trình; 13 ý kiến chia sẻ kinh nghiệm về phát triển sản phẩm OCOP; 08 ý kiến kiến nghị giải pháp về công tác đào tạo, tập huấn; 09 ý kiến đề xuất giải pháp về ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số trong quản lý thực hiện chương trình; 10 ý kiến về vấn đề xúc tiến thương mại và phát triển thị trường,...
Ông Phương Đình Anh, Phó chánh văn phòng nông thôn mới Trung ương đề nghị: “Chúng ta đang có rất nhiều sản phẩm mà hiện nay vẫn chỉ đơn thuần là sản phẩm thô sản phẩm tươi và sản phẩm chưa qua chế biến ấy đang là một điểm yếu trong phát triển sản phẩm. Đây là điểm yếu nên chưa thực hiện hóa được mục tiêu là dịch chuyển trạng thái là từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Muốn chuyển sang kinh tế nông nghiệp phải tìm mọi cách để chúng ta nâng cao giá trị của sản phẩm đó. Bởi vì trong sản xuất nông nghiệp đến một ngưỡng nhất định chúng ta cũng chỉ đạt được sản lượng nhất định. Vì vậy phải chuyển ra đa giá trị cho sản phẩm lý thông qua sự sáng tạo của người dân ở nông thôn”.
Phát biểu bế mạc tại Hội thảo, ông Lê Ánh Dương- Phó Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã đánh giá cao những chia sẻ và đóng góp tâm huyết của các nhà khoa học, doanh nghiệp, Hợp tác xã và đại biểu tại Hội thảo.
Tiếp thu ý kiến gợi mở của ông Phương Đình Anh - Phó Chánh VPĐP NTM Trung ương, ông Lê Ánh Dương cũng bày tỏ mong muốn các nhà khoa học, doanh nghiệp và các tỉnh bạn tiếp tục phối hợp, hỗ trợ và giúp đỡ tỉnh Bắc Giang trong triển khai thực hiện, cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP trong thời gian tới. Bắc Giang mong muốn, các nhà khoa học, doanh nghiệp và các tỉnh bạn tiếp tục phối hợp, hỗ trợ và giúp đỡ tỉnh Bắc Giang trong triển khai thực hiện, cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.
Thông qua xây dựng sản phẩm OCOP đã thêm sự gắn kết, phát huy sức mạnh cộng đồng, thiết thực nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân nông thôn; góp phần xây dựng NTM bền vững. Qua một thời gian phát triển, Bắc Giang có một số kinh nghiệm bước đầu, bài học quý, thông qua hội thảo có thêm kiến thức mới, tự tin hơn thực hiện chương trình thời gian tới.
Ông Lê Ánh Dương nhấn mạnh: “Bắc Giang còn nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển sản phẩm OCOP. Do vậy, thời gian tới các cấp, ngành, địa phương cần quan tâm mở rộng số lượng, cơ cấu sản phẩm. Các huyện, TP nên xây dựng danh mục cụ thể, từ đó có hành động, định hướng rõ ràng để thực hiện.
Duy trì nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP chính là nâng sao cho sản phẩm. Điều này được rất nhiều người quan tâm. Muốn làm điều này, cần khai thác sâu khía cạnh văn hóa của sản phẩm. Khác với công nghiệp, sản phẩm nông nghiệp có yếu tố văn hóa, yếu tố cộng đồng. Vì vậy, khi gia tăng hàm lượng văn hóa trong sản phẩm sẽ tạo được sự khác biệt của sản phẩm OCOP. Chúng ta phải quan tâm hỗ trợ chủ thể hiểu được điều đó, nâng cao giá trị sản phẩm”.
Hà Anh