Phát biểu mở đầu hội thảo, bà Lê Thị Kim Thanh, Phó Chủ tịch hội Luật gia Việt Nam cho biết, trong nhiều năm qua, các cấp hội Luật gia đã tích cực tham gia vào công tác hòa giải ở cơ sở (HGCS), thu được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Với mục đích đánh giá vai trò của hội viên hội Luật gia và cơ chế tham gia của hội viên trong hoạt động HGCS; Tìm kiếm các mô hình tốt về hòa giải cơ sở, tìm ra các giải pháp để nâng cao vai trò của hội Luật gia trong công tác HGCS, tạo điều kiện để hội viên hội Luật gia tham gia đầy đủ và có hiệu quả vào hoạt động này.
Trong khuôn khổ dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” do EU và UNDP (Chương trình phát triển Liên hợp quốc) hỗ trợ, Trung ương hội Luật gia Việt Nam phối hợp với UNDP và trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển (Depocen) tiến hành khảo sát về sự tham gia hòa giải ở cơ sở của hội Luật gia Việt Nam tại 3 tỉnh là Sóc Trăng, Hà Tĩnh và Điện Biên. Từ kết quả báo cáo sẽ nhận được những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các cán bộ của Hội để hoàn thiện báo cáo.
Trình bày phần báo cáo, đại diện Depocen cho biết, theo thống kê của bộ Tư pháp, tính đến cuối năm 2018, cả nước có trên 107 nghìn tổ hoà giải với hơn 650 nghìn HGV. Các tổ hoà giải, HGV đã tiến hành hoà giải hàng trăm nghìn vụ việc, từ đó góp phần hạn chế việc khiếu nại, kiện cáo.
Trong đó, kết quả khảo sát từ 3 tỉnh Sóc Trăng, Hà Tĩnh và Điện Biên (đại diện cho 3 miền) cho thấy, công tác HGCS đa phần ở việc hoà giải mâu thuẫn trong tranh chấp liên quan đến đất đai, đây cũng là lĩnh vực phức tạp đòi hỏi kinh nghiệm và trình độ của HGV.
Khảo sát chỉ ra rằng, kỹ năng của các HGV khi tham gia hoà giải còn hạn chế. Cụ thể, mức độ không hài lòng về các vụ hoà giải ở Điện Biên chiếm tỷ lệ lên tới 46%, Hà Tĩnh là 31% và Sóc Trăng là 11%. So với tỷ lệ trung bình cả nước là gần 30%.
Bên cạnh đó, nhiều HGV vẫn đang kiêm nhiệm nhiều chức vụ ở địa phương, do đó khó khăn trong bố trí sắp xếp thời gian tham gia hoà giải; Kiến thức pháp luật, kỹ năng hoà giải còn hạn chế; Thiếu tài liệu liên quan đến trẻ em, quyền con người...
Ngoài ra, công tác hoà giải vẫn xảy ra bất bình đẳng, khi phụ nữ là đối tượng thường chịu thiệt thòi trong các vụ hoà giải. Ngoài ra, kinh phí hỗ trợ cho các tổ hoà giải, HGV ở mỗi địa phương cũng không đồng đều, nhiều địa phương còn gặp khó khăn về kinh phí hỗ trợ cho HGV…
Kết thúc phần báo cáo, hội thảo sôi nổi với nhiều ý kiến tham gia đóng góp, đáng chú ý như phần phát biểu của ông Trần Văn Quảng, nguyên Vụ trưởng vụ Tổ chức Cán bộ, bộ Tư pháp. Theo ông Quảng, hiện tại hội Luật gia Việt Nam có trên 50 trung tâm tư vấn pháp lý. Theo nội dung trong thông báo 50 của Ban Bí thư và Chỉ thị 21 của Chính phủ đều nhấn mạnh vào sự tham gia của Hội vào công tác HGCS.
Với trên 50 trung tâm Tư vấn pháp luật hiện có, hội Luật gia Việt Nam cần huy động được thành viên tham gia vào HGCS. Nếu huy động được nguồn lực này tham gia trực tiếp vào công tác hoà giải sẽ tăng cao tính hiệu quả, bởi đây là nguồn lực có kiến thức pháp luật.
Ngoài ra, việc đảm bảo bình đẳng giới trong công tác hoà giải phải được đẩy mạnh và đảm bảo. Vị này nêu dẫn chứng: "Báo cáo nhận được mới đây của bộ Tư pháp cho thấy, nhiều tỉnh ví dụ như Hà Giang có tới 40% vụ hoà giải khuyên phụ nữ nên chấp nhận thiệt thòi cho xong việc. Vậy là công tác hoà giải chưa nhìn nhận công bằng với bình đẳng giới".
Đóng góp thêm ý kiến, ông Vòng Khiềng, Giám đốc trung tâm Tư vấn pháp luật, hội Luật gia tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, bản thân mỗi HGV cần nắm rõ quyền hạn, trách nhiệm cũng như phạm vi của mình trong công tác hoà giải.
Ông Khiềng nêu ví dụ: “Có trường hợp người vợ bị chồng bạo hành, khi đến hoà giải lại được HGV tư vấn là "chị về đi, bị chồng đánh có mấy cái sao lại ly hôn". Đó là HGV đã không hiểu biết hết quy định luật Hôn nhân gia đình".
"Trường hợp trên đã nhầm lẫn giữa HGCS với phạm vi của toà án. Hoà giải chỉ là đưa ra lời khuyên, đưa ra những lý lẽ thấu tình đạt lý chứ không được phán xét, buộc người khác làm theo. Như vậy là vô tình vi phạm vào quy định pháp luật”, ông Khiềng bổ sung.
Các đại biểu bày tỏ nhất trí, làm sao cho HGV biết được chức năng nhiệm vụ của mình để tư vấn hoà giải đúng. Cần thiết vận động những người có năng lực pháp luật vào tổ hoà giải để giúp việc hoà giải đúng người, đúng luật.
Ngoài ra, cần có cơ chế cụ thể, đơn cử như có những khoản kinh phí hỗ trợ đối với các tổ hoà giải, HGV để họ đảm bảo lợi ích khi tham gia công tác hoà giải.