Giải pháp nào cho tình trạng lừa đảo trong lao động việc làm?

Giải pháp nào cho tình trạng lừa đảo trong lao động việc làm?

Võ Công Thư

Võ Công Thư

Thứ 5, 12/07/2018 19:30

Chiều 12/7, ông Lê Minh Tấn - Giám đốc sở Lao động Thương binh và xã hội (LĐTB-XH) TP.HCM đã trả lời chất vấn đại biểu tại kỳ họp thứ 9 HĐND TP.HCM khóa IX.

Mở đầu phần chất vấn của mình, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm phản ánh tại một số quận, huyện trên địa bàn thành phố có tình trạng lừa đảo trong lao động việc làm, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có giải pháp hiệu quả nào nhằm kéo giảm tình trạng này.

Đại biểu Trâm cho rằng, người lao động khi có nhu cầu tìm việc làm do thiếu thông tin nên dễ bị lừa và phải kêu cứu báo chí.

“Chúng ta không thể nào chịu thua để cho các đối tượng này lừa đảo người lao động. Về vai trò quản lý, sở nhận định gì và giải pháp nào để xử lý triệt để tình trạng này”, bà Trâm đặt câu hỏi với Giám đốc sở LĐTB-XH.

Giải pháp nào cho tình trạng lừa đảo trong lao động việc làm?

Giám đốc sở LĐTB-XH TP.HCM trả lời chất vấn.

Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở LĐTB-XH Lê Minh Tấn cho biết hiện TP có 83 cơ sở dịch vụ việc làm, trong đó 50 cơ sở của TP có chức năng giới thiệu việc làm. 33 chi nhánh còn lại lợi dụng chức năng thu tiền, đưa người lao động đi nước ngoài.

“Với những cơ sở giới thiệu việc làm sai phạm, sở tiến hành nhiều biện pháp xử lý như gỡ biển, đồng thời đăng thông tin trên cổng thông tin của sở để cảnh báo, khuyến cáo người lao động tỉnh táo, lựa chọn những cơ sở đi uy tín. Để hạn chế tình trạng người lao động bị lừa, thời gian tới sở sẽ phối hợp với các quận, huyện tiếp tục tăng cường công tác thanh kiểm tra, đề nghị sở Kế hoạch Đầu tư TP rút giấy phép những cơ sở, trung tâm sai phạm”, ông Tấn thông tin.

Cũng trong buổi chất vấn Giám đốc LĐTB-XH Lê Minh Tấn, nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề giảm nghèo trên địa bàn TP trong giai đoạn 2016 - 2020. Theo ông Tấn, muốn thoát hộ nghèo, cận nghèo bền vững thì bản thân các thành viên trong các hộ gia đình này phải có việc làm ổn định

Ông Tấn cho hay TP thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo gần 26 năm qua giờ thành chương trình giảm nghèo bền vững. Trong 26 năm qua, TP có 8 lần điều chỉnh mức nghèo. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, chuẩn của TP là hộ nghèo có thu nhập dưới 21 triệu đồng (chuẩn quốc gia là dưới 10,8 triệu), hộ cận nghèo có mức thu nhập dưới 28 triệu (chuẩn quốc gia là 12 triệu). 

Đầu năm 2018, TP còn 21.800 hộ nghèo, 36.112 hộ cận nghèo. “Trong 5 năm giai đoạn vừa qua TP đều đạt kết quả giảm nghèo khả quan, đạt chỉ tiêu trước kế hoạch 2 năm. Cuối năm 2018, TP nâng chuẩn nghèo lên mức dưới 28 triệu đồng, hộ cận nghèo dưới 36 triệu đồng. Dự kiến khi nâng chuẩn, TP sẽ có dưới 5.000 hộ nghèo, 28.000 hộ cận nghèo. Quan điểm của TP là giảm nghèo bền vững chứ không chạy theo thành tích”, ông Tấn cho biết.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - chủ tịch HĐND TP.HCM mong sở LĐTB-XH có trách nhiệm giáo dục, động viên bà con hộ nghèo có ý thức tự vươn lên thoát nghèo. “Sở cần có giải pháp phù hợp giảm nghèo giữa đô thị và nông thôn. Cần tạo điều kiện để hộ nghèo được tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống”, bà Tâm nhắn nhủ.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.