Theo báo cáo của phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỷ lệ doanh nghiệp sẵn sàng khởi kiện khi có tranh chấp với đối tác đang giảm dần theo từng năm. Đây là nghịch lý rất đáng lo ngại, bởi lẽ kinh tế phát triển, giao dịch, hợp tác, ký kết tăng lên đồng nghĩa các tranh chấp trong làm ăn sẽ tăng lên.
Nguyên nhân mà VCCI đưa ra khi cho rằng doanh nghiệp "ngại" kiện ra tòa là bởi thời gian kéo dài, chi phí cao, tình trạng "chạy án" còn diễn ra tràn lan. Bên cạnh đó, do chính sách được đưa ra chưa toàn diện, mới chỉ là những quy định mang tính định hướng, chưa chuẩn bị tốt các điều kiện thi hành và thiếu cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả.
Đặc biệt kết quả khảo sát trên diện rộng cũng cho thấy tình trạng doanh nghiệp giảm niềm tin vào hệ thống tư pháp. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc doanh nghiệp ngại khởi kiện ra tòa khi có tranh chấp mà có xu hướng nhờ “xã hội đen” giải quyết tranh chấp!
Có thể nói, khảo sát của VCCI cho thấy thực trạng nền hành chính công vụ nói chung và giải quyết tranh chấp thông qua các cơ chế pháp lý hiện nay chưa thật sự hiệu quả, chưa tạo được niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra hiên nay là cần phải làm rõ, xử lý thấu đáo, triệt để tình trạng trên. Theo chúng tôi, cần triển khai thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, phải tăng cường năng lực giải quyết tranh chấp của hệ thống tòa án, công tác thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự. Bởi lẽ, doanh nghiệp ngại ra tòa vì họ chưa tin vào năng lực, sự công bằng, khách quan của tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh tế, thương mại. Cùng với đó là việc chậm xác minh, thi hành án sau khi có phán quyết của tòa còn diễn ra khá phổ biến gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Thứ hai, phải điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân trong việc cố tình kéo dài, gây khó khăn, cản trở việc giải quyết các tranh chấp, nhất là các vụ án kinh tế, thương mại. Đặc biệt là khi bản án đã có hiệu lực pháp luật mà cố tình gây khó khăn, nhũng nhiễu, tiêu cực không chịu thi hành án cho doanh nghiệp thắng kiện.
Thứ ba, đẩy nhanh việc hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo cơ chế thông thoáng trong việc thụ lý, giải quyết các tranh chấp. Theo đó, cần có cơ chế tạo điều kiện cho việc thụ lý, giải quyết các tranh chấp một cách nhanh chóng, đơn giản, nhất là áp dụng thủ tục rút gọn, thụ lý đơn qua mạng... Đồng thời, tôn trọng và đảm bảo thi hành đối với phán quyết của trọng tài thương mại trong nước và nước ngoài.
Thực hiện có hiệu quả các giải pháp trên không những nâng cao hiệu quả công tác xét xử, thi hành án mà còn lấy lại niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đối với hệ thống pháp luật nước ta, nhất là hạn chế tình trạng ngại đưa các tranh chấp ra tòa. Bên cạnh đó, còn góp phần vào việc đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, nhất là ngăn chặn các băng nhóm “xã hội đen” có “đất” để hoạt động, hoành hành.
Ths. Luật gia Phạm Văn Chung
(Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, sở Tư pháp tỉnh Kon Tum)