Dân bức xúc vì phải “gánh” phí oan
Theo phản ánh của một số người dân, mặc dù không hề lưu thông đi lại trên tuyến đường tránh TP Vinh (Nghệ An), hình thức BOT, của Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4), nhưng hàng ngày, họ vẫn phải “gánh” một khoản phí đường bộ, để hoàn vốn cho dự án này.
Việc đóng phí thông qua mua vé, tại trạm thu phí cầu Bến Thủy 1, nối 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Cách thức này đã diễn ra nhiều năm qua, khiến các chủ phương tiện, ở các địa phương trên rất bức xúc.
Theo giải thích của nhà đầu tư, để tạo một hệ thống giao thông liên hoàn từ Bắc Hà Tĩnh đến Nam Nghệ An, Cienco 4 đã được Bộ GT-VT cho phép đầu tư thêm 3 hạng mục khác, với kinh phí trên 600 tỷ đồng.
Các hạng mục dự án bao gồm: Cầu vượt QL46 với đường sắt Bắc - Nam (435 tỷ đồng), để giải quyết ách tắc khu vực phía Tây TP Vinh và đảm bảo ATGT cho đường sắt Bắc - Nam; tiểu dự án cầu vượt QL8B với QL1A (156 tỷ đồng); dự án đầu tư sửa chữa cầu Bến Thủy cũ (17,6 tỷ đồng). Vì lẽ đó, họ cho rằng, việc đặt trạm phí ở cầu Bến Thuỷ 1 như hiện nay là hợp lý.
Tuy nhiên, thời gian qua, người dân huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) và TP Vinh liên tiếp kiến nghị, đòi di dời trạm thu phí này và giảm giá vé đến mức phù hợp nhất.
Ông Ngô Trọng Nghĩa, Phó tổng giám đốc Cienco 4 cho hay: “Đơn vị rất ghi nhận, trong thời gian sớm nhất sẽ có báo cáo với Bộ GT-VT, chủ trương của địa phương và yêu cầu chính đáng của người dân. Trong thời gian đang chờ các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, trả lời, Cienco 4 sẽ tiếp tục sử dụng phương án đã áp dụng trước đó, bù lỗ trong thời gian tháng 12/2016 và đầu năm 2017. Những chủ phương tiện nào mua vé tháng 12/2016, với số tiền lớn, chủ đầu tư sẽ trừ vào vé tháng 1/2017.
“Từ tháng 1 - 11/2016, số lượng xe đăng ký từ 300 - 850 xe. Chủ đầu tư đã bỏ ra số tiền gần 3,9 tỷ đồng, bù lỗ. Vì không có trong phương án tài chính, chủ đầu tư phải tự bỏ ra. Nếu kéo dài phương án này, không nhà đầu tư nào có thể chịu được”, ông Nghĩa phân trần.
Trách nhiệm của chính quyền
Sự việc người dân tụ tập, gây ách tắc tại cầu Bến Thuỷ 1, bắt đầu vào khoảng 8h ngày 3/11. Rất nhiều phương tiện dừng đỗ và người dân tụ tập ngay tại phía Nam đầu cầu Bến Thủy 1, để phản ánh việc không sử dụng đường tránh, vẫn mất phí oan.
Nhận được tin báo, Công an huyện Nghi Xuân đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng, vận động để người dân hiểu và giải tán đám đông, nhằm đảm bảo giao thông trên tuyến QL1A. Tuy nhiên, các ngày sau đó, tình trạng trên vẫn tiếp tục diễn ra.
Thượng tá Nguyễn Quang Thành, Trưởng Công an huyện Nghi Xuân cho hay: “Việc người dân tụ tập tại cầu Bến Thuỷ 1 đã gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn. Công an huyện đang tích cực khuyên bà con nhân dân thực thi và làm đúng theo pháp luật”.
Ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân trao đổi với PV: “Sự việc xảy ra, chính quyền đã cử cán bộ công an xuống hiện trường tuyên truyền, động viên bà con nhân dân hiểu và trở về. Chiều ngày 10/12, UBND huyện trực tiếp mời người dân lên trao đổi, làm việc. Qua buổi đối thoại, chính quyền đã tập hợp các kiến nghị của bà con, gửi lên UBND tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan chức năng, nhờ giải quyết”.
Ông Nam cho biết thêm: “Trước mắt, người dân cũng hứa, thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của UBND huyện. Tuy nhiên, kết quả như thế nào, còn phải chờ!”.
Việc người dân liên tục xuống đường, phản đối, đòi hỏi quyền lợi khiến giao thông ách tắc, các hoạt động xã hội bị trì trệ... Đây là một hành động không nên cổ súy, khuyến khích. Nhưng trong khi chờ Bộ GT-VT, Bộ Tài chính có ý kiến trả lời, giải pháp trước mắt là Cienco4 và UBND huyện Nghi Xuân cần có sự phối hợp tốt hơn, để sự cố trên không còn xảy ra, gây làm ảnh hưởng đến quá trình lưu thông của người dân và phương tiện.
Liên quan đến vấn đề thu phí tại 2 trạm nói trên, trước đó, tháng 12/2015, ông Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký công văn, với nội dung đề nghị Tổng Cty Cienco 4 kiểm tra, xem xét điều chỉnh giảm mức phí, đối với xe cộ của người dân sinh sống 2 bên cầu Bến Thủy, thuộc TP Vinh (Nghệ An) và huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Theo ông Đường, mức thu phí như thông báo là quá cao, không phù hợp so với thu nhập của công chức và người lao động trong thời điểm hiện nay. Tiếp đó, ngày 2/8/2016, ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ký Văn bản số 3621/UBND-XD gửi Bộ Tài chính đề nghị di dời trạm thu phí Bến Thuỷ 1 và 2 về vị trí phù hợp; đồng thời công văn cũng kiến nghị giảm mức thu phí từ 20 – 60% cho người dân, để phù hợp với thu nhập của người dân 2 bên cầu. Tuy nhiên, trước kiến nghị của địa phương, giải thích cho việc thu phí tại Trạm thu phí Bến Thủy, Bộ GT-VT cho rằng 2 dự án BOT này có giá trị đầu tư rất lớn (hơn 2.800 tỷ đồng). Do đó, nếu chỉ đặt một trạm thu phí tại cầu Bến Thủy 2 sẽ không đảm bảo hiệu quả tài chính. Mặt khác, rất dễ xảy ra tình trạng phương tiện sẽ trốn trạm bằng cách đi qua cầu Bến Thủy 1. |
Ngọc Tuấn – Thúy Nga