Clip: Tọa đàm "Kết nối và Hợp tác phát triển du lịch”.
Với tinh thần hợp tác, liên kết cùng phát triển, “Tọa đàm kết nối và hợp tác phát triển du lịch” được tổ chức nhằm kết nối, trao đổi kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp hợp tác phát triển, xây dựng các tour tuyến, liên kết phát triển du lịch giữa Cà Mau với các tỉnh ĐBSCL, các tỉnh nằm trên tuyến đường hành lang ven biển phía Nam của Thái Lan, Campuchia.
Để thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch, những năm qua, tỉnh Cà Mau đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách nhằm mời gọi, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh du lịch.
Tăng cường tham gia các hoạt động kết nối, hợp tác với các địa phương trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh ĐBSCL và các địa phương nước ngoài.
Đến với Cà Mau là đến với những cánh rừng ngập mặn, chứa đựng những tiềm năng to lớn về lâm sản, hải sản và du lịch sinh thái.
Mũi Cà Mau với điểm cuối đường Hồ Chí Minh, Cột cờ Mũi Cà Mau, đền thờ Lạc Long Quân, tượng Mẹ,.. và những công trình mang nhiều ý nghĩa vừa được đầu tư xây dựng; vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển, khu RAMSAR thế giới.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Trần Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau mong rằng: “Thông qua buổi tọa đàm, chúng tôi mong muốn tạo cơ hội để các địa phương cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong chuỗi giá trị ngành du lịch giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các khó khăn, chính sách thu hút, phát triển du lịch.
Thiết lập quan hệ hợp tác, đề xuất giải pháp đẩy mạnh kết nối, xúc tiến phát triển du lịch. Tôi hy vọng rằng sau buổi tọa đàm hôm nay, mối quan hệ giữa các địa phương trong khu vực ĐBSCL và cả 3 nước Thái Lan, Campuchia và Việt Nam sẽ ngày càng thân thiết hơn, đầu tư du lịch sẽ ngày càng phát triển cả về chất lượng và số lượng”.
Chia sẻ về kinh nghiệm trong kết nối du lịch của Thái Lan, ông Peerapol Triyakasem, Chủ tịch Công ty du lịch Virgo Solution cho biết, du lịch Cà Mau chưa thu hút được khách du lịch quốc tế, vì hạ tầng giao thông chưa được phát triển.
Ông Peerapol Triyakasem dẫn chứng: “Tôi muốn đi đến Cà Mau phải bay từ Thái Lan đến TP.HCM, sau đó ngồi xe nhiều giờ mới đến được Cà Mau rất mất thời gian”.
Ông Peerapol Triyakasem chia sẻ thêm: “Cà Mau có thể sử dụng cảng cá để phát triển du lịch.
Do đó, chúng tôi mong muốn Cà Mau sớm hình thành bến cảng không chỉ phát triển thủy hải sản mà còn phát triển du lịch, bởi phát triển du lịch hàng hải chi phí rẻ hơn nhiều so với du lịch hàng không. Tôi cũng hy vọng ý tưởng của tôi giúp kết nối du lịch Cà Mau với Campiuchai, Thái Lan và hơn nữa”.
Nói về những khó khăn, vướng mắc về kết nối, xúc tiến, tổ chức du lịch Cà Mau, bà Tạ Thị Tú Uyên, Phó Giám đốc ban sản phẩm dịch vụ công ty Vietravel cho hay, hiện nay, giao thông đi lại đến các điểm du lịch trọng điểm vẫn còn một số trở ngại.
Một số xe lớn (45 chỗ) không thể đến được vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và U Minh Hạ.
Ngoài ra, các cơ sở phục vụ du lịch, đặc biệt là khách sạn vẫn còn hạn chế, chưa đủ đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách vào dịp cuối tuần, mùa cao điểm. Sản phẩm du lịch và dịch vụ còn nghèo nàn; chưa có nhiều sản phẩm du lịch về đêm để thu hút khách; nguồn nhân lực thiếu và yếu;…
Bà Tạ Thị Tú Uyên nêu giải pháp: "Thời gian tới, Cà Mau cần quy hoạch phát triển du lịch dựa trên lợi thế so sánh, tập trung đầu tư các sản phẩm có tính đặc thù, riêng biệt.
Liên kết hợp tác với TP.HCM, Cần Thơ và các tỉnh vùng ĐBSCL; cần tăng cường xúc tiến quảng bá hình ảnh và mời gọi đầu tư; chú trọng gắn kết với công nghệ thông tin; tận dụng tối đa sự tham gia của cộng đồng;…".