Nhiều biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin, bác sĩ chuyên khoa 2 Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (Tp.HCM) cho biết, bệnh viện đang điều trị cho 39 bệnh nhi, trong đó có 8 trường hợp nặng, biến chứng của bệnh sởi.
Theo bác sĩ Quy, hầu hết các trẻ nhập viện chưa tiêm ngừa vắc-xin sởi. Có 3 nhóm trẻ bị bệnh sởi. Trong đó, nhóm 1 do cha mẹ quên chích ngừa vắc-xin sởi cho con vì không có kinh nghiệm chăm sóc trẻ, không nhận định đúng tầm quan trọng vắc-xin sởi. Nhóm bệnh nhi bị bệnh sởi thường gặp nhiều nhất là ở nhóm 2 (dưới 9 tháng) chưa chích ngừa bị lây từ hàng xóm hoặc gia đình, anh em. Nhóm 3 là những trẻ không chích vắc-xin do cha mẹ nghĩ con có sức khỏe yếu…
Cũng theo bác sĩ Quy, những dấu hiệu ban đầu của bệnh sởi là sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mắt kèm nhèm, có khi ít biểu hiện ra. Tuy nhiên, có đôi khi phụ huynh hiểu sai, chủ quan cho đó là bệnh về mắt.
Ghi nhận thực tế tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (Tp.HCM), theo các bác bác sĩ, hiện tại 14 ca bệnh nhi đang điều trị về sởi, đa phần là trẻ dưới 12 tháng, có 2 trẻ khác bị sởi ở độ tuổi 4 - 5 tuổi. Các trường hợp này nhẹ chưa cần hỗ trợ biến chứng.
Đáng nói, các ca nhập viện đều đến từ các tỉnh, gồm 13 ca, chỉ có 1 ca ở Tp.HCM, nhiều nhất là Bình Dương và Đồng Nai.
Cũng theo các bác sĩ, những bệnh nhi bị sởi chuyển từ các tỉnh lên thì hầu hết phải nhập viện, trong đó đa phần biến chứng chuyển thành viêm phổi.
Trong bệnh viện có nhiều ca biến chứng, như sốt cao, viêm phổi nặng. Vì vậy, trẻ phải nhập viện điều trị tốn kém về thời gian, chi phí điều trị, hệ lụy suy dinh dưỡng. Giải pháp tốt nhất là phải chích vắc-xin cho trẻ, đồng thời phát động chiến dịch chống sởi để toàn dân hưởng ứng.
Không được chủ quan với bệnh sởi
Bác sĩ Nguyễn Đình Qui, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 khuyến cáo những dấu hiệu cảnh bảo biến chứng từ sởi. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu sởi, phụ huynh không cần nhất thiết phải đưa trẻ đến Bệnh viện Nhi đồng tại Tp.HCM điều trị. Vì hiện nay, ở địa phương vẫn điều trị các biến chứng từ sởi.
Vấn đề là phụ huynh cần phát hiện kịp thời các dấu hiệu như phát ban lan nhiều trên cơ thể từ cổ ra sau lưng, hay lan ra tứ chi thì phụ huynh phải phải nghĩ rằng đây là các dấu hiệu trẻ mắc sởi. Ngoài ra, các dấu hiệu như mắt đỏ, có nước mắt, ho…
Hoặc các biểu hiện như trẻ thở khó, thở dồn dập, … Đó là các dấu hiệu nặng, biến chứng, cần đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.
Sởi có thể làm giảm đề kháng, dinh dưỡng kém. Phụ huynh phải cho con ăn đủ năng lượng để giúp trẻ vượt qua bệnh, đồng thời đào thải virus sởi ra khỏi cơ thể.
"Những lưu ý quan trọng, thứ nhất phụ huynh không được lơ là, chủ quan, nhiều phụ huynh cho rằng con mình sởi rồi thì sau này không bị lại là quan điểm sai. Vì thực tế vẫn có ca bị sởi xong nhưng vẫn có thể bị lại.
Do đó, khi trẻ bị sởi khỏi rồi, phụ huynh phải lưu ý chích ngừa cho trẻ. Nếu sức đề kháng trẻ bị giảm vẫn phải chích bổ sung", bác sĩ Nguyễn Đình Qui chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Đình Qui khuyến cáo: "Điều đáng chú ý là sởi có thể có mức lây lan cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm. Hệ số lây lan bệnh ở Covid-19 chỉ có thể từ 2 đến 5 người. Trong khi đó, 1 người bị bệnh sở có thể lây 12-18 người, chỉ cần bệnh nhi tiếp xúc là có thể lây. Nếu bản thân chưa chích ngừa thì 90% sẽ bị sởi nếu tiếp xúc với nguồn bệnh".
Bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng: "Sởi là bệnh truyền nhiễm đã có từ lâu, chỉ có chích vắc-xin phòng ngừa là hiệu quả. Muốn vậy, thì nhiều ngành như giáo dục, y tế, truyền thông phải phối hợp tuyên truyền, để miễn dịch cộng đồng về sởi tốt hơn. Tôi cho rằng, có sự phối hợp toàn dân như chống dịch mới ngăn chặn được tình trạng bệnh sởi xảy ra trên diện rộng".