Sáng 17/7, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã tổ chức tọa đàm trao đổi với các chuyên gia ADB sau khi nâng dự báo tăng trưởng kinh tế cho châu Á đang phát triển và Thái Bình Dương trong năm 2024 lên 5,0% so với mức dự báo trước đó là 4,9%.
Việt Nam có thể duy trì đà tăng trưởng trong năm 2024
Ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam chia sẻ: "Nửa đầu năm 2024, kinh tế Việt Nam ghi nhận tăng trưởng khá ấn tượng, với GDP đạt 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này chủ yếu được thúc đẩy bởi sự phục hồi mạnh mẽ của thương mại, trong đó xuất khẩu tăng 14,5% và nhập khẩu tăng 17% so với năm ngoái. Tuy nhiên, phân khúc trong nước vẫn chậm chạp, với mức tiêu dùng cuối cùng chỉ tăng 5,8%".
Ông Shantanu Chakraborty dự báo, Việt Nam có thể duy trì đà tăng trưởng trong năm 2024 thông qua sự phục hồi thương mại bền vững trong sản xuất do xuất khẩu dẫn đầu và dòng vốn FDI và kiều hối tích cực, đồng thời nỗ lực hơn nữa để phục hồi tăng trưởng trong dịch vụ, sản xuất nông nghiệp ổn định và phục hồi tiêu dùng trong nước.
Đồng thời, ADB duy trì dự báo của chúng tôi về mức tăng trưởng kinh tế là 6,0% trong năm nay và dự báo sẽ tăng thêm 6,2% vào năm 2025. Lạm phát cũng được dự kiến sẽ ở mức ổn định là 4,0% trong cả 2 năm này, bất chấp áp lực liên tục từ căng thẳng địa chính trị và gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhận định về rủi ro làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam, Giám đốc ADB tại Việt Nam nhấn mạnh: "Mặc dù nền kinh tế dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng vững chắc trong năm nay và tăng trưởng với tốc độ cao hơn một chút vào năm tới, chúng tôi thấy một số rủi ro tiêu cực bên ngoài có thể làm chậm đà tăng trưởng của Việt Nam".
Những năm gần đây, sự suy giảm tương đối về tăng trưởng đã phơi bày những rủi ro về sự "mong manh" trong mặt cấu trúc nền kinh tế Việt Nam, ví dụ như sự phụ thuộc vào sản xuất xuất khẩu do FDI dẫn đầu, thị trường vốn mới chớm nở và sự phụ thuộc quá mức vào tín dụng ngân hàng, cùng nhiều yếu tố khác.
Trong bối cảnh trên, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam khẳng định: "Nếu những rủi ro này được giải quyết kịp thời, Việt Nam có thể đạt được tăng trưởng mạnh hơn. Do đó, các biện pháp chính sách năm 2024 sẽ cần kết hợp các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng ngắn hạn để tăng cường nhu cầu trong nước với các biện pháp khắc phục mang tính cấu trúc dài hạn để thúc đẩy phát triển bền vững".
Thách thức từ môi trường bên ngoài ngày càng lớn
Trao đổi tại tọa đàm, ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam cho biết, bên cạnh dịch vụ và sản xuất, giải ngân đầu tư công là một trong những động lực chính góp phần vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Song giải ngân đầu tư công so với kế hoạch các năm gần như nhau mặc dù có nhiều chỉ đạo, biện pháp thúc đẩy đầu tư công.
Từ đó, ông Hùng cho rằng cần cải thiện thêm nữa để có thể có những đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế. Có thể thấy, nhìn chung việc giải ngân vốn đầu tư công là thay đổi tăng lên theo từng tháng nhưng xu hướng gần như không đổi sau nhiều năm.
Nói về những rủi ro chủ yếu đối với triển vọng tăng trưởng, ông Hùng nhấn mạnh: "Thách thức đến từ môi trường bên ngoài ngày càng lớn. Việt Nam đang phụ thuộc tương đối nhiều vào xuất khẩu. Do đó, khi khó khăn trong thị trường thế giới và khu vực xảy ra, đây sẽ là rủi ro đối với tăng trưởng của Việt Nam".
Đối với nền kinh tế nội địa của Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thể hiện rõ qua việc môi trường kinh doanh, tín dụng, giải ngân ODA trong nước.
Bên cạnh đó, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam nhấn mạnh sự ảnh hưởng của các yếu tố thời tiết ảnh hưởng đến nông nghiệp và năng suất mùa màng. "Nửa đầu năm 2024, một số vùng đã có hiện tượng hạn hán nhưng nửa cuối năm đang có xu hướng tăng mưa. Rủi ro đó đồng thời có thể kèm theo lũ lụt, sạt lở gây ảnh hưởng đến canh tác nông nghiệp".
Từ đó, ông Hùng chia sẻ, thông điệp chính của ADB là triển vọng của nền kinh tế vừa lạc quan, vừa thận trọng, nhờ sự phục hồi thương mại và hoạt động FDI; nhu cầu trong nước vẫn còn yếu đòi hỏi cần có sự hỗ trợ phù hợp của các biện pháp tiền tệ và tài khóa.
Rủi ro thiên về hướng tiêu cực, nhu cầu toàn cầu suy yếu và căng thẳng địa chính trị tiếp diễn sẽ làm chậm quá trình khôi phục tăng trưởng hoàn toàn của ngành chế biến xuất khẩu Việt Nam. Các chính sách tài khóa hỗ trợ tăng trưởng và đầu tư công sẽ là những giải pháp chính sách then chốt để thúc đẩy tăng trưởng.
Trả lời câu hỏi về vấn đề tăng lương thời gian qua tác động như thế nào đến áp lực lạm phát, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam thông tin: "Sau khi tăng lương, thông thường theo xu hướng của các năm trước đây luôn có yếu tố kỳ vọng lạm phát. Nhưng bản chất của lạm phát trong nước vẫn là hàng hóa tăng chậm mà lượng cung tiền tăng lên nhanh, dễ đẩy mặt bằng giá lên".
Hiện nay, khó khăn của kinh tế trong nước cho thấy cầu nội địa đang yếu cho nên việc tăng lương có thể có tác dụng thuận lợi hơn cho kích cầu, gây ra áp lực lạm phát thấp hơn trước đây.
Trong điều kiện kinh tế bình thường, nguồn tăng lương là tăng tiền nhưng hàng hóa không tăng, dẫn đến tình trạng tăng giá. Nhưng trong bối cảnh trong nước đang khó khăn, ông Hùng cho rằng, biện pháp tăng lương giúp người hương lương chi tiêu tốt hơn, kích cầu tương đối nhiều hơn lạm phát.