“Vùng trũng” về phát triển kinh tế
Phát biểu tại Diễn đàn Liên kết doanh nghiệp thúc đẩy phát triển bền vững vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ mới đây, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI cho biết, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế, thuận lợi kết nối giao thương với Trung Quốc và ASEAN.
Trong đó, tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biên mậu, là vùng giàu tài nguyên, khoáng sản; thuận lợi phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản; hội tụ đầy đủ nhiều tiềm năng du lịch đặc sắc; đặc biệt, đây là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng.
Tuy nhiên, lợi thế của vùng vẫn chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Trong đó, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là "vùng trũng" trong phát triển kinh tế và là "lõi nghèo" của cả nước, liên kết vùng còn chưa chặt chẽ.
Phân tích kỹ hơn, ông Trương Đức Trọng, Chuyên gia dự án PCI, Ban pháp chế, VCCI cho biết trong khảo sát năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI cho thấy, chỉ số cơ sở hạ tầng của khu vực miền núi Bắc Bộ có điểm số thấp nhất so với các khu vực khác trên toàn quốc, là một trong những bất lợi lớn trong việc thu hút nhà đầu tư đến địa phương.
Một số khó khăn chính của cơ sở hạ tầng là khu công nghiệp hạn chế, chất lượng đường bộ chưa có bước chuyển biến đáng kể, chất lượng cung cấp điện còn rất nhiều vấn đề. Cùng với đó, chất lượng viễn thông và internet cũng không cao.
Một yếu tố nữa được nhà đầu tư quan tâm đó là điều kiện kinh tế gồm quy mô thị trường, thu nhập dân cư, sự phát triển các chuỗi cung ứng... Nhưng đây là một điều bất lợi của các tỉnh miền núi Bắc Bộ khi GDP bình quân đầu người theo thống kê trong vùng chỉ nhỉnh hơn khu vực Tây Nguyên.
Còn nhiều chỉ tiêu kinh tế khác của vùng cũng tương đối khiêm tốn so với các vùng khác, như số doanh nghiệp đang hoạt động, số lượng các siêu thị, chợ, trung tâm thương mại, các khu công nghiệp, khu chế xuất...
Riêng về mức độ phát triển của doanh nghiệp địa phương trên địa bàn thì tương đối thấp so với mức độ trung bình cả nước. Một số địa phương có giá trị tương đối gồm Lào Cai, Thái Nguyên với khoảng 4 doanh nghiệp/1000 dân, gần với giá trị trung bình của vùng Đồng bằng sông Hồng (6 doanh nghiệp/1000 dân).
Đáng chú ý, thu hút vốn FDI cũng không phải thế mạnh của vùng khi sự chênh lệch rất rõ rệt. Qua khảo sát, hiện nay chỉ có Bắc Giang là tam giác thu hút vốn FDI của vùng cùng với Thái Nguyên, Phú Thọ. Ở các địa phương còn lại có rất ít các dự án FDI.
Một thách thức nữa với các địa phương trong vùng đó là người lao động có xu hướng di cư đi khỏi địa phương. Vấn đề này biểu hiện rõ rệt ở một số địa phương như Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng.
Chất lượng lao động là một trở ngại của vùng, rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn lao động.
Bên cạnh những khó khăn nội tại, theo ông Trọng, cơ chế, chính sách địa phương cũng cản trở sự phát triển của vùng. Nếu nhìn nhận các chỉ số, thành phần cụ thể của PCI, thì khu vực miền núi Bắc bộ còn có những bất lợi.
Đó là việc tiếp cận đất đai khó hơn so với khu vực khác trên toàn quốc. Chi phí thời gian giải quyết thủ tục hành chính còn lớn. Chi phí không chính đang xếp cuối so với toàn quốc. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng xếp cuối cùng so với các địa phương và vùng khác trên toàn quốc…
Phát triển hạ tầng giao thông để thúc đẩy kinh tế
Bàn rõ hơn về vấn đề chính sách cho phát triển cơ sở hạ tầng, theo Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải Phạm Hoài Chung, để phát huy thế mạnh của vùng, cần phải xác định việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (quốc gia, vùng, địa phương) đồng bộ và phù hợp với đặc điểm, lợi thế và định hướng phát triển kinh tế của vùng. Từ đó, giao thông vừa là động lực thúc đẩy, vừa là cơ hội đầu tư phát triển song hành với tiềm năng kinh tế của Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Tại diễn đàn, ông Chung đề xuất 3 loại hình, trong đó có 2 loại hình giao thông trọng tâm được cho là phù hợp nhất đối với sự phát triển của vùng để tập trung ưu tiên đầu tư sớm, bao gồm đường bộ cao tốc và cảng hàng không.
Trong đó, cao tốc là phương thức vận tải nhanh, khối lượng lớn, tạo điều kiện kết nối vùng với vùng thủ đô Hà Nội theo mô hình hướng tâm sẽ liên kết các địa phương đi lên các cửa khẩu và về với vùng thủ đô để ra cảng biển và các vùng khác trong cả nước, phục vụ hành khách, hàng hóa ở các chặng đường ngắn và trung bình. Đồng thời sẽ kết nối đến các phương thức vận tải đường dài như đường sắt, đường biển.
Theo Đề án Thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, kết quả tính toán trên một số tuyến đường cao tốc đã đầu tư trong giai đoạn 2010 – 2020, tốc độ tăng trưởng GRDP của từng địa phương (có tuyến cao tốc đi qua địa bàn) tăng từ 1,1-2%/năm; tạo thêm công ăn việc làm, thúc đẩy thu hút đầu tư.
Về cảng hàng không, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không sân bay toàn quốc 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 7/6/2023. Theo đó, trong vùng sẽ có 3 cảng hàng không trong lộ trình đầu tư dự kiến đến 2030 cần được kêu gọi đầu tư, bao gồm dự án cảng hàng không Sa Pa, tỉnh Lào Cai; dự án cảng hàng không Lai Châu, tỉnh Lai Châu; dự án cảng hàng không Nà Sản, tỉnh Sơn La.
“Các doanh nghiệp đầu tư dự án hạ tầng giao thông cảng hàng không, sân bay yêu cầu là các doanh nghiệp mạnh, có chuỗi giá trị đầu tư thông qua hệ sinh thái gắn kết với dự án đầu tư giao thông để phát huy giá trị như đầu tư hệ sinh thái du lịch, nghĩ dưỡng, hoặc khai thác khoáng sản….hoặc khu đô thị sân bay”, ông Phạm Hoài Chung đề xuất.
Đối với loại hình thứ 3, đó là đường sắt kết nối. “Hiện 90% vận tải của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ phụ thuộc vào vận tải đường bộ. Do đó, cần quan tâm đẩy mạnh phát triển hạ tầng đường sắt để kết nối với vận tải biển giữa vùng và các vùng lân cận, tạo thuận lợi cho lưu thông và nâng cao giá trị hàng hoá của vùng”, ông Chung chia sẻ.
Cũng tại diễn đàn, nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy kinh tế vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ cũng được đưa ra.
Theo ông Trương Đức Trọng, cần phải tăng cường liên kết ngành trong các hoạt động về môi trường đầu tư kinh doanh tại địa phương để giải quyết những hạn chế nêu trên.
Để làm được điều này, các địa phương trong vùng cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời liên kết trong thương mại, liên kết về hạ tầng giao thông, logistics và phát triển chuỗi cung ứng. Liên kết trong đề xuất chính sách. Liên kết trong đào tạo nguồn nhân lực.
Ông Hoàng Quang Phòng cũng cho rằng liên kết chặt chẽ không chỉ chính quyền, mà ngay cả doanh nghiệp cùng chung tay xây dựng một quy hoạch chung cho toàn vùng. Liên kết để hình thành và phát triển hệ thống đô thị kết nối nội vùng với các đô thị lớn vùng đồng bằng sông Hồng...
Liên kết để hình thành một số cực tăng trưởng và trung tâm kinh tế của vùng, song hành với phát triển hành lang kinh tế, gắn với không chỉ hệ thống giao thông kết nối, mà còn với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong vùng, tránh cạnh tranh lẫn nhau bằng mọi giá.
Chuyển dịch theo hướng kinh tế xanh
Phát biểu trong diễn đàn, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng hạn hẹp, chuyển dịch kinh tế theo hướng kinh tế xanh đang là xu hướng của toàn cầu.
Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Trong Nghị quyết (NQ) Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng là chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý khai thác sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; kiên quyết loại bỏ các dự án làm ô nhiễm môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân là mục tiêu hàng đầu.
Đặc biệt NQ11 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện NQ11 xác định phương hướng phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng trung du, miền núi Bắc Bộ đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045 xác định vùng trung du miền núi Bắc Bộ là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện. Đây là tư duy đổi mới, mang lại tầm nhìn phát triển rõ cho vùng.
Chia sẻ tại diễn đàn, TS.Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương cũng cho biết, bắt đầu từ 1/10, EU sẽ áp dụng Cơ chế điều chỉnh carbon, đây là chính sách đặc thù, mặc dù giai đoạn đầu chỉ áp dụng với nhóm hàng hóa có nguy cơ rò rỉ carbon cao nhất là xi măng, sắt và thép, nhôm, phân bón, Hydrogen và Điện. Tuy nhiên, đến năm 2025, nhóm hàng hóa này sẽ được mở rộng hơn nữa.
Do vậy, với các doanh nghiệp, để phát triển sản phẩm, mở rộng các hàng hóa xuất khẩu, cần đảm bảo về các cam kết quốc tế về môi trường, đòi hỏi chúng ta cần đảm bảo được quy trình từ nguyên liệu đầu vào đến đầu ra sản phẩm. Mà hiện nay rất khó một doanh nghiệp có thể đảm bảo sản xuất được như vậy.
Tuy nhiên, lợi thế của vùng trung du miền núi Bắc Bộ là các sản phẩm nông nghiệp, nông sản, trong đó phát thải cacbon hoàn toàn có thể cung cấp ngược lại, trung hòa với phát thải Hydro. Do đó, các doanh nghiệp cần liên kết với nhau để trung hòa các cam kết môi trường, nâng cao giá trị.
Để thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, ổn định và bền vững, TS.Nguyễn Văn Hội đề xuất, phát triển cụm liên kết doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm vùng trung du miền núi Bắc Bộ gắn kết chặt chẽ với các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn.
Đặc biệt, ưu tiên phát triển cụm liên kết doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm vùng trung du miền núi Bắc Bộ tại các khu vực đã có tích tụ công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm hoặc có lợi thế nổi bật về vùng nguyên liệu, hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp, lao động, khoa học công nghệ, có khả năng trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng ngành chế biến nông sản, thực phẩm của vùng.
Bên cạnh đó, ưu tiên phát triển chế biến thực phẩm tại khu vực các tỉnh Sơn La, Phú Thọ; chế biến nông sản tại khu vực các tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ. Từ đó hình thành động lực tăng trưởng, tác động lan tỏa, mở rộng phạm vi phát triển cụm liên kết doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm vùng trung du miền núi Bắc Bộ ra các khu vực xung quanh mà không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
Cùng với đó, trong công nghiệp chế biến thực phẩm, gắn kết chặt chẽ từ khâu giống, nuôi trồng, khai thác, bảo quản sau thu hoạch đến sản xuất, chế biến, thương mại. Khuyến khích các cơ sở sản xuất thực phẩm tham gia các chương trình sản xuất sạch hơn; sản phẩm an toàn, sạch, xanh và hữu cơ; hệ thống quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm đạt tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế theo VietGap, GlobalGap, hữu cơ...
Hương Anh (t/h)