Tránh cơ chế xin – cho
Chiều 29/10, thảo luận ở tổ về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) đa số các ý kiến đều đồng tình với việc dự thảo luật mới tách giải phóng mặt bằng (GPMB) thành một dự án riêng; nâng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia từ 30.000 tỷ đồng trở lên, của dự án nhóm A, nhóm B và nhóm C với quy mô gấp 2 lần so với các quy định hiện hành.
Tham góp ý kiến, bà Văn Thị Bạch Tuyết - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp.HCM nhất trí tách công tác GPMB thành một dự án độc lập đối với tất cả các dự án, bao gồm cả dự án nhóm B, C.
Thống nhất với dự thảo luật, đại biểu Tuyết cho rằng cách làm này sẽ tạo sự chủ động, chống lãng phí vì trong thực tiễn khi gom cả dự án bồi thường hỗ trợ tái định cư vào dự án xây dựng thì xảy ra nhiều trường hợp do chậm trễ vướng mặt bằng, công tác tái định cư nên dự án xây dựng phải điều chỉnh nhiều lần, mất rất nhiều thời gian, lãng phí tiền của, công sức của chủ đầu tư.
Việc tách riêng hai dự án sẽ tạo ra sự chủ động trong triển khai. Hơn nữa, bà Bạch Tuyết cho rằng, việc tách dự án bồi thường GPMB còn giải quyết tình huống địa phương muốn tạo quỹ đất để đấu giá.
Với quy định như hiện nay thì không thể thực hiện được việc này. Bởi, nếu không có dự án xây dựng cụ thể sẽ không lập dự án bồi thường. Trường hợp có địa phương muốn tạo nguồn đất sạch để đấu giá nhằm tạo nguồn thu để đầu tư phát triển sẽ bị vướng.
Thứ hai, về quy định thẩm quyền của Thủ tướng giao cho UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên. Chủ tịch UBND cấp tỉnh được lựa chọn để giao một UBND cấp huyện làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên hoặc tổ chức thực hiện dự án theo thẩm quyền.
Đại biểu thống nhất với dự luật để tăng cường công tác phân cấp phần quyền, tạo sự chủ động trong phối hợp mà không phải chờ cơ quan trung ương làm chủ đầu tư dự án.
Nhiều cơ quan Trung ương và bộ phải phụ trách rất nhiều dự án bao gồm các dự án trọng điểm quốc gia. Nếu dồn hết cho chủ đầu tư là một bộ ở trung ương sẽ gây ra sự chậm trễ nhất định.
Về nâng quy mô vốn đầu tư công, đại biểu Tuyết hoàn toàn tán thành và cho biết, đoàn ĐBQH Tp.HCM từng góp ý điểm này từ lâu nhưng chưa được Quốc hội nghiên cứu tiếp thu.
Theo bà trên thực tiễn, có không ít dự án đầu tư công trên địa bàn của một tỉnh thành, không liên đới tới tỉnh thành khác mà quy mô vốn đã trên 10.000 tỷ đồng. Nếu phải thực hiện theo quy trình của dự án nhóm A sẽ mất rất nhiều thời gian công sức và thủ tục.
Do đó, việc nâng quy mô vốn các dự án trọng điểm quốc gia từ 10.000 tỷ lên 30.000 tỷ đồng là phù hợp. Với dự án nhóm B, C, theo bà không phải tăng gấp 2 lần như dự thảo luật mà có thể nghiên cứu tăng gấp 3 lần.
Tham gia góp ý kiến về Luật Đầu tư công (sửa đổi), ĐBQH Dương Ngọc Hải (đoàn Tp.Hồ Chí Minh) cho biết, bên cạnh những kết quả tích cực, thời điểm này Luật bộc lộ những hạn chế, thiếu sót bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành.
Cụ thể là, quy định trong luật có những điều chưa đáp ứng và chưa phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.
Thêm nữa, hiện nay Quốc hội cũng đã ban hành một số cơ chế chính sách thí điểm cho một số một số địa phương như: Tp.Hồ Chí Minh, Nghệ An, Đà Nẵng, hiện nay đang phát huy tác dụng. Do đó, ông Hải cho rằng cơ chế, chính sách này cần luật hóa để áp dụng trong phạm vi cả nước.
"Bên cạnh đó, qua thực tiễn cho thấy thủ tục đầu tư còn quá phức tạp, rườm rà, quá nhiều thủ tục hành chính làm kéo dài thời gian đầu tư từ việc xây dựng triển khai các kế hoạch đầu tư", ông Hải chỉ ra và cho rằng cần phải xây dựng các quy định pháp luật làm sao đơn giản hóa, rút ngắn thủ tục và thời gian đầu tư.
Ngoài ra, có một số nội dung chưa quy định cụ thể rõ ràng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục chưa đồng bộ, còn nhiều cách hiểu khác nhau. Vì thế, nên có sự đùn đẩy, tạo ra một cơ chế xin - cho giữa địa phương với các bộ ngành và giữa các bộ, ngành với nhau.
Bên cạnh đó, còn có những vướng mắc như chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu. Một số dự án, chương trình đầu tư cần điều chỉnh chủ trương đầu tư thì kéo dài rất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư dự án….
Từ những vướng mắc nêu trên, đại biểu đồng ý cao với quan điểm sửa luật, các cơ chế chính sách theo Luật Đầu tư công (sửa đổi) làm sao phân cấp, phân quyền mạnh từ Trung ương đến địa phương theo tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm", còn Trung ương thì tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo rõ người rõ việc, rõ trách nhiệm.
"Trên cơ sở đó, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính để nâng cao tinh thần trách nhiệm, tránh việc đùn đẩy, né tránh và tránh cơ chế xin – cho", ông Hải nói và kỳ vọng sửa Luật lần này sẽ tháo gỡ tất cả vướng mắc mà các địa phương gặp phải, đẩy nhanh các dự án đầu tư.
Tách GPMB để rút ngắn thời gian
Phát biểu tại tổ, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, Luật Đầu tư công sửa đổi lần này chủ yếu tập trung vào các nhóm giải pháp để giải quyết "căn bệnh trầm kha" trong đầu tư công chính là giải ngân chậm vốn đầu tư công.
Ông Lê Quang Mạnh chia sẻ, năm nào cũng vậy, báo chí, truyền thông đại chúng đều nhắc nhiều đến vấn đề giải ngân chậm vốn đầu tư công.
Nêu nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này, ông Mạnh cho biết một trong những lý do chính là công tác giải phóng mặt bằng.
Tiếp theo là công tác chuẩn bị đầu tư nhiều khi còn vội vàng nên quá trình triển khai thực hiện lại phải sửa đổi nhiều lần.
"Trên thế giới, nhiều nước mất nhiều năm chuẩn bị đầu tư cho 1 dự án nhóm A, nhóm B nhưng chỉ thực hiện trong 1 năm còn ta thì ngược lại", Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách nói.
Các lý do khác ông Mạnh chỉ ra là vì quản lý nhiều cấp nên quy trình thủ tục hành chính kéo dài; các dự án ODA có thủ tục phức tạp; việc sử dụng các nguồn khác nhau trong thực hiện đầu tư công không đồng bộ.
Do đó, theo ông Mạnh, lần này Chính phủ tập trung sửa đổi 5 nhóm giải pháp chính. Đầu tiên là phân cấp, phân quyền cho địa phương, bộ ngành để cắt giảm bớt thủ tục. Các cơ chế được thí điểm ở nhiều địa phương, nhiều ngành đã phát huy tác dụng, sẽ được luật hoá để thực hiện trên cả nước.
Giải pháp khác là tách GPMB để rút ngắn thời gian thực hiện dự án, đồng bộ hoá với các luật khác. Ngoài ra, còn có nhóm giải pháp riêng đối với các dự án ODA.
"Luật Đầu tư công tập trung xử lý các nguyên nhân của việc giải ngân chậm, đáp ứng mong muốn của các đại biểu đó là tạo sự linh hoạt trong thực tiễn cuộc sống để có nguồn lực kịp thời", ông Mạnh nói.