Nhật Bản đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng dân số chưa từng có tiền lệ, với tỉ lệ sinh hàng năm lần đầu tiên rơi xuống mức dưới 800,000 vào năm 2022.
Bất chấp các nỗ lực sâu rộng của chính phủ Nhật Bản, giải quyết cuộc “khủng hoảng sinh sản” kéo dài hàng thập kỷ ở “xứ sở mặt trời mọc” là một câu chuyện dài, trong bối cảnh nhiều phụ nữ Nhật Bản lo lắng rằng sự nghiệp của họ sẽ dừng lại ở việc làm mẹ.
Tuy không phản đối việc lập gia đình nhưng cô Chika Hashimoto, 23 tuổi, vừa tốt nghiệp Đại học Temple, chia sẻ bản thân cô cũng không hứng thú với chuyện “đại sự cả đời”.
“Lập gia đình chắc chắn không phải sự lựa chọn hàng đầu của tôi”, cô Hashimoto nói với Al Jazeera. “Có một sự nghiệp viên mãn và tận hưởng sự tự do còn quan trọng hơn nhiều so với việc kết hôn và sinh con”.
Khủng hoảng chưa từng có tiền lệ
Nhật Bản đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng dân số chưa từng có tiền lệ, với tỉ lệ sinh hàng năm lần đầu tiên rơi xuống mức dưới 800,000 vào năm 2022.
Theo số liệu thống kê do Bộ Y tế Nhật Bản công bố cuối tháng trước, quốc gia Đông Á có 799.728 ca sinh vào năm 2022, con số thấp nhất được ghi nhận trong 40 năm qua.
Tỉ suất sinh hiện nay ở Nhật Bản là 1.34 – thấp hơn đáng kể so với mức cần thiết (2.07) để duy trì dân số ổn định.
Dân số Nhật Bản đã liên tục giảm kể từ thời kỳ bùng nổ kinh tế vào những năm 1980 và đạt mức 125,5 triệu người vào năm 2021, theo số liệu gần đây nhất của chính phủ.
Đến năm 2065, dân số Nhật Bản được dự kiến giảm xuống còn 88 triệu người nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn.
Sự suy giảm tỉ suất sinh ở Nhật Bản trở thành tâm điểm của sự chú ý khi Thủ tướng Fumio Kishida, trong một bài phát biểu gần đây trước quốc hội, đã cảnh báo: Nhật Bản “đang có nguy cơ không thể duy trì các chức năng xã hội”.
“Khi nghĩ đến tính bền vững và tính toàn diện của nền kinh tế và xã hội của quốc gia, chúng tôi đặt hỗ trợ nuôi dạy trẻ em là chính sách quan trọng nhất của mình”, ông Kishida nói, đồng thời cho biết thêm rằng Nhật Bản “đơn giản là không thể chờ đợi lâu hơn nữa” trong việc giải quyết vấn đề suy giảm dân số của quốc gia.
Đây thực sự là một vấn đề phải xử lý “ngay bây giờ hoặc không bao giờ” đối với quốc gia Đông Á.
Chiến lược kép của ông Kishida nhằm ngăn đà suy giảm của tỉ lệ sinh ở Nhật Bản bao gồm: Tích cực khuyến khích các cặp đôi lập gia đình, đồng thời đưa ra những chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho “mô hình kinh tế xã hội ưu tiên trẻ em”.
Một cơ quan chính phủ mới sẽ được thành lập vào tháng 4 tới để tập trung vào vấn đề này, và ông Kishida đã cam kết sẽ tăng gấp đôi mức đầu tư cho các chương trình liên quan đến trẻ em, ví dụ như thông qua việc tăng trợ cấp chăm sóc trẻ kèm theo các sáng kiến chăm sóc trẻ sau giờ học.
Chỉ tiền thôi là không đủ
Nhưng chỉ riêng tiền có thể không giải quyết được vấn đề đa chiều, với các yếu tố xã hội khác nhau góp phần vào tỉ lệ sinh thấp của Nhật Bản.
Chi phí sinh hoạt cao, không gian hạn chế và thiếu hỗ trợ chăm sóc trẻ em ở các thành phố của nước này khiến việc nuôi dạy con cái trở nên khó khăn, đồng nghĩa với việc ít cặp vợ chồng sinh con hơn. Các cặp vợ chồng thành thị cũng thường ở xa đại gia đình ở các vùng khác, những người có thể hỗ trợ họ.
Trở lại với trường hợp của cô Hashimoto. Cô cho biết, những lo ngại về kinh tế là lý do chính khiến cô và nhiều phụ nữ trẻ ở Nhật Bản đang đắn đo về viễn cảnh một cuộc sống xoay quanh gia đình. “Chi phí nuôi dạy một đứa trẻ thực sự rất đắt đỏ”, cô cho biết. “Phụ nữ ở Nhật Bản rất khó khăn trong việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình bởi vì chúng tôi sẽ phải lựa chọn một trong hai”.
Cô Hashimoto cũng đồng tình rằng giải pháp của chính phủ – chủ yếu về tài chính – là không triệt để. Cô nói: “Những giải pháp đó có thể giải quyết vấn đề, nhưng vẫn cần phải có một hệ thống chặt chẽ hơn để cải thiện trợ cấp chăm sóc trẻ”.
Theo nghiên cứu từ tổ chức tài chính Jefferies, vào năm 2022, Nhật Bản đứng thứ ba danh sách những nơi có chi phí nuôi con tốn kém nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Hàn quốc, trong khi mức lương rất trì trệ. Mức lương trung bình hàng năm của người lao động ở Nhật Bản, hầu như không tăng từ cuối những năm 1900, là khoảng 39,000 USD, thấp hơn so với mức trung bình mà Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đặt ra là 50,000 USD.
Hơn nữa, thu nhập của phụ nữ ở Nhật Bản ít hơn 21.1% so với nam giới vào năm 2021, gấp đôi mức chênh lệch lương trung bình ở các nền kinh tế phát triển khác.
Thái độ đối với hôn nhân và việc lập gia đình cũng đã thay đổi trong những năm gần đây, với việc nhiều cặp đôi trì hoãn kết hôn và sinh con trong thời kỳ đại dịch – và ngay cả khi đại dịch đã qua đi, nhiều người trẻ Nhật Bản ngày càng cảm thấy bi quan về tương lai.
Cô Maki Kitahara, 37 tuổi, đã cố gắng thử có con với chồng cũ của cô cách đây vài năm.
“Thành thật mà nói, tôi sợ rằng tôi sẽ mất đi công việc của mình”, cô Kitahara nói với Al Jazeera. “Tôi thường hay nghe các quản lý nam nói về việc phụ nữ kết hôn và mang thai làm gián đoạn công việc, bao gồm phát triển kỹ năng, luân chuyển công việc và thăng tiến. Từ đó, tôi bắt đầu lo ngại về việc lập gia đình”.
Với khát vọng phát triển sự nghiệp và khám phá thế giới, cô Kitahara cảm thấy mình chưa bao giờ thực sự phù hợp với tiêu chuẩn của xã hội về một người vợ và người mẹ truyền thống của Nhật Bản.
Điều này một phần đã dẫn đến việc cô ly hôn và chuyển tới định cư ở Dubai, nơi cô đang điều hành trực tuyến một khoá đào tạo kỹ năng lãnh đạo dành cho phụ nữ Nhật Bản, thông qua một công ty có trụ sở tại Fukuoka.
Cần những biện pháp cứng rắn hơn
Cô Kitahara tin rằng cấu trúc xã hội và sự phân công lao động truyền thống trong một hộ gia đình Nhật Bản – đàn ông là trụ cột, đàn bà là nội trợ – sẽ không hỗ trợ lao động nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Cô nói: “Tôi cho rằng cần tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong hệ thống chính trị và kinh tế của đất nước để chúng ta có thể cùng nhau lên tiếng và làm chủ tương lai của mình”.
Mối tương quan giữa tỉ lệ kết hôn và tỉ lệ sinh con có thể nhận thấy rõ rệt ở Nhật Bản, khi tỉ lệ sinh con khi chưa kết hôn là 2% mỗi năm, so với mức trung bình khoảng 40% ở các nước phát triển khác.
“Khi một phụ nữ độc thân ở Nhật Bản mang thai, dường như cô ấy sẽ chỉ có 2 lựa chọn: Phá thai hoặc miễn cưỡng kết hôn”, học giả Kozue Kojima viết năm 2013. “Việc có con ngoài giá thú hiếm khi nằm trong sự lựa chọn của họ”.
Trong lúc cơ hội giáo dục và cơ hội thăng tiến đang ngày càng tăng – tình hình tương tự ở các nền kinh tế tiên tiến khác, nhiều phụ nữ Nhật Bản trì hoãn việc sinh con hoặc quyết định không sinh con
Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tuổi trung bình các bà mẹ mang thai đứa con đầu lòng ở nước này đã tăng lên 30.9 tuổi vào năm 2021, mức cao nhất kể từ năm 1950.
Bà Yuko Kawanishi, giáo sư xã hội học tại trường Đại học Lakeland ở Tokyo, tin rằng hệ thống việc làm của Nhật Bản, bao gồm seiki (nhân viên toàn thời gian) và hiseiki (nhân viên hợp đồng), là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng dân số hiện nay ở “xứ sở hoa anh đào”. Tỉ lệ các bà mẹ tham gia lực lượng lao động đang tăng lên đáng kể, lên đến 76% vào năm 2021, cao hơn 20% so với năm 2004. Tuy nhiên, chỉ 30% tổng số họ là làm việc lâu dài.
“Đây là một vấn đề kinh tế vĩ mô rất nghiêm trọng bởi vì nhiều phụ nữ trẻ đang lo lắng về việc không có việc làm cố định”, giáo sư Kawanishi nói với Al Jazeera. “Xét về mức ổn định, phúc lợi và mức lương, có một sự bất bình đẳng trầm trọng giữa công việc của seiki và hiseiki”.
Mặc dù giáo sư Kawanishi thông cảm với mối lo ngại về nhân khẩu học của Nhật bản trong tương lai, bà tin rằng cần phải có những biện pháp cứng rắn hơn để giải quyết tình trạng này.
“Quy mô dân số là cơ sở của mọi vấn đề trong xã hội”, bà Kawanishi nói. “Có nhiều việc chúng ta có thể làm nhưng chưa có cách nào hiệu quả. Tôi không nghĩ chính sách mà Nhật Bản ủng hộ trong những tuần vừa qua đã thực sự quyết liệt để thay đổi cục diện”.
Nghiêm Mai (Theo Al Jazeera, CNN)