Giai thoại hòn đá biết 'đẻ' của bộ tộc Rơ Mâm

Giai thoại hòn đá biết 'đẻ' của bộ tộc Rơ Mâm

Thứ 4, 10/04/2013 14:38

Hòn đá biết "đẻ" đã có từ thời người Rơ Mâm mới hình thành làng, hình dạng phiến đá như đang ngậm chiếc ngà voi, người Rơ Mâm tôn là "Yang Ngà" (cụ tổ) và tin đó là điềm lành cho cả làng.

Chúng tôi biết đến chuyện về hòn đá biết "đẻ" hết sức tình cờ... Vào một buổi sáng, chúng tôi có dịp lên huyện Sa Thầy công tác và nghe người dân nói ở đây có tục lệ của một đồng bào thiểu số hay lắm. Phần vì muốn tìm hiểu văn hóa của đồng bòa dân tộc thiểu số, phần vì tính tò mò, chúng tôi tìm đến làng Le cách trung tâm huyện hàng chục ki lô mét. May mắn hơn chúng tôi gặp được ông Nguyễn Hệ, phó giám đốc Công ty 78, một đơn vị quân đội làm kinh tế ở khu vực này đang giúp làng Le xây mấy chiếc bể trữ nước mưa nên ông Hệ dẫn chúng tôi xuống làng chơi.

> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!

Giai thoại hòn đá biết "đẻ"

Lòng vòng trên các con đường nhỏ dẫn vào những dãy nhà tôn lóa nắng, chúng tôi chợt nhận ra điều kì lạ. Ngay giữa trung tâm làng có một căn chòi vách gỗ, mái lợp tôn theo kiểu nhà sàn nhưng chỉ cao chừng 1,5m, đứng lạc lõng giữa thảm cỏ rậm rạp. Thắc mắc trước sự bài trí của ngôi chòi chúng tôi lân la hỏi thì được người dân làng Le giải thích, đấy là căn chòi thờ hòn đá thiêng của làng... "Tôi qua lại  làng này nhiều lần nhưng chuyện về hòn đá kỳ bí này, cũng chỉ biết lõm bõm, dù là người quen thân với ông A Giói, bí thư chi bộ thôn và bây giờ là già làng, tôi cũng chưa từng được tiết lộ. Có lẽ họ kiêng người lạ biết điều bí mật của mình", ông Hệ bày tỏ.

Lạ & Cười - Giai thoại hòn đá biết 'đẻ' của bộ tộc Rơ Mâm

Người Rơ Mâm thờ cúng hòn đá biết "đẻ"

Để có thể biết rõ hơn về hòn đá biết "đẻ", chúng tôi phải nài nỉ đến suốt buổi mới được ông A Giói tiết lộ đôi chút về hòn đá bí ẩn này: "Người dân trong làng thường gọi phiến đá là hòn đá, nhưng thực tế đó là một phiến đá lớn bằng cỡ chiếc rổ, màu nâu xám. Đầu mỏm chìa ra một mẩu màu trắng hình tròn, dài độ một gang tay nhẵn bóng, trông hệt chiếc ngà voi ai đó cắm vào. Tuy nhiên điều mà họ tôn thờ chưa phải là hình thù kỳ dị đó mà là "phép lạ" mà phiến đá thể hiện. Chính việc biết "đẻ" con đã khiến cả dân làng phải bái hòn đá này làm "Yang"(cụ tổ của làng).

Theo ông A Giói cứ vào một khoảng thời gian không nhất định, thường là hai, ba mùa rẫy, phiến đá lại "đẻ" con, mỗi một mẩu đá kích thước không giống nhau, màu sắc cũng không giống nhau (lớn nhất là cỡ nắm tay người lớn) tròn trịa được tách ra từ hòn đá mẹ. Và mỗi lần "đẻ", đương nhiên hòn đá mẹ lại nhỏ dần đi... Cho đến nay nó đã "đẻ" được 9 "con" tất cả. Từ khi rước hòn đá về làm "Yang", làng Le luôn bình yên, người, gia súc không xảy ra dịch bệnh, lúa được mùa chất đầy kho, đi săn thường gặp thú lớn.

Theo lời già làng thì thỉnh thoảng "Yang" lại dẫn lũ con đi đâu mất biệt. Đã có lần già làng phải huy động già trẻ, lớn bé vào rừng vạch từng gốc cây ngọn cỏ để tìm mà không thấy. Khi mọi người đinh ninh là trong làng có ai đó làm điều gì phật ý "Yang" thì bỗng nhiên "Yang" lại dẫn lũ con nguyên vẹn trở về...

Với quan niệm "vạn vật hữu linh", bất cứ vật gì khi đã thành đối tượng để thờ cúng, đồng bào dân tộc vẫn thường khoác lên nó một "màu áo" huyền thoại như thế. Nhiều người cho rằng đó sự trùng hợp ngẫu nhiên. Tuy nhiên, không thể phủ nhận chuyện phiến đá biết "đẻ". Chính ông A Giói từng là cán bộ xã, hiện đang là bí thư chi bộ thôn - người có vốn văn hóa nhất định, cũng không tin chuyện huyền bí, ma quỷ. Nhưng cho đến thời điểm này, ông cũng không thể giải thích vì sao lại có những điều bí ẩn lạ lùng này...

Đứng trước những lời kể về những điều huyền bí này chúng tôi chỉ có thể nói lên rằng có thể do sự cấu tạo đặc biệt nào đó của phiến đá (sự tập hợp của những loại đá có thành phần và màu sắc khác nhau) khi gặp những biến động đột ngột về thời tiết trong những khoảng thời gian nào đó, chúng sẽ giản nở và tự tách ra. Như thế đương nhiên dưới con mắt của người dân làng Le thì đó là đá "đẻ".

Lạ & Cười - Giai thoại hòn đá biết 'đẻ' của bộ tộc Rơ Mâm (Hình 2).

Cộng đồng người Rơ Mâm ở tỉnh Kon Tum

Lấy máu trâu tắm cho phiến đá

Theo những người dân làng Le kể lại, hôm đó làng tổ chức đi săn, nhưng đi cả ngày mà vẫn không được con thú nào. Thất vọng, mọi người định quay về thì đoàn người bỗng thấy lũ chó hướng cả vào một lùm cây sủa vang cả một góc trời. Như những lần đi săn khác, người làng Le lại nghi có thú ẩn nấp, nên bao vây lùm cây rồi chỉa nỏ bắn. Nhiều mũi tên lao vào bụi cây nhưng chẳng thấy gì đoàn người gọi đàn chó về nhưng chúng lại càng sủa dữ hơn. Thấy điềm lạ, cụ tổ đích thân vén vào lùm cây vào xem thử thì thấy một phiến đá hình thù kỳ dị gây sự ngạc nhiên cho mọi người. Cho rằng hòn đá có thể mang lại may mắn cho dân làng Rơ Mâm nên cụ tổ hạ lệnh cho mọi người cõng nó về làng...

Ngay trong đêm hôm đó, đàn ông làng tổ chức uống rượu giải mệt, bỗng giật mình vì một tiếng thét thất thanh, mọi người ra chỗ có tiếng thét thì phát hiện điềm lạ, hòn đá họ cõng về lúc chiều đã "đẻ" một đứa con bằng nắm tay người lớn. Kinh hãi vì điều kỳ dị xảy ra, theo lời khuyên của cụ tổ, người làng Le đâm một con trâu đực lấy máu tắm cho phiến đá và đứa con của nó. Người dân làng Le cho biết, hình dạng phiến đá như đang ngậm chiếc ngà voi. Do vậy, họ tôn là "Yang Ngà" và tin chắc đây là điềm sinh sôi nảy nở mà Yang mang đến.                 

Cần sự kiểm chứng của các nhà khoa học

Có một điều làm người ta luôn đặt ra câu hỏi liệu trong tự nhiên có chăng những viên đá có cấu tạo đặc biệt mà tách ra như "biết đẻ"  như thế? Lại còn chuyện phiến đá này thỉnh thoảng bỗng biến mất cùng với "lũ con" rồi đột nhiên trở về nguyên vẹn? Hay có một bàn tay nào dám đùa giỡn với niềm tin tâm linh của một cộng đồng? Nói chung, tất cả những huyền bí này phải cần đến sự kiểm chứng của các nhà khoa học...

Q.Triệu

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.