Chứng tích về "hòn đá chém" oan nghiệt
Vãn cảnh Thập Tháp, một điều bí ẩn luôn thôi thúc trí tò mò của phật tử bốn phương cũng như các nhà khoa học, có lẽ nằm ở câu chuyện về "hòn đá chém" phía sau chùa. Đã từng có không ít cuộc thăm dò, nghiên cứu nhưng xem ra vẫn chưa thể tìm được lời giải đáp thỏa đáng. Chúng tôi cũng đem thông tin về sự tích "hòn đá chém" liên lạc với các chuyên gia sử học hàng đầu nhưng câu trả lời nhận được khá mơ hồ. Phần đông đều cho rằng, mới chỉ nghe kể về hòn đá đó chứ chưa tìm được tài liệu nào chứng thực.
Bản thân ông Nguyễn Thanh Quang, trưởng phòng Nghiệp vụ, Ban quản lý di tích tỉnh Bình Định cũng thừa nhận, câu chuyện về "hòn đá chém" được người dân truyền tụng bao đời nay là có thực. Nó đã sừng sững ở đó hơn 200 năm, giản dị làm một bậc tam cấp cho khách thập phương bước chân qua. Tuy nhiên, truyền thuyết về hòn đá kỳ lạ vẫn là câu hỏi lớn đối với giới nghiên cứu lịch sử và khảo cổ học.
Dù mắt mờ, chân mỏi, nhiều khi không thể nhớ nổi tên họ của mình nhưng cụ Hà vẫn vanh vách kể cho chúng tôi nghe sự tích về "hòn đá oán hờn" nằm trong chùa. Câu chuyện bắt đầu từ cách đây 200 năm trước, dưới thời vua Gia Long- Nguyễn Ánh. Khi đó, thành Hoàng Đế là kinh đô của triều Tây Sơn vốn nằm trên nền cũ của kinh đô Đồ Bàn của Chiêm Thành xưa. Tương truyền, khi Nguyễn Ánh đánh chiếm thành Hoàng Đế, ông đã mở một cuộc trả thù vô cùng tàn khốc. Kinh đô oai trấn một thời nhanh chóng bị triệt phá, dấu vết vương triều đầu tiên nhà Tây Sơn hầu như bị xóa sạch. Không thể kể hết bao nhiêu đầu rơi máu chảy tại chốn kinh thành này.
Theo lời kể của cụ Hà, đang thế thắng như chẻ tre, Nguyễn Ánh phát chiếu chiêu dụ những người trong hoàng tộc Tây Sơn với lời hứa sẽ không trả thù. Vị chúa hứa hẹn, ai có tài sẽ được trọng dụng, ai phạm tội nặng nhất cũng chỉ bị đầy vào miền Nam tiên phong khai khẩn vùng đất mới. Tuy nhiên, sau khi đạt được mục đích, Nguyễn Ánh nhanh chóng trở mặt, xuống tay sát hại toàn bộ những nghĩa sĩ Tây Sơn ra quy hàng. "Cỗ máy chém" của Nguyễn Ánh lia đi khắp nơi, lấy mạng bất kỳ già trẻ, lớn bé mà ông ta coi là "kẻ thù xưa". Những ngôi mộ tập thể được đào khắp nơi, trở thành nấm mồ chung của hàng nghìn người trên khắp đất Bình Định.
"Hòn đá chém" được đặt ngay cửa chánh điện chùa Thập Tháp.
Cũng theo huyền tích từ ngàn xưa truyền lại, trên đường sát phạt, quân Nguyễn Ánh tìm được một hòn đá màu trắng đem về đặt trước cổng thành Hoàng Đế. Binh lính dùng hòn đá làm điểm kê đầu nạn nhân lên đó mà chém. Cũng từ đó, hòn đá vô tri được biết đến với cái tên "hòn đá chém". Không thể thống kê nổi có biết bao nhiêu đầu rơi, máu chảy trên hòn đá oan nghiệt này. Chỉ biết rằng, lòng dân oán hờn sự tàn khốc của Nguyễn Ánh ngày càng chất cao như núi.
Tương truyền, cứ đêm đêm, bất kể thời tiết, những tiếc khóc ai oán lại phát ra từ tảng đá trước thành Hoàng Đế. Người ta đồn rằng, chính những linh hồn oan nghiệt không được siêu thoát vẫn còn quẩn quanh đâu đây cất lên tiếng khóc. Nhiều người còn đồn thổi, hàng đêm, một chiếc đầu lâu lăn ra từ "hòn đá chém" đến đập cửa nhà từng vị quan triều Nguyễn ỉ ôi đòi mạng. Dù không ai biết thực hư thông tin trên, nhưng những quan quân triều Nguyễn từng dính vào vụ thảm sát thuở nào đều ăn không ngon, ngủ không yên. Họ từng lập đàn cầu siêu giải oan, nhưng vẫn không thể xua nổi tà khí. Một điều kỳ lạ, binh lính từng nhiều lần tìm cách di chuyển hòn đá oan nghiệt nhưng nó vẫn không hề nhúc nhích? Câu chuyện về hòn đá vẫn không ngừng gieo rắc nỗi sợ hãi cho người dân sống xung quanh.
Chuyện về một cao tăng hóa giải oan khuất
Hàng trăm năm qua, cùng với biến thiên của lịch sử, "hòn đá chém" vẫn yên vị trước cổng thành như chứng tích cho một thời tội ác của quan quân triều Nguyễn. Tưởng rằng, những linh hồn tội nghiệp sẽ không được siêu thoát, nỗi oan khuất khó lòng hóa giải, bỗng ngày nọ một vị cao tăng đắc đạo xuất hiện. Đó chính là trụ trì chùa Thập Tháp, thiền sư Phước Huệ, một người nổi tiếng bác thông kinh luận. Theo lời kể của cụ Hà, sư thầy đến thành xin lập đàn cầu siêu, hóa giải nỗi oan khuất tày trời của những linh hồn xấu số. Thật kỳ lạ, sau 3 ngày đêm lập đàn kinh kệ, vị cao tăng đã đưa được "hòn đá chém" về chùa.
Oan khiên được hóa giải, hòn đá chỉ cần 4 người khiêng đã có thể nhấc đi nhẹ tênh. Cũng từ đó, người dân xung quanh thành mới không bị đánh thức bởi những tiếng khóc não lòng giữa đêm khuya. Tuy nhiên, nó cũng để lại không ít bài học cho những vị quan triều Nguyễn độc ác đương thời.
Sau hồi vãn cảnh, cụ Hà cũng dẫn chúng tôi tới mục sở thị "hòn đá chém" nằm chơ vơ giữa chùa. Theo quan sát của phóng viên, hòn đá nằm yên vị ngay cửa chánh điện của chùa Thập Tháp, xung quanh phủ bóng mát của cây cổ thụ. Nếu không được giới thiệu sẽ chẳng ai nghĩ đó là hòn đá oan nghiệt từng “gieo” tội ác một thời. Chiều cao khoảng 0,38m, dài khoảng 1,58m; rộng 1,3m; toàn thân phẳng lì, đen láng như hòn đá mài, 4 góc được đẽo 4 nét hoa văn đơn giản. Thoáng nhìn, không ai có thể ngờ trong hòn đá hiền hậu kia đã chứa đựng biết bao nỗi oan khuất của hàng trăm mạng người.
Một điều đặc biệt, "hòn đá chém" nằm ngay bậc tam cấp cho khách thập phương bước qua. Thấy chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, cụ Hà giải thích: "Sở dĩ hòn đá được đặt ngay lối đi lại của cửa chánh điện cốt để người dân bước qua. Dấu chân của người trần sẽ dần hóa giải nghiệp chướng mà hòn đá từng mang. Giáo lý từ bi bác ái của nhà Phật cũng đồng thời giải nỗi oan khiên của những sinh linh xấu số".
Cũng theo lời kể của cụ Hà, trong đêm đầu tiên chuyển về chùa Thập Tháp, nhà sư Phước Huệ đang ngon giấc bỗng thấy một vị mặc trang phục võ tướng hiện hình nói rằng: "Ông ỷ là đệ tử nhà Phật nên phá nhà tôi hả?". Trụ trì Phước Huệ giật mình hét to khiến tất cả tăng ni trong chùa bừng tỉnh. Tỉnh dậy mới biết, sư thầy vừa trải qua một cơn ác mộng. Qua thời gian, nỗi oan khuất cũng dần được hóa giải.
Một hòn đá khác cũng có “lý lịch” tương tự Ngoài "hòn đá chém" đang yên vị ở chùa Thập Tháp, còn một hòn đá khác cũng có "lý lịch" tương tự đã được nhà sư Hồng Phương cúng, đưa về một ngôi chùa tại xã Tây Vinh (Tây Sơn). Khi hòn đá này còn nằm tại Lăng Võ Tánh trong khuôn viên thành Hoàng Đế thì dân làng quanh vùng đau yếu liên miên, mùa màng thất bát. Để người dân an cư lạc nghiệp, nhà sư Hồng Phương cũng đã lập đàn cúng giải oan rồi đưa về chùa. Từ đó người dân xã Nhơn Hậu sống cạnh thành Hoàng Đế mới có cuộc sống thanh thản khi thoát được nỗi ám ảnh truyền đời(!?) |
Anh Văn
Kỳ 3: Bí ẩn hạt lúa khổng lồ nuôi sống toàn bộ tăng ni trong chùa