Kỹ nghệ hạ thủ chúa sơn lâm
Những năm 30 của thế kỷ trước, săn cọp trở thành một thú vui tiêu khiển mang cảm giác mạnh của giới nhiều tiền. Thú vui trên thu hút nhiều người tham gia đến nỗi, các trọc phú người Pháp, Mỹ, Anh đã thành lập hẳn một công ty chuyên phát triển dịch vụ trên mang tên Caffort. Tuy nhiên, thú vui trên chỉ dành cho nhà giàu và tổ chức chỉ thu lợi từ phí của dịch vụ. Theo đó, nhà tổ chức không hề để ý đến giá trị của những con cọp bị săn có khi còn vượt cả số tiền họ thu được từ phí dịch vụ. Đối với giới thợ săn, một con cọp dù sống dù chết đều mang lại những món tiền kếch xù. Lợi nhuận đó đã đưa họ vào cái nghề tìm diệt chúa sơn lâm đầy may rủi.
Theo ông Võ Hùng Sơn, năm nay đã ngoài 90, ngụ tại xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), người còn lưu giữ những chuyện kể về kỹ nghệ săn cọp tại vùng này cho biết: "Tôi được nghe và biết chuyện săn cọp từ thời còn theo ông nội. Ông tôi cũng là một thợ săn cọp có hạng thời đó. Tuy nhiên, dân săn cọp lúc bấy giờ phần lớn là người Tây lai, chứ ít có người Việt. Vì người mình lo làm ăn trên đồng trên ruộng và đâu có nhiều súng đạn hiện đại để săn. Mà có săn được cọp to cũng chẳng biết để làm gì, lại mạng họa vào thân. Thời còn rừng thiêng nước độc, nghe đến tên "ông Ba Mươi" dù già hay trẻ cũng đã rùng mình".
Đi săn cọp không bao giờ lỗ Ông Sơn cho biết: "Thời điểm đó, ít khi người ta đi săn cọp mà trở về tay không. Nếu không may bắn trượt cọp thì giới thợ săn sẽ săn tìm các con nai đang mang thai để lấy bào thai về bán cho các xưởng pha chế rượu thuốc. Nghe nói rượu ngâm bào thai nai là thứ rượu thập toàn đại bổ. Tuy nhiên, chỉ có người Hoa Chợ Lớn mới biết pha chế. Ngoài ra, họ cũng tìm hươu vừa rụng sừng, đang lúc mọc sừng mới để lấy nhung về bán". |
Tuy nhiên, Tây lai lại khác, họ có đủ tiền để sắm sửa các phương tiện cần thiết, có nơi sẵn sàng bỏ cả núi tiền để mua lại tất cả những gì thuộc về chúa sơn lâm. Theo lời ông Sơn, trước đây, trong số các tỉnh cũ như Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Bà Rịa… thì duy chỉ có Biên Hòa là có nhiều hổ nhất. Thế nên, giới thợ săn người Tây lai từ Sài Gòn quy tụ về đây rất đông. "Không như săn bắn các loại thú khác, cọp là mãnh thú hoang dã nguy hiểm nhất đối với các con vật khác cũng như với con người. Một con cọp có thể tấn công, giết chết 3-4 người đang sức thanh niên như thường. Do đó, nếu như không có sự chuẩn bị với những công đoạn, kỹ năng nhất định thì không chỉ không săn được cọp mà nhiều khi còn bỏ mạng", ông Sơn cho biết thêm.
Một trong những công đoạn đầu tiên cho cuộc săn chúa sơn lâm là phải lập các tiền đồn ở các chợ huyện. Thường thì giới thợ săn chọn: Tân Uyên, chợ huyện lớn nhất tỉnh Long Thành (cũ), chợ Cây Đào, chợ Tân Ba làm tiền đồn. Tại đây, giới thợ săn có thể tìm những người bản xứ thông thuộc địa bàn muốn săn, những vật dụng cần thiết để hành nghề. Sau những cuộc nhậu "tẩy trần", đám thợ săn chọn ra cây súng tốt nhất, thường là loại súng trận. Các trai làng nếu được mời gọi hỗ trợ cũng không được phép mang theo những cây súng bắn chim thô sơ. Loại súng này không những không hạ được cọp trong phát súng đầu tiên, ngược lại còn có thể gây ra tai nạn bất ngờ.
Ngoài ra, những thợ săn cũng chuẩn bị một con dao đặc biệt bén, mỏng được rèn bằng thép tốt, một chiếc đèn soi đặc biệt chạy bằng đá đèn. Người ta cột đèn này trên trán theo kiểu công nhân thợ mỏ chứ không dùng đèn pin cầm tay. Việc cột đèn trên trán cho phép người thợ săn chủ động hơn trong việc sử dụng đôi tay linh động của mình. Một trong những dụng cụ thiết yếu khác là cuốc, xoong nồi và rượu đế. "Rượu này thường để ấm người khi đi xuyên rừng trong đêm hoặc để lấy thêm can đảm cho người thợ chuẩn bị đưa mình vào cuộc chiến sinh tử", ông Sơn nói thêm.
Tiền trạm trước khi đi săn của những thợ săn cọp chuyên nghiệp
Sau những chuẩn bị đầy toan tính, những thợ săn chia thành từng tốp không quá năm người, thuê xe bò lục tục kéo vào rừng rậm. Một trong những điều cấm kị trong khi di chuyển trong rừng là các thành viên không được nói chuyện, không ồn ào, cười nói. Họ chỉ lẳng lặng đi bên nhau trong những quy ước, kế hoạch đã thỏa thuận từ trước như vậy trong nhiều giờ liền để đến một cái trảng. Theo ông Sơn, trảng thực chất là một vùng đất cây bụi thấp, đặc biệt nhiều cỏ tranh. Trảnh hình thành do người dân tộc thiểu số bản địa canh tác theo kiểu du canh du cư mà thành.
Theo đó, những người này sẽ hạ cây, đốt một khu đất trống, bằng phẳng hay đồi thấp để canh tác. Vì không biết cải tạo, bón phân, sau vài mùa, đất canh tác hết dinh dưỡng xấu đi, họ lại kéo nhau đi nơi khác. Vùng đất bỏ hoang ấy, sau một thời gian cỏ tranh mọc lên quá đầu người. Đó là nơi cọp thường xuyên tụ tập. Trả lời nguyên nhân trên, ông Sơn cho biết: "Cỏ tranh non là thức ăn khoái khẩu của nai, hoẵng. Mà nai, hoãng lại là con mồi ưa thích và thường xuyên của ông Ba Mươi. Thế nên, khi đêm về, nai kéo nhau ra các bãi tranh ăn cũng là khi cọp ra rình mồi. Các thợ săn nắm được đặc điểm ấy nên tìm ra đây phục cọp".
Phần thưởng sau những trận kịch chiến
Đến địa điểm đã được thám thính từ trước, những thợ săn bắt đầu công việc chiếm lấy thế thượng phong trong cuộc chiến sống còn với ông vua rừng núi. Theo đó, người thợ săn phải nắm rõ hướng gió để tránh cái mũi rất thính của loài cọp. Ông Sơn giải thích: "Loài cọp rất thính hơi. Nó có thể phân biệt được mùi của voi, gấu, nai và cả hơi người. Thế nên, cọp rình ở hướng đông, có gió thổi từ hướng đông tới mà người thợ săn vẫn nằm phục hướng ấy là hỏng. Vì gió sẽ đưa mùi của ta đến với cọp, hoặc chúng bỏ đi hoặc khát máu lao ngay đến vị trí ta đang nằm phục mà chưa chuẩn bị kỹ lưỡng mà vồ, xé xác".
Những tấm da hổ được bán cho gia đình giàu có làm đồ trang trí
Theo những tay săn hổ kỳ cựu, việc chọn vị trí "mai phục" cũng vô cùng quan trọng. Lựa chọn sai và thiếu kinh nghiệm có thể dẫn cả nhóm vào cửa tử. Theo đó, người ta thường chọn vị trí phía trước có cây bụi thấp, đủ để nấp. Tuyệt đối không để khoảng cách các bụi cây, cây to với ta từ phía sau quá ngắn. Giải thích việc này, ông Sơn cho biết: "Đó là cách đề phòng khi bị hổ dữ tấn công nếu khoảng cách trên quá gần thì ta không thể nhảy tránh được. Ngược lại, nếu không có bụi cây, thân cây lớn, ta cũng không có nơi ẩn nấp, hạn chế những cú vồ của cọp được".
Kinh nghi khắc chế những cú tấn công chết người Theo ông Sơn, khi cọp tấn công mục tiêu, chúng sẽ vọt tới vồ đối thủ hoặc vụt dậy tát mạnh bằng bàn chân trước dũng mãnh được trang bị bộ móng sắc như dao, cứng như thép nguội. Do đó, cách tốt nhất để bảo toàn lực lượng cho đồng đội, các thợ săn phải nhanh chóng phân tán mỏng ra, ẩn sau những thân cây lớn để khắc chế các cú vồ chết người. Khi vồ hụt, chúng sẽ dừng ít giây chuẩn bị cho một cú vồ khác, lợi dụng thời gian này, ta lại đổi sang cây khác. Đây được cho là cách phân tán sự tập trung của con vật vào một nạn nhân. Những người còn lại sẽ tìm cách hạ nó bằng một phát súng duy nhất vào giữa trán con vật. |
Khi đã chọn được vị trí thuận lợi, người thợ săn thường bình tĩnh, im lặng quan sát đợi cơ hội cho con cọp lọt vào tầm ngắm của mình. Lúc này, người thợ săn không thể thiếu kiên nhẫn hoặc hoảng sợ. Khi xuất hiện cọp, người thợ phải chiếu thẳng ánh đèn vào mắt nó. Ánh đèn sáng trong đêm rất thu hút ánh mắt của các loài động vật. Tuy nhiên việc chiếu đèn chỉ diễn ra khi họ xác nhận được đúng mục tiêu vì trong đêm tối, mắt cọp và mắt hươu, nai cũng rất khó để phân biệt. Việc xác định con mồi, ngắm bắn phải là công việc của một tay súng thiện xạ. "Những người non nghề thường không chỉ hỏng ăn mà đôi khi còn đưa cả nhóm vào vòng nguy hiểm", ông Sơn khẳng định.
Để nhanh chóng kết thúc cuộc chiến, sau khi con cọp bị thu hút bởi ánh đèn sáng rực trong đêm, mắt hướng về phía ánh sáng, người thợ săn nhanh chóng ngắm vào giữa trán con vật, nín thở và bóp cò. Một âm thanh xé toạc sự tĩnh lặng của màn đêm. Nếu may mắn, con vật sẽ gầm lên một tiếng đau đớn trước khi ngã quật xuống đám cỏ xanh. Lúc này, những thợ săn sẽ đứng dậy quan sát chứ không ra khỏi chỗ ẩn nấp cho đến khi con vật không còn nhúc nhích. Sau đó, cả nhóm sẽ dùng lưỡi dao thép bén lột một cách chuyên nghiệp bộ da vằn vện của chúa sơn lâm. Bộ da này sẽ được bán với giá rất cao cho các gia đình vương giả, các tiệm may, các xưởng thuộc da. Sau đó, họ sẽ chôn xác con vật trong một cái huyệt cạn được vùi bằng những loại cây gai chắc chắn.
Những hố chôn như vậy được giới thợ săn đánh dấu và ngụy trang rất kỹ. Mục đích của việc này là để các vi sinh vật làm sạch phần thịt cọp. Sau 3 tháng, phần xác giờ đã trở thành một bộ xương sạch sẽ. Chúng sẽ được mang về bán cho thương lái tàu ở Chợ Lớn, Sài Gòn làm cao hổ cốt, thuốc bột hổ đầu. Tuy nhiên, đó là những trường hợp may mắn. Thường thì những cuộc đối đầu với ông hoàng rừng xanh của loài người luôn gặp phải thất bại. Về sau, hổ cũng càng ngày càng hiếm, tiếng súng săn đã dồn chúng vào rừng già, nơi biên giới xa xôi. Đến lúc này, những kỹ nghệ của bậc thầy săn cọp sẽ được sử dụng trong một cái nghề mới: Hướng dẫn viên săn cọp cho khách Tây.
Người dân tộc tháp tùng đại gia người Tây săn cọp tại Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng
"Giảng viên môn săn cọp"
Thời Pháp thuộc, thú vui săn cọp thu hút người tham gia đến nỗi chính quyền Pháp cho thành lập hẳn một trung tâm săn cọp. Tác giả Bình Nguyên Lộc trong di cảo "Săn cọp Đồng Nai" viết: "Trung tâm săn cọp ở miền Nam nước Việt là thị xã Ban Mê Thuột chớ không phải là ở vùng Đồng Nai. Người Pháp đã biến trung tâm Ban Mê Thuộc thành một kỹ nghệ lớn, dành thu hút đô-la Mỹ...". Hơn thế, tại Sài Gòn lúc bấy giờ cũng thành lập hẳn một nhà tổ chức mang tên Caffort nằm trên đường Catinat (đường Đồng Khởi bây giờ). Đây là nơi sẽ cung cấp súng săn, lều bạt, trang thiết bị thiết yếu cho bất cứ một người nào có đam mê giáp mặt chúa sơn lâm.
Tuy nhiên, chừng đấy thôi cũng chưa thể hoàn tất dịch vụ săn hổ trọn gói. Khách hàng của hãng này thường yêu cầu có những người thợ săn giỏi theo chân để hướng dẫn. Các bậc thầy trên ngoài việc hướng dẫn cách săn cọp, đảm bảo an toàn cho khách hàng còn phải luôn làm mới thú vui này bằng những cách săn táo bạo, hấp dẫn. Để làm được như vậy, họ phải là người am hiểu dân địa phương, có mối liên hệ mật thiết với các dân tộc thiểu số địa phương được chọn để săn.
Theo ông Sơn, ngoài lối săn cọp ở trảng cỏ tranh như các thợ săn chuyên và bán chuyên hay sử dụng, tổ chức trên còn chọn cách săn chủ động hơn. Đó là cọp giữa đường. Đây là cách săn không cần phải thám thính, lựa chọn một địa điểm nhất định. Nhóm thợ săn chỉ xác định một khu vực có cọp và tiến vào. Những tay trọc phú lần đầu đi săn sẽ được các thợ săn chỉ cho cách nhận biết những dấu hiệu khi có sự hiện diện của ông Ba Mươi. Một trong các dấu hiệu là sự có mặt của loài chim đỗ quyên. Các bậc thợ săn lão luyện khẳng định rằng loài chim này chuyên đi theo hổ để ăn phần thức ăn thừa của chúng.
Một cách săn khác là săn dọi đèn. Nhiều loài động vật hoang dã bị hấp dẫn bởi ánh sáng trong đêm. Cọp cũng là một trong số đó. Đến khu vực có cọp, thấy cọp họ sẽ dùng đèn để thu hút sự chú ý của nó và rồi lựa thời cơ hạ thủ con vật. Tuy nhiên, không phải anh trọc phú nào cũng đủ bình tĩnh khi giáp mặt với chúa sơn lâm. Sự xuất hiện trong mùi tanh của thần chết với bộ lông vằn vện của chúng nhanh chóng thổi bay sự hứng thú ban đầu của người muốn săn. Ông Sơn quả quyết: "Xưa nay, hình ảnh loài cọp hung bạo, quật ngã, xé xác con người đã hằn sâu vào tâm trí chúng ta. Một khi trông thấy nó giữa rừng già, nếu không phải là người có kinh nghiệm đi rừng chắc chắn chúng ta ít nhiều hốt hoảng".
Đôi khi sự hốt hoảng, mất bình tĩnh của khách hàng có thể là lần đi săn cuối cùng trong đời của họ. Nhiều thợ săn hiện đại biết về nghề săn cọp cho biết: Nếu chúng ta không tấn công chúng trúng lúc nó không đói mồi thì loài cọp cũng không nguy hiểm như chúng ta thường nghĩ. Tuy nhiên, nếu khiến chúng nổi giận, kết quả thật khó lường. Về việc này, ông Sơn khái quát: "Kinh nghiệm chiến đấu với cọp dạy ông nội tôi rằng không bao giờ có ý nghĩ chống trả tay đôi với cọp. Dù đông người nhưng trong lúc hoảng loạn, mất bình tĩnh chúng có thể quật ngã, xé xác đoàn thợ săn. Do đó, cần tránh chứ không nên đấu".
Người tổ chức kiêm cần vệ bất đắc dĩ
Đối mặt với một trong những loài động vật săn mồi nguy hiểm bậc nhất thế giới động vật, thợ săn luôn phải trang bị cho mình những bài học kinh nghiệm vô giá. Tuy nhiên, trong cương vị của một hướng dẫn viên săn cọp họ không thể truyền tải cho khách hàng một sớm một chiều. Do đó, khi chịu trách nhiệm hướng dẫn người đi săn, các tay súng này kiêm thêm nhiệm vụ đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách hàng. "Đó là một công việc khó. Những người đi săn cọp để giải trí phần lớn cũng có chút am hiểu về cái nghề này và có gan. Nhưng một khi đã vào cuộc, ai cũng muốn tự tay hạ được mục tiêu. Thế nên, thợ săn đi theo khách chỉ đóng vai trò là hướng dẫn viên chứ không trực tiếp bóp cò", ông Sơn cho biết.
Tuy nhiên không phải ai cũng hoàn thành xuất sắc khao khát hạ gục chúa sơn lâm. Thường thì họ bắn trật hoặc làm bị thương con vật khát máu. Nếu may mắn, viên đạn của những tay nghiệp dư khiến con cọp bị thương nặng chúng sẽ bỏ chạy vào rừng sâu. Ngược lại, cái bóp cò của anh thợ học việc chỉ làm nó chảy máu, con vật sẽ điên loạn chống trả quyết liệt, đưa thầy lẫn trò vào vòng sinh tử. Đó là lúc những anh cần vệ bất đắc dĩ thực thi nhiệm vụ. Anh ta chỉ được bắn trong trường hợp khách hàng trở nên vô vọng trong việc hạ thủ con vật và thực sự rơi vào tình trạng nguy hiểm. Nhiều khi các bậc thầy cũng phải diễn kịch bắn trượt hoặc hành hạ con vật đáng thương bằng vài phát súng vào mình, chân, bụng con vật trước khi kết liễu nó trong tiếng gầm điên loạn.
Theo ông Sơn, việc săn bắn kiểu như trên chỉ hấp dẫn được những tay súng săn bán chuyên. Thường thì họ là những thanh niên, sĩ quan quân đội có đam mê săn cọp thực sự. Ngược lại giới trọc phú cũng muốn chứng minh đẳng cấp bằng thú này nhưng không dám mạo hiểm đổ tiền của ra để đánh cược với tính mạng. Họ chọn một cách an toàn hơn, rầm rộ hơn. Đó là săn cọp bằng voi. Cách săn này được đánh giá là an toàn nhưng vô cùng tốn kém. Để tổ chức được một cuộc săn bắt có quy mô khá lớn bằng voi như trên, những người đóng vai tổ chức phải có mối liên hệ với các dân tộc bản địa.
Cách này thường được tiến hành ở Ban Mê Thuột, có những bậc thầy săn, thuần dưỡng voi chuyên nghiệp. Tại đây, sau khi thỏa thuận các tay thợ săn chịu trách nhiệm điều hành cuộc săn sẽ thuê người dân tộc và voi của họ với giá cao. Nhiều ngưới biết về loại hình săn cọp giải trí này cho biết: Mỗi cuộc săn cọp kiểu này họ phải thuê 10 con voi thuần chủng và hơn 20 người dân tộc bản địa. Sau đó, người ta sẽ cử người vào rừng thám thính những nơi cọp thường xuyên xuất hiện để chắc chắn rằng cuộc săn cọp vào ban ngày sẽ thành công.
Sau khâu chuẩn bị, các tay súng cùng khách hàng sẽ được quản tượng cho cưỡi voi, kéo vào rừng. Những người dân tộc bản địa chia thành từng tốp mang theo vũ khí, thanh la, chiêng trống. Đến khu vực đã được báo trước có cọp, đoàn người sẽ bao vây khu vực, nổi chiêng trống, thanh la inh ỏi, đánh động ông Ba Mươi thức giấc. Họ cố tạo nhiều tiếng động để con mồi tháo chạy tứ phía, vòng vây gồm người, voi, chiêng trống, thanh la, lao, xà - gạc, cung, nỏ xiết chặt dần.
Những cách săn hổ như trên chỉ mang tính giải trí và dần lui vào lãng quên bởi chi phí cho mỗi lần tổ chức khá lớn. Tuy nhiên, những giai thoại về những tay săn cọp với những kỹ nghệ trứ danh vẫn là chuyện hấp dẫn người nghe.
Không được để râu cọp rơi vào tay người khác Sau mỗi lần hạ gục chúa sơn lâm, việc đầu tiên người thợ săn cần làm là đốt đuốc thiêu rụi hoàn toàn bộ râu cọp. Người xưa tin rằng nếu để râu cọp rơi vào tay kẻ có ác tâm sẽ gây ra nhiều hậu họa. Họ tin rằng, chỉ cần đem một sợi râu cọp nhét vào trong thân một cây măng non đang mọc sau này nó sẽ biến thành một loài sâu có sức độc vô cùng khủng khiếp. Cũng có giả thuyết cho rằng, râu cọp cũng là một trong những thành phần chủ yếu của trò chơi ngải của các thầy phù thủy ma giáo. |
H.N - N.L
> Thi ảnh Việt Nam Xanh, rinh ngay 100 triệu đồng