Nguồn cảm hứng bất tật cho các nghệ sĩ
Phryne tên thật là Mnesarete, trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “Đức hạnh”. Cha mẹ đặt cho nàng cái tên này với mong muốn con gái sẽ trở thành một người phụ nữ đoan chính, ngoan ngoãn và tìm được một đấng phu quân yêu thương, trân trọng.
Hình ảnh Phryne khỏa thân trước phiên tòa xét xử vẫn khiến nhiều người nghi ngờ về tính xác thực
Tuy nhiên, trái ngược lại với mong muốn của cha mẹ, Mnesarete lại chọn cho mình một công việc trái ngược lại hoàn toàn với cái tên của nàng - gái lầu xanh. Cũng chính vì dấn thân vào chốn lầu xanh và làn da hơi vàng của mình mà Mnesarete được gọi là Phryne (có nghĩa là Cóc) - một cái tên đã được đặt cho nhiều kỹ nữ khác nhưng chỉ đến Mnesarete mới trở lên nổi tiếng. Phryne được sinh ra tại Thespiae, Boeotia nhưng nàng lại sống cả cuộc đời ở thành Athens. Vẻ đẹp chim sa cá lặn của Phryne nổi trội và được chú ý hơn tất cả các cô gái lầu xanh khác trong thành Athens lúc đó.
Những giai thoại về Phryne còn được nhắc đến nhiều bởi tính cách tự do, phóng khoáng của nàng. Nàng đến với khách hàng của mình không chỉ vì túi tiền của họ mà còn vì cảm xúc tình cảm của chính nàng. Khi vua của Lidya đề nghị gặp nàng, nàng đã đưa ra một mức giá rất cao vì nàng vốn đã không ưa gì vị vua khét tiếng tàn ác này. Ngược lại, nàng lại tự nguyện trao mình miễn phí cho nhà triết học Diogenes vì ngưỡng mộ tài năng và trí tuệ uyên thâm của ông. Trong dịp lễ hội ca ngợi thần biển Poseidon tại Eleusis, nàng đã cởi bỏ bộ đồ tuyệt đẹp đang mặc, thả tóc và bước xuống biển trước ánh nhìn ngơ ngác của tất cả mọi người. Hình ảnh tuyệt mĩ ấy của nàng đã được họa sĩ Apelles “chộp” kịp thời và sáng tạo nên tác phẩm để đời Aphrodite Anadyomene (hay còn gọi là Venus Anadyomene). Một số tác phẩm thời kì này cũng được cho là dựa theo mô phỏng về kỹ nữ Phryne. Trong đó có tác phẩm điêu khắc “Venus” đầu tiên trong lịch sử nhân loại mang tên “Aphrodite of Cnidos” của danh tài Praxiteles.
Trong nghệ thuật tạo hình, danh từ Vệ Nữ (Venus) được sử dụng làm tựa đề cho nhiều danh phẩm trên thế giới từ thời kì Thiên Chúa kéo dài đến thời kỳ Phục Hưng. “Venus” được hiểu là cách diễn tả cái đẹp, cái nữ tính trong tác phẩm nghệ thuật. Tác phẩm “Venus” đầu tiên chính là do nhà điêu khắc Praxiteles lấy cảm hứng và khắc họa từ vẻ đẹp mê hồn của mỹ nữ Phryne.
Đây là tác phẩm miêu tả về nữ thần biển cả Aphrodite, tượng trưng cho sắc đẹp quyến rũ mê hoặc. Có lẽ “Aphrodite of Cnidos” là tác phẩm giá trị nhất của Praxiteles qua mọi thời đại. Nữ thần “Aphrodite of Cnidos” sau đó được các triều vua Knos tái tạo lại bằng cẩm thạch để trong đền thờ. Khi xuất hiện lần đầu tiên, bức tượng khỏa thân này đã làm công chúng nghẹt thở vì vẻ đẹp tuyệt trần của nó. Với kích thước bằng người thật, nhìn từ bất cứ góc cạnh nào bức tượng cũng toát lên vẻ đẹp cân đối. Ngay sau đó những chuẩn mực từ nét đẹp trên bức tượng này được thừa nhận là tiêu chuẩn vàng cho các tác phẩm nghệ thuật tiếp theo. Bức tượng chính là nguồn cảm hứng cho họa sĩ thời Phục Hưng Sandro Botticelli tạo ra tác phẩm “The Birth of Venus” (Ngày sinh của thần Vệ Nữ) nổi tiếng trong lịch sử hội họa thế giới.
Trong tranh, nữ thần sắc đẹp đứng trên con sò nổi trên mặt biển, một tay che ngực, một tay che phần kín của cơ thể. Bức tranh toát ra nét thanh xuân phơi phới của Venus trước gió biển, tượng trưng cho cái bao la của vũ trụ. Và trong bao la đó sắc đẹp chính là cái đẹp muôn thuở giúp con người vượt lên mọi khó khăn thử thách của tạo hóa. Con sò dưới chân Venus ấn dụ cho sinh thực khí của người phụ nữ - là triết lý thẩm mỹ của cái đẹp trên cơ thể phụ nữ kéo dài đến thời kỳ Phục Hưng. Có thể nói, Phryne chính là hình mẫu lý tưởng ngọn nguồn để cho ra đời các tác phẩm nghệ thuật gợi cảm và quyến rũ kia.
Không chỉ trong hội họa hay điêu khắc mà trong văn học, âm nhạc, điện ảnh… người ta cũng tìm thấy cảm hứng sáng tạo từ vẻ đẹp quyến rũ của nàng Phryne. Các nhà thơ Charles Baudelaire và Rainer Maria Rilke tiết lộ rằng chính nàng kỹ nữ thành Athens Phryne là nàng thơ để họ sáng tác ra những bài thơ nổi tiếng như Lesbos, La beauté hay Die Flamingos. Ngoài ra, Dimitris Varos, một nhà văn Hy Lạp thời hiện đại và Witold Jablonski, một nhà văn giả tưởng Ba Lan cũng đã viết lên một cuốn sách hấp dẫn về cuộc đời Phryne. Sắc đẹp và sự nổi tiếng của Phryne còn được ca tụng trong âm nhạc như trong bản Phryne của Camille Saint - Saens hay thậm chí trong chương trình Những nền văn minh cổ đại của kênh Discovery.
Tác phẩm “Aphrodite of Cnidos” được nhà điêu khắc Praxiteles lấy cảm hứng sáng tác từ kỹ nữ Phryne
Sắc đẹp khiên công lý cũng phải rung rinh
Sắc đẹp của Phryne không chỉ truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ trên khắp thế giới để họ sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật để đời mà còn giúp nàng tránh được những bản án nghiêm khắc mà lẽ ra nàng phải nhận với tội danh “báng bổ thần thánh”. Vào một ngày Phryne bị tố làm ô uế lễ hội Eleusinian (một lễ hội của thần mùa màng Demeter và Persephone). Có lẽ tội danh làm ô uế lễ hội này có liên quan tới việc Phryne thường xuyên khỏa thân trước mặt mọi người như ở lễ hội Poseidon trước đây.
Phryne đã được nhà hùng biện Hypereides, một trong những người yêu của nàng bảo vệ nhiệt tình trong phiên tòa xét xử. Và khi nhận thấy buổi xử án diễn ra không thuận lợi cho mình, Phryne đã nghe lời Hypereides để lộ ra bộ ngực trần nhằm thu hút sự chú ý của các vị thẩm phán. Một số ý kiến cho rằng Phryne đã trút bỏ hết xiêm y của mình trước tòa và thái độ của các vị thẩm phán nghiêm khắc đã dịu xuống.
Tuy nhiên, sau này người ta vẫn nghi ngờ về tính xác thực của cảnh Phryne trút bỏ xiên y trước phiên tòa. Những mô tả về cuộc xử án được tìm thấy sớm nhất trong bài thơ “Ephesia” của nhà thơ Poseidippus nổi tiếng xứ Cassandreia. Ông miêu tả Phryne chỉ đơn giản siết chặt tay trước bồi thẩm đoàn cùng với những giọt nước mắt bào chữa cho cuộc sống của cô ấy… Đó là một cảnh về lời thỉnh cầu xin tha tội mà việc cởi xiêm y không được đề cập đến. Nếu việc cởi áo xảy ra, Poseidippus có lẽ đã đề cập tới nó bởi vì ông là một nhà thơ châm biếm. Bởi vậy kết luận duy nhất có thể là việc cởi áo của Phryne là một sự hư cấu về sau này, trong khoảng sau năm 290 Trước Công nguyên, khi tác phẩm của Idomeneus (có đề cập tới cảnh Phryne cởi đồ) được viết. Giả thuyết cho rằng Idomeneus đã hư cấu làm phiên bản của câu chuyện tục tĩu hơn, có lẽ ông ta muốn nhại lại và chế nhạo những màn xử án của những kẻ mị dân thành Athens. Mục đích của ông là đả kích thói dâm đãng quá giới hạn của những kẻ mị dân này. Như vậy là cô gái hồng lâu Phryne còn được kéo vào cả cuộc chiến chính trị. Sắc đẹp của nàng quả thực đã bao phủ khắp các lĩnh vực trong thành Athens thời đó.
Tính cách “ngông” Chính nhờ sắc đẹp trời cho ấy mà nàng dành được sự săn đón, yêu chiều của rất nhiều vương tôn, quý tộc thuộc giới thượng lưu Hy Lạp bấy giờ. Cuộc sống của Phryne cũng trở lên ngày càng giàu có và sung túc hơn. Sự giàu có của Phryne được người đời sau nhắc đến nhiều nhất là câu chuyện nàng muốn xây lại những bức tường Thebes - những bức tường đã bị Alexander Đại đế phá hủy trước đó. Tuy nhiên, lời đề nghị xây dựng lại những bức tường đó của nàng đã bị các nhà chức trách thành Athens từ chối vì nàng đã đặt ra một điều kiện vô cùng “ngông”. Đó là mong muốn được khắc dòng chữ “Bị phá hủy bởi Alexander đại đế và được phục hồi bởi Phryne, một kỹ nữ” lên những bức tường. Sự thay đổi phán quyết ở tòa với Phryne không đơn giản là vì họ đã bị sắc đẹp của Phryne quyến rũ mà bởi vào thời bấy giờ vẻ đẹp hình thể thường được coi như dấu ấn của sự trong sáng hay một thiên thần. Vào thời cổ đại người Hy Lạp quan niệm rằng, một cơ thể đẹp là bằng chứng của dòng máu thần thánh. Có lẽ những thẩm phán trong phiên tòa tin rằng Phrynre là con của một vị thần nào đó nên đã xử cho nàng trắng án. |
Đinh Nhung