Nghệ sỹ “ghẻ lạnh” - công chúng thờ ơ
Dù biết mọi sự so sánh là khập khiễng, nhưng nếu nhìn vào các giải thưởng dành cho lĩnh vực âm nhạc, nhiều người cũng phải phát hoảng với một thực tế rằng, nếu như con số các giải thưởng hàng năm dành cho điện ảnh, văn học, mỹ thuật... chỉ có thể kéo dài từ 2 đến 5 thì số lượng các giải thưởng âm nhạc phải gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần như thế. Có thể kể ra gần chục giải thưởng âm nhạc được các cơ quan chuyên môn và giới truyền thông tổ chức từ: Làn sóng xanh; Mai vàng; Cống hiến, Album vàng; HTV awards cho đến Zing music awards, Yan TV, Bài hát Việt, Video âm nhạc... Các giải thưởng này được trao vào nhiều thời điểm trong năm nhưng "nở rộ" nhất phải kể đến giai đoạn cuối năm, khi đây được coi là dịp "đến hẹn lại lên" của vô số các giải thưởng.
Sẽ không có gì đáng nói nếu như các giải thưởng kể trên đều thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích trước khi ra đời của nó, thế nhưng "quý hồ tinh, bất quý hồ đa" (quý chất lượng, không quý số lượng), sự bùng nổ của một loạt các giải thưởng âm nhạc đi kèm với nhiều scandal kéo theo nó đã dẫn đến rất nhiều vấn đề đáng bàn như: Tình trạng bão hòa và "bội thực" giải thưởng, giải thưởng na ná nhau, giải thưởng mất thiêng... dẫn đến kết quả là nghệ sỹ không mặn mà và háo hức với các danh hiệu, còn công chúng thì luôn có phần hoài nghi và "ngán ngẩm" với những giải thưởng.
Giải thưởng âm nhạc giờ không còn là dấu mốc quan trọng để nâng bước ca sỹ hay người đoạt giải nữa?
Minh chứng chẳng đâu xa, người ta có thể nhìn ngay vào lịch sử phát triển của Làn sóng xanh - một trong những giải thưởng lâu năm nhất về âm nhạc tính cho đến nay do Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM tổ chức. Ra đời từ năm 1997, Làn sóng xanh nhanh chóng khẳng định vị thế của một giải thưởng âm nhạc lớn, có uy tín và chiếm vị trí danh giá số 1. Những ca khúc, ca sỹ, nhạc sỹ lọt vào bảng xếp hạng hàng tháng của Làn sóng xanh đồng nghĩa với việc ca khúc đó, ca sỹ đó, nhạc sỹ đó sẽ trở nên nổi tiếng.
Thế nhưng sau khoảng 7, 8 mùa giải, Làn sóng xanh đã không còn duy trì được "phong độ" và mất dần vị thế. Các tác phẩm âm nhạc có chất lượng dần bị thay thế bằng những bài hát nhạt nhẽo của các hot girl, hot boy thay thế dần. Ban tổ chức thì ngày càng tỏ ra bế tắc và bất lực trong việc tìm kiếm những cái tên mới đủ sức nặng thuyết phục công chúng.
Hay như giải thưởng ca nhạc trực tuyến duy nhất ở Việt Nam là Zing music awards (ZMA) 2013 vừa diễn ra mới đây cũng gây nên nhiều tranh cãi. Đầu tiên là việc ban tổ chức áp dụng hình thức bầu chọn ca khúc, ca sỹ đoạt giải trong năm chỉ dựa vào cách duy nhất là qua các dòng điện thoại smartphone có cài ứng dụng của Zing. Không chỉ đối tượng bình chọn có vấn đề mà cách tính điểm bình chọn cũng "không ổn" khi năm nay không dựa vào số lượt tải về mà chỉ dựa vào số lượt nghe, lượt thích, lượt bình luận và chia sẻ của ca khúc đăng trên trang web. Thêm vào đó, dù hạng mục Nghệ sỹ của năm đã có tiêu chí bình chọn là "nghệ sỹ không có scandal" nhưng nhiều gương mặt "gây bão" vẫn có tên trong top mà tiêu biểu nhất là Đàm Vĩnh Hưng.
Có nhiều ý kiến còn tỏ ra bất bình về việc các giọng ca có dấu ấn như Tùng Dương, Hồng Nhung, Đức Tuấn, Thu Minh, Uyên Linh... lại không có tên trong danh sách 40 ca sỹ đề cử mà ban tổ chức đưa ra mà thay vào đó là những cái tên lạ và mới như Justa Tee, Miu Lê, Mr.Siro, Phương Mỹ Chi... Giải thưởng cũng đang tự mâu thuẫn mình khi năm ngoái vừa loại những "thảm họa" âm nhạc ra khỏi danh sách xét giải thì năm nay lại đưa một số "thảm họa" đứng "chễm trệ" ở trang chủ. Điều đó khiến cho dấu ấn của ZMA trở nên nhạt nhòa hơn khi đứng cạnh các giải thưởng âm nhạc khác trên thị trường và ngày càng "kém duyên" trong mắt công chúng.
Thêm một thực trạng dễ nhận thấy trong các đề cử của giải thưởng âm nhạc là giải năm sau cũng "na ná" như năm trước, hiện tượng một ca sỹ nhận nhiều giải thưởng ở các hạng mục khác nhau và hiện tượng các giải thưởng "đóng đinh" với chỉ một số gương mặt "độc quyền" đã khiến không chỉ khán giả không hào hứng mà ngay cả người được đề cử nhận giải thưởng cũng không còn tự hào về danh hiệu được nhận nữa. Hậu quả là các giải thưởng âm nhạc ngày càng gây nhàm chán, không có sự bứt phá, sáng tạo ra những cái mới. Hầu như các giải đều theo một cách thức chung là giải của Hội đồng nghệ thuật và giải do khán giả bình chọn. Nhiều cuộc thi kết quả chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào số phiếu bầu của khán giả dẫn đến nghi ngại về giải thưởng thiếu minh bạch và công bằng. Thực tế này đã khiến cho kết quả các cuộc bình chọn không còn đáng tin cậy và chờ mong nữa.
Nhạc sỹ Phó Đức Phương.
Chỉ còn là cuộc chạy đua về thương hiệu?
Nói về vấn đề này, nhạc sỹ Nguyễn Hải Phong nhận định: "Nhiều giải thưởng âm nhạc trao quyền "cầm cân nảy mực" vào tay công chúng là điều dễ hiểu vì âm nhạc sinh ra là để phục vụ khán giả và họ phải có quyền quyết định. Thế nhưng, giữa công chúng và giới phê bình luôn có một độ "chênh" nhất định trong việc thưởng thức và đánh giá nên mới luôn có những ý kiến trái chiều xung quanh giải thưởng. Một điều nữa là các giải thưởng âm nhạc của chúng ta không có khả năng thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng ở nhiều tầng lớp, nhiều thế hệ, nhiều lứa tuổi, nhiều ngành nghề để khiến họ tham gia vào bầu chọn, thế nên kết quả chỉ mang tính tương đối. Và, nhiều khi các giải thưởng vô tình tạo "cuộc đua" giữa các fan bầu chọn cho "thần tượng" của mình". Cách trao "quyền lực" kiểu này đã khiến cuộc thi thiếu đi yếu tố khách quan, công bằng".
Việc các fan có thể thao túng các giải thưởng dẫn đến một vấn đề đáng lưu tâm là vai trò của Hội đồng nghệ thuật đã dần mất đi tính định hướng thẩm mỹ trong mỗi cuộc thi và ý kiến của họ cũng bị "lép vế" bên cạnh các tin nhắn bình chọn. Hậu quả là những nghệ sỹ có nhiều cống hiến được thay thế bằng những ca sỹ trẻ, còn "non" về chuyên môn nhưng mạnh về tuyên truyền. Hẳn nhiều người trong giới vẫn còn nhớ giải thưởng gương mặt ca sỹ triển vọng 2010 do Zing phát động đã khiến nhiều khán giả "choáng" về sự "phóng khoáng" quá đáng của giải thưởng khi đặt giải vào tay ca sỹ Vĩnh Thuyên Kim, người nổi tiếng với ca khúc "thảm họa" Teen vọng cổ.
Thế nên ngày nay, thay vì quan tâm xem ai được giải thì công chúng lại đổ dồn chú ý về việc ai rút khỏi danh sách hay vắng mặt trong đêm trao giải. Và, bản thân ca sỹ nhận giải cũng rất "hờ hững" với giải thưởng. Đan Trường đã từng từ chối khi được đề cử vào giải Mai vàng và Làn sóng xanh. Mỹ Tâm, Phương Thanh, Hồ Quỳnh Hương cũng đã từng viết thư xin từ chối đề cử. Nam ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng thì bày tỏ nỗi buồn khi ban tổ chức không tìm được người khác thay mình vì nhiều năm liên tiếp trụ giải Ca sỹ của năm, của Làn sóng xanh...
Nhạc sỹ Phó Đức Phương nhận định: "Ngoài giải Cống hiến và Bài hát Việt, có khá nhiều giải thưởng đã dần mất đi uy tín và thương hiệu. Dễ thấy, những giải thưởng do ban giám khảo quyết định thì họ khó lòng giữ được sự khách quan vì bị vướng mắc nhiều thứ nên để khán giả bình chọn cũng là một giải pháp hợp lý, điều đó cũng tránh cho giám khảo chịu sức ép tinh thần quá nặng nề. Bởi đôi khi ban giám khảo không thể quyết hết mà còn phải "lựa" ý kiến của ban tổ chức, nhà tài trợ... nên hội đồng giám khảo không đưa ra được kết luận chuẩn xác. Không thể phủ nhận một thực tế là vai trò của Hội đồng nghệ thuật ở một số giải thưởng âm nhạc hiện nay ngày càng mờ nhạt, thiếu định hướng đúng đắn cho giải thưởng. Điều này khó mà giải quyết được bởi khi mọi thứ đã không chuẩn mực thì khó có thể làm mọi việc nghiêm túc đến tận cùng được".
Theo nhạc sỹ Phó Đức Phương, các giải thưởng ca nhạc hiện giờ phần đông là để phục vụ công việc kinh doanh, quảng bá cho đơn vị hoặc là hợp đồng quảng cáo với các nhà tài trợ. Vì thế, giải thưởng ca nhạc trở nên quá thường và không còn "thiêng" cho dấu mốc sự nghiệp của các ca sỹ đoạt giải. "Phú quý sinh lễ nghĩa, họ có điều kiện, họ xin được tài trợ thì họ cứ làm, dù không có uy tín, không mấy giá trị nhưng mình không thể không cho họ tổ chức và cũng không có điều luật cấm họ, nên chúng ta đành phải chấp nhận thực tại", nhạc sỹ Phó Đức Phương nói.
Theo nhạc sỹ Lê Tịnh, chính sự "nở rộ" thiếu kiểm soát của các giải thưởng âm nhạc khi đơn vị nào cũng có thể tổ chức trao giải; cách thức bình chọn thiếu khoa học, minh bạch cộng thêm sự lũng đoạn của các fan, chuyện đi bằng "cửa sau" đã khiến các giải thưởng âm nhạc hiện nay dần “mất thiêng” và không còn đáp ứng đúng mục đích ra đời của nó. Ông cho rằng, các cơ quan quản lý, những nhà chuyên môn và những nghệ sỹ có tiếng nói trong giới âm nhạc phải góp phần lên tiếng và đưa ra những biện pháp hiệu quả để các giải thưởng âm nhạc trở về đúng với vị thế vốn có của nó.
Loan Thanh